Tuesday, June 4, 2019

Người Cha Lao Công

Phương Hoa 

Buổi trưa, bầu trời trên thành phố biển Berkeley trong xanh. Nắng thật đẹp. Ánh nắng rực rỡ nhưng khí hậu lại man mác, dịu dàng. Hơi mát len nhẹ vào phòng đợi tầng hai của bệnh viện từ cánh cửa tự động mỗi khi có người vào ra, mang theo mùi hương thoang thoảng từ vườn hoa đủ loại ngoài sân thượng bệnh viện.

Đột nhiên trời trở gió. Những cơn gió mạnh ào theo bước chân của khách tạt vào làm bay tốc các tờ tạp chí và làm chao đảo các cành hoa đầy màu sắc trong mấy chiếc độc bình lớn trên bàn, cạnh những bộ sofa khách đang ngồi. 

Từ phía sau, một người đàn ông Việt Nam mặc bộ đồ màu xanh xám của nhân viên bệnh viện đẩy chiếc xe chất đầy dụng cụ lau nhà phăng phăng đi ngang qua phòng đợi, vừa đi ông vừa cởi chiếc khẩu trang ra thảy vào trong giỏ rác. 

– “Hey! Mr. Lac!” Già Lạc ơi! Cô y tá từ trong phòng lab bước ra gọi. – Ông có thể giúp chỉnh đốn lại mấy bình hoa kia được không? Và cả những khay trái cây luôn, làm ơn nha! Lát nữa đây có phái đoàn trên trung tâm chính xuống khảo sát, mà tất cả mọi người đều bận, kể cả các thiện nguyện viên, nên mới nhờ đến ông đó. 

– “Yes Anna! No Problem!” Được cô Anna ơi! Không sao đâu! Ông Lạc cười xởi lởi, khoe hàm răng ngã sang màu ngà vì khói thuốc đã bị mất chiếc răng nanh bên trái. – Để tôi cất cái xe này vào kho đã rồi sẽ làm ngay. 

Ông Lạc trở ra sắp xếp mớ tạp chí và lau dọn sạch các mặt bàn rồi ngồi xổm xuống trước một bình hoa, tỉ mỉ sắp xếp lại và đổ thêm nước cho đầy bình để sức gió không thể lung lay. Bình hoa thật lớn. Chen lẫn trong nhóm hoa hồng hoa cúc và hoa huệ, là những đóa hướng dương màu vàng sậm, to lớn giống những chiếc gương tròn, nặng quằn dường như quá sức chịu đựng của cuống lá mảnh mai. Nhưng dù bị gió làm cho nghiêng ngả, chúng vẫn ngoan cường tươi tắn ngạo nghễ nhìn đời, và vẫn luôn cất cao đầu hướng về phía cửa, nơi có ánh nắng mặt trời chói chang vừa bị mây đen kéo qua che khuất. 

Ngồi cắm lại những bông hoa xiêu vẹo, ông Lạc tẩn mẩn nghĩ, bịnh nhân ung thư đang điều trị trong khu này cũng giống như những bông hoa mặt trời. Những lần xạ trị đốt cháy thịt da, bao đợt hoá trị phờ người vật vã ói mửa, họ vẫn kiên cường chống chọi. Dù mang bệnh hiểm nghèo, họ gắng sức chiến đấu để giữ lại sự sống. Không biết có phải do vậy mà bệnh viện mới đem chưng loài hoa này ở đây hay chăng, vì ông thấy hầu hết các phòng, chỗ nào cũng có chưng hoa mặt trời. 

Những người ngồi chờ nhìn ông làm việc, gật đầu khen ông làm “good job” làm ông cũng thấy vui vui trong lòng. 

Làm xong ông Lạc bước lại chỗ kệ để thức uống và trái cây. Trong khay chỉ còn có mấy trái chuối, ông ra nhà bếp bưng tới một rổ táo, chuối, và cam quýt, chất vào cho đầy. Tất cả đều là những loại trái cây hữu cơ “organic” trái nào trái nấy trông sạch sẽ và mạnh mẽ. Nhìn những cái khay đặt cạnh bình nước nóng chứa đầy các loại túi trà, cafe khác nhau kèm theo nhiều túi đường sữa bên cạnh, rồi những bì chips, bánh quy mặn ngọt lạt gì cũng có, ông Lạc thấy khâm phục cách chăm sóc bệnh nhân rất chu đáo ở đây. Ngày ba bữa sáng trưa tối họ cung cấp thức ăn với đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân, ai muốn ăn món gì thì có thể đặt hàng cho mình, y tá sẽ đem tới bất cứ lúc nào. Trong tủ lạnh của khu vực này lúc nào cũng đầy ắp sữa tươi, bánh mì kẹp thịt, cá thu, cheese, yogurt, và các loại kem là những thức ăn vặt cho bệnh nhân đỡ lòng khi nào họ cảm thấy đói mà chưa tới giờ ăn chính. 

Làm cái job lao công ở đây mười mấy năm, ông Lạc quen biết tất cả mọi người, từ bác sĩ, y tá đến các chuyên gia dinh dưỡng. Người ta cũng rất thích ông vì sự vui vẻ, hiền lành, và làm việc với sự tận tâm. Bà Hạnh vợ ông bị bịnh ung thư cũng đã được chữa trị ở đây. Các bác sĩ đã hết sức tận tình cứu chữa cho bà lành bệnh. Chỉ tiếc là sau khi hết bệnh bà đã quá ỷ y nên mãi lo đi làm không chú ý theo dõi thường xuyên về sức khỏe. Chục năm sau, khi biết bệnh tái phát thì đã quá muộn màng. Các bác sĩ rất giỏi nên họ cũng giúp bà kéo dài thêm được mấy năm. 

– Bố Lạc ơi! Làm dùm cho con một ly cà phê với “đường không ngọt” (nonsweetener) đi! 

Ông Lạc giật mình quay lại. Đó là Tazee, cậu bệnh nhân “con bà phước” người Mỹ Trắng trẻ nhất, điều trị lâu nhất trong khu này. Một đứa trẻ tội nghiệp. Ông thường nghĩ vậy mỗi khi gặp Tazee. Cậu chỉ mới hơn 20 tuổi đầu mà mắc chứng ung thư mũi vào gian đoạn III trong khi đang học năm thứ hai ở trường Laney College. Suốt mấy tháng điều trị, không hề thấy có thân nhân nào đến thăm, dù khi cậu bị thuốc hành phải nằm cả tuần trong phòng cấp cứu, cũng chẳng có ai chở dùm đến bệnh viện dù chỉ một lần. Cậu lúc nào cũng tự lái xe đến phòng xạ trị và hoá trị rồi chạy về. Mọi người từ bác sĩ đến y tá đến nhân viên nhà bếp, kể cả nhân viên vệ sinh như ông Lạc cũng đều thương Tazee, vì cậu rất can đảm, chấp nhận điều trị căn bệnh hiểm nghèo, không bao giờ tỏ ra sợ hãi hay than phiền. 

Tazee lớn lên bất hạnh. Cha mẹ ly dị khi cậu vừa đủ 18 tuổi phải ra tự lập. Cậu vào học đại học vừa đi làm ở McDonald để có tiền sinh sống và học phí. Cha mẹ cậu sau đó đã tái hôn và dọn đi tiểu bang khác. Mỗi người tự lo cho hạnh phúc của riêng mình, nên họ không hề nhớ đến đứa con đang bệnh hoạn này. Cậu kể, cả cha mẹ cậu ngày còn ở chung hai người đều hút thuốc lá uống rượu mạnh, cho nên chỉ mười tuổi đầu cậu cũng bắt chước làm theo. Bác sĩ nói, rượu mạnh và thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh của cậu. Ông Lạc thương Tazee hơn ai cả vì cậu ta cũng cỡ tuổi thằng Jimmy con ông. Ông thường vô nhà bếp lấy thức ăn mỗi khi cậu nhờ. Chỉ cần nói cho Tazee là món gì cậu cần nhà bếp cũng cho. 

Tazee nhìn ông lạc cười rạng rỡ. Một tay cậu cầm chiếc mặt nạ xạ trị màu xanh lá mạ, tay kia ôm một khung hình. 

– Hey bố Lạc! Bác sĩ vừa mới cho con xuất viện khi nãy! Tazee nói, đưa chiếc mặt nạ ra trước mặt ông. – Còn đây là “tấm bằng khen” con đã hoàn thành tốt việc chữa trị! “Ngon lành” chưa! Tazee đùa thêm một câu. 

Ở khu này, mỗi khi bệnh nhân nào lành bệnh thì bác sĩ cho xuất viện và cấp một tấm giấy chứng nhận việc chữa trị đã hoàn thành, mọi người gọi đùa đó là “tấm bằng khen” hay là “giấy khai sinh thứ hai.” Điều này rất đúng! Những căn bệnh ung thư chữa hết thì coi như được tái sinh lại lần nữa chứ còn gì. Bác sĩ cũng đưa cho bệnh nhân cái mặt nạ xạ trị được thiết kế riêng cho họ để mang về nhà làm kỷ niệm. 

– Wow! Chúc mừng Tazee nha! Ông Lạc kêu lên, nhìn vào tấm bằng trong khung hình và đưa ngón cái lên ra dấu “number one” rồi suýt xoa. – “You did it!” Cậu đã làm được rồi! Giỏi quá! Tôi sẽ làm cho cậu ly cà phê ngon… nhất nước để chúc mừng nghe! Ông đùa xong vội lấy ly pha cà phê cho Tazee. 

Nhìn cậu thanh niên, ông Lạc chợt xúc động. Sự can đảm đã cứu lấy cậu trai này. Nhớ lại những ngày chữa trị, Tazee đã trải qua những khổ đau thế nào. Cậu vật vã với ói mửa, đau đớn, mặt mũi bị cháy nám ra tới ngoài da, kể cả ngất xỉu phải đưa lên phòng cấp cứu. Dù chính ông cũng từng chịu đựng bị hành hạ khi ở tù, nhưng chứng kiến cái cảnh bệnh hoành hành, ông không biết mình có thể chịu đựng được như Tazee hay chăng. 

Nhìn theo dáng đi thật thong thả, thật nhàn nhã của Tazee so với những ngày cậu mới vào đây bước đi không nổi, ông Lạc bất giác thở dài, nghĩ đến thằng con Jimmy của ông. Trong khi Tazee và bao nhiêu bệnh nhân ở đây phải ráng chiến đấu với thần chết để giành lại mạng sống thì thằng con ông lại đi đâm đầu vô chỗ chết. Mấy tháng qua, cuối tuần nào ông cũng lặn lội qua thành phố San Francisco để tìm thằng Jimmy. Có lần tìm thấy nó đứng chung với mấy đứa Mỹ, ông mừng quá chạy vội tới. Trong lúc lính quýnh vừa chạy vừa dòm chừng sợ nó bỏ đi, ông vấp phải cái bục xi măng cạnh lề đường và ngã sóng soài. Đến khi ông lò dò đứng dậy được thì chỉ còn mấy đứa kia, thằng con biến đi đâu mất. Ông chạy lại hỏi, tụi nhóc cười hô hố không trả lời. 

Chiều thứ Sáu đi làm về, ông Lạc ăn vội miếng cơm rồi khoác lên bộ đồ đen nhem nhuốc rách rưới, đôi giày cũ mèm mòn hết đế, đội chiếc mũ lát Mễ ông mua ở chợ 99 cent về bôi cho loang lổ. Kỳ này ông thay đổi chiến thuật, giả dạng làm người ăn xin để qua San Francisco lần nữa. Trong mấy ngày nghỉ cuối tuần, ông nhất quyết phải kiếm cho bằng được Jimmy. Với cái bao rác màu đen to đùng, bên trong đựng tấm nilon cùng chiếc mền rách và vài thanh kẹo cốm để đỡ lòng khi đói, ông ra vườn sau vơ mớ đất cát trong chậu cây thoa lên mặt và hai tay phụ họa cho phần cải trang để thằng Jimmy không nhận ra ông. Đón xe Bart qua San Francisco, ông Lạc vác cái bao từ đường Market đi lần về hướng sau lưng Toà Thị Chính. 

Trời đã xâm xẩm tối, bầu không khí của thành phố biển trở nên lạnh dần. Dãy đèn đường giăng giăng ánh sáng vàng vọt trên những ngọn cây dọc theo đường Ellis và Olive như rải chút niềm hy vọng chở che cho đám người cùng khổ có chỗ nghỉ ngơi, sau một ngày lang thang tản mác khắp nơi kiếm sống. Đó là lúc các tiệm quán hai bên đường bắt đầu đóng cửa, “trả lại” vỉa hè cho những kẻ không nhà. Quả thật đúng như người ta nói, thành phố San Francisco là nơi dung chứa tốt nhất cho “Homeless.” Trời càng tối thì người ta càng lũ lượt, kẻ đẩy xe shopping cart trên chất ngổn ngang các thứ quần áo chăn mền, người mang cặp, kẻ vác bao, trở lại vị trí cũ của mình, trải những tấm nilon, tấm bạt xuống vỉa hè chuẩn bị cho giấc ngủ. 

Ông Lạc cũng chen vào gần với họ vì không muốn ngồi một mình sẽ bị cảnh sát đi tuần để ý. Thấy chỗ góc đường Ellis gần đường Larkin còn một khoảng trống chưa có ai ngồi, ông lò dò bước lại đặt cái bao xuống. Trải tấm nilon ra ngồi, qua chiếc mũ sùm sụp ông quan sát thật kỹ xung quanh. Gần đó, nhiều người đã chui vô chăn trùm kín mít, chỉ còn vài người đang phì phèo thuốc lá, những đóm lửa tỏa sáng trên đầu môi họ. 

Thấy hơi đói, ông mở túi nilon lấy một thẻ kẹo trái cây nhai xong, cột túm cái bao lại đặt trên tấm trải và đứng dậy lửng thửng đi ngược về phía con hẻm bên cạnh. Đâu có gì quý giá trong đó mà lo. Những kẻ không nhà này chắc không ai đi trộm đồ “đồng nghiệp” của mình. Tới cuối đường, ông Lạc nhìn vào trong hẻm. Đó là một khu vực tối tăm của đường Eddy, nơi ông đã có lần nhìn thấy Jimmy sau lần gặp nó gần Tòa Thị Chính. Con đường vắng vẻ không thấy bóng dáng ai, ngoài những cụm người đắp chăn nằm lù lù rải rác từ phía xa gần đường Polk. 

Trời về khuya, xe cộ lúc này đã giảm bớt qua lại, những kẻ không nhà quanh đây cũng đà ngon giấc. Khu phố thật yên ắng. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe của những người đi làm về trễ chạy chậm chạp mệt mỏi ngang qua, trông buồn tẻ cô đơn như những con nhạn lạc bầy. Ông Lạc ứa nước mắt nghĩ đến thằng con. 

Là một người trước đây dù kẻ thù hành hạ cỡ nào nước mắt cũng không rơi, mà từ dạo vợ qua đời rồi đến lượt thằng con giở chứng, ông đâm ra như người “mít ướt,” nước mắt cứ chảy thường xuyên. 

Thằng Jimmy là đứa “con trai cầu tự,” là đứa con...đẻ ráng, sau ngày vợ chồng ông đến Mỹ diện HO. Ông Lạc từng là một sĩ quan của Quân Lực VNCH, đi tù khi Mỹ Hạ con gái đầu lòng của hai vợ chồng mới lên bốn tuổi.
Lúc sinh Jimmy, bà Hạnh đã ngoài bốn mươi. Thời gian sau theo dõi, bác sĩ nói đứa bé có vấn đề tâm lý, bị trầm cảm, cần phải được chăm sóc cẩn thận. Nghe lời khuyên, vợ chồng ông tìm đọc sách báo để biết cách nuôi con. Khi thằng bé bắt đầu đi học, ông Lạc gửi nó vào một trường bán công (Charter School) để họ chăm sóc cho kỹ càng. Nhờ vậy, Jimmy lớn lên ngoan hiền, học giỏi, chỉ tội ít nói chuyện ngoài ra không có vấn đề gì trầm trọng. 

Đứa con gái lớn Mỹ Hạ của ông bà học rất giỏi. Đó cũng là tấm gương sáng cho Jimmy. Thằng bé cũng như chị gái, thay phiên nhau đem về khoe thành tích nhất nhì lớp của trường Oakland với cha mẹ. Ông Lạc rất mừng, từ những thông tin ông tìm được trước đây, trẻ mắc bệnh trầm cảm hoặc tự kỷ nếu chăm sóc tốt từ nhỏ, lớn lên nó có thể trở thành nhân tài.

Mỹ Hạ học xong đại học, ra đi làm rồi lấy chồng và dọn qua New York sống. Jimmy tốt nghiệp trung học loại giỏi, đứng trong nhóm đầu bảng Top 10 học sinh giỏi của trường Oakland Charter Highschool và được nhận vào Laney College. Vợ chồng ông thở phào nhẹ nhỏm, vất đi nỗi lo canh cánh bên lòng về Jimmy.

Jimmy vừa học college vừa đi làm ở tiệm KFC trong thành phố. Mọi thứ đều suông sẻ. Thằng con học giỏi lại đẹp trai nên dù nhút nhát, ít muốn tiếp xúc với mọi người, nó cũng có được đứa con gái cùng lớp tên Anna người Mỹ Trắng theo hò hẹn. Điều này làm vợ chồng ông vui lắm. 

Nhưng rồi tai họa đã giáng xuống cho gia đình ông, khi Jimmy bước sang năm học thứ hai. Đó là lúc bà Hạnh qua đời. Jimmy từ nhỏ rất thân thiết và gần gũi quấn quít bên mẹ. Bà cưng chìu, chăm chút cho con trai từng tý từng ly vì nỗi ám ảnh từ lời bác sĩ là nó bị bệnh. Dù đã lớn, mỗi lần đi học về Jimmy đều chạy tìm mẹ, mỗi tối trước khi đi ngủ thằng bé luôn vô phòng hôn mẹ và chúc ngủ ngon. Cho nên cú sốc mất mẹ làm cho Jimmy trở nên hoảng loạn.

Sau đám tang vợ, ông Lạc dù buồn khổ cũng phải cố gắng trở lại đi làm. Nhưng Jimmy thì không dậy nổi. Nó nằm bẹp dí, khóc cả tuần lễ, dù con bồ Anna thường tới an ủi vỗ về, nó cũng không chịu dậy đi học lại. Vốn là đứa học giỏi, giờ bỏ lớp giữa chừng, nên khi biết mình bị điểm F, rớt hết các môn, Jimmy càng căng thẳng và hụt hẩng. Nó nằm lì trong nhà, không thiết cả ăn uống tắm rửa hay đi ra ngoài. Ông Lạc bận đi làm, ông cố làm thêm nhiều giờ cho quên đi nỗi buồn, nên không hề biết những diễn tiến tâm lý tồi tệ của Jimmy.

Rồi đến một ngày, khắp người Jimmy bỗng nhiên nổi toàn mẩn đỏ, ngứa và tróc từng lớp ở da đầu, ở mặt, cùi chỏ, đầu gối… Nó mắc phải chứng bệnh người ta thường gọi là “chứng vảy nến.” Và con bé Anna bỏ nó đi luôn từ đó.

Căng thẳng tiếp nối căng thẳng, khổ đau liên tục khổ đau, Jimmy bộc phát mạnh chứng bệnh trầm cảm mà lúc nhỏ bác sĩ đã phán đoán. Vì mặc cảm thân mình gớm ghiếc, nó trở nên khó chịu, chán đời, nhưng nhất quyết không đi bác sĩ để chữa trị. Mặc cho cha khuyên bảo năn nỉ để cha đưa đi, nó vẫn không nghe. Ông hỏi thăm những bác sĩ trong bệnh viện và các y tá, thì họ cho biết chứng vảy nến tuy khó trị nhưng không lây lan nên ông cũng tạm yên tâm.

Khi căn bệnh Jimmy trở nên nghiêm trọng, các vảy nến rơi ra từ người nó lâu ngày chúng biến thành những con giòi trắng ngà, bò ngổn ngang khắp ra giường và phòng ngủ của nó trông rất ghê rợn. Và ông Lạc đau đớn khám phá ra nó lén dùng ma tuý. Đi làm về bước vào nhà, ông nhận ra cái mùi hôi tanh của ma túy. Giờ ông mới biết tại sao lâu nay thằng bé có thể chịu đựng được sự ngứa ngáy dơ nhớp khó chịu thế kia. Mỗi ngày ông đều năn nỉ Jimmy để ông đưa đi bác sĩ, nhưng vô ích, nó không thèm đếm xỉa tới cha nữa. Muốn nhờ cảnh sát giúp, buột đưa nó đi chữa trị và cai nghiện, nhưng ông không nỡ. Vậy mà vài tháng trước, nó bỏ nhà đi mất.

Vừa đi vừa miên man suy nghĩ, ông Lạc vượt qua con hẻm Eddy lúc nào không hay. Thình lình ông nghe có tiếng nhốn nháo từ phía đàng sau. Ông dừng chân quay lại, kéo sụp cái mũ xuống và bước dần về hướng đó rồi đứng nép sát người vào góc tường của một ngôi nhà nhìn vào.

Dưới ánh đèn đường, ông Lạc thấy một đám ba thằng choai choai mỗi đứa tay cầm một khúc cây ngắn đang bao vây một đứa con trai vào giữa, chúng nói gì đó có vẻ như đe doạ. Đứa nạn nhân ngồi bệt dưới đất, hai tay bị trói ngoặt ra sau, hai chân cũng bị trói đang cố sức vùng vẫy, nhưng tuyệt nhiên nó không kêu cứu hoặc kêu than một tiếng nào.

Bỗng nhiên có một đứa con gái từ đâu chạy nhào tới la hớt hải:

– “Stop it! Thomas!” Dừng lại Thomas! Đừng có đánh nó! Tao đã bỏ nó rồi mà! Nó bị bịnh hoạn tội nghiệp lại dơ nhớp thế kia mày ghen cái gì cơ chứ!

Ông Lạc giật bắn mình. Đó là tiếng của Anna, con nhỏ bồ của Jimmy. Ông vẹt hẳn cái mũ lên nhìn cho kỹ đứa ngồi dưới đất và sém chút nữa ông bật kêu thành tiếng:

– Jimmy! Trời ơi!

Nhưng ông kịp cắn răng và ngậm chặt miệng lại. Ông nhìn quanh quan sát để tìm cách cứu thằng con. Bên cạnh bọn chúng là cái thùng rác, bên kia cách vài mét là cây trụ điện. Ba thằng Mỹ tuy cao to nhưng cũng chỉ là mấy thằng nhóc mới lớn, lẽ nào cái người từng là cấp chỉ huy của một đại đội oanh liệt thiện chiến, học diệt thù có bài bản từ trường Võ Bị Quốc Gia, mà địch không lại bọn chúng hay sao. Ông nghĩ vậy, nhưng cũng chợt nhớ ra là mình bây giờ cũng đã trên sáu mươi, chân bắt đầu run, gối cũng đã mỏi. Nếu là thuở xưa thì cái đám này nghĩa lý gì. Ông lùi lại rút điện thoại ra gọi 911, phòng ngừa nếu lát nữa có chuyện gì xảy ra cho hai cha con thì có người tiếp cứu. Báo cho cảnh sát biết địa điểm xong, ông nhẹ bước tiến dần về phía chúng nó.

– Ê! Jim! “Son of a bitch!” Ê! Thằng Jim chó đẻ! Một thằng trong bọn lớn tiếng nói, tay hươi hươi khúc cây trước mặt thằng Jimmy. – Anna đã xin cho mày đó! Mày hãy “beg,” van bọn tao đi! Tao sẽ tha cho mày!

Thằng Jimmy vẫn không nói một lời. Nhưng khi thằng kia chồm tới gần định dọa nó hay nói gì đó thì nó nhổ toẹt một bãi nước miếng vào mặt thằng đó.

Như chỉ chờ có thế. Cả bọn nhào vô dùng khúc cây trên tay quật liên tiếp vào thằng Jimmy. Con Anna la hét om sòm, nhào vô vừa lôi kéo, vừa kêu tụi nó dừng tay, nhưng một thằng trong bọn xô mạnh con nhỏ té lăn quay xuống đất và dọa:

– Tụi tao chỉ trừng phạt chứ không có ý định giết nó! Nhưng nếu mày còn bênh nó mà la lối thì tao sẽ đập cho nó chết luôn!

Con nhỏ hoảng hồn bỏ chạy ra ngoài gọi cảnh sát.

Ông Lạc không thể chờ được nữa nên phóng vội tới để cứu Jimmy. Thấy thằng con nằm cong lại, oằn người nhận những cú nện như trời giáng của ba thằng du côn mà không kêu la, ông hét lên một tiếng thật to, chộp lấy cái thùng rác đẩy mạnh về phía hai thằng bên phải. Bất thình lình bị cái thùng rác tông vào, một trong hai thằng té nhào xuống đất. Nhưng ông Lạc bị mất thăng bằng cũng ngã nghiêng qua một bên. Ông nhanh chóng gượng dậy, đứng theo thế võ xuống tấn để lấy lại thăng bằng, rồi bay vụt lên đá mạnh vào đầu cái thằng đang vung khúc cây lên chuẩn bị táng xuống Jimmy, làm cho nó văng ra xa nằm im không động đậy. Khúc cây rời khỏi tay hắn đập vào cái trụ điện rồi văng lông lốc ra giữa đường.

Thằng còn lại và thằng té ngã bây giờ đã đứng dậy. Mới thoạt đầu chúng kinh hãi khi có người tới cứu Jimmy. Nhưng giờ hoàn hồn nhìn thấy người tấn công chúng là một ông già Á Châu ốm nhách, chúng không còn sợ nữa. Hai thằng bèn bỏ Jimmy, cùng lúc nhào vô tấn công ông Lạc. Ông chẳng hề nào núng chút nào. Tình thương con đã làm ông mạnh mẽ, phát điên lên, ông xông thẳng vào đánh bọn chúng bằng tay không nhưng mạnh như bão táp. Chỉ trong nháy mắt, hai thằng nhóc Mỹ to kền bị ông Lạc đánh cho bò lê bò càng, rồi ngã lăn ra ôm bụng nằm oặt oẹo. Quay sang con, ông thấy Jimmy nằm im không cục cựa nên vội chạy lại.

– Jimmy! Con có sao không? Để ba mở dây trói cho con!

Ông vừa thở hổn hển vừa nói, rồi cuối xuống mở dây cho Jimmy.

Trong lúc ông loay hoay mở dây trói trên tay cho Jimmy, bất ngờ cái thằng nằm xỉu ngoài đường tỉnh lại. Nó bò tới nhặt khúc gỗ lên, đứng bật dậy thật nhanh và nhào tới nhắm ngay đầu Jimmy bổ xuống từ phía sau lưng. Ông Lạc trông thấy hét lớn:

– Jimmy!

Ngay lập tức ông nhoài người tới ôm thằng con đẩy nó ngã xuống, và ông lãnh trọn cú đập như trời giáng vào đầu. Ông Lạc đổ gục xuống trên mình Jimmy, vừa lúc tiếng còi xe cảnh sát chạy tới hú lên vang dội...

*
Đã hai ngày trôi qua, tại phòng cấp cứu của bệnh viện San Francisco, ông Lạc vẫn còn nằm bất động, dây nhợ máy móc chằng chịt trên người. Cú đánh vào đầu đã làm ông bị chấn thương sọ não. Bác sĩ phải giải phẩu, hút hết máu tụ trong đó ra, nhưng họ nói vết thương quá nặng, cho dù cuộc giải phẩu thành công nhưng ông có tỉnh lại được hay không thì họ chẳng có nhiều hy vọng. 

Con gái ông, Mỹ Hạ từ New York bay về từ hôm trước đang ngồi ủ rũ trong phòng.

Thằng Jimmy đầu đội chiếc mũ dìm che mái tóc bù xù và cái trán ửng đỏ, mặc bộ quần áo rộng thùng thình phủ cả cổ và hai cánh tay vảy nến Mỹ Hạ mua về bắt nó mặc, đang ngồi cạnh giường ôm lấy hai tay cha khóc rưng rức. Nó đã không ăn, bỏ ngủ từ hôm thứ Sáu đến giờ. Cú sốc mất mẹ, rồi mất người yêu, đã khiến tinh thần Jimmy bạc nhược, sa sút, lâm vào cảnh khốn cùng. Bây giờ sắp mất cha khiến Jimmy đột nhiên trở nên tỉnh táo.

– Daddy! Nước mắt Jimmy ràng rụa, chảy ướt đẫm bàn tay ông Lạc. Nó gọi cha trong tiếng nấc nghẹn ngào. Khóc một hồi, bỗng nhiên Jimmy cảm thấy mấy ngón tay của ông Lạc cử động trong tay mình. Nó vui mừng kêu lên:

– “God!” Trời ơi! Cha đã tỉnh! Nó reo lên. – Chị ơi! Cuối cùng cha đã tỉnh! Vậy mà bác sĩ nói cha có thể sẽ không bao giờ tỉnh lại. Để em đi gọi bác sĩ! Nói xong nó đứng dậy, định chạy đi.

Bàn tay ông Lạc trong tay Jimmy bỗng giữ nó lại, đôi mắt yếu ớt của ông nhìn thằng con thật âu yếm, rồi nhìn qua con gái. Đưa tay gỡ cái mặt nạ oxygen ra, giọng ông thều thào như hơi thở:

– Các con đừng đi! Cha khỏe rồi, và cha rất mừng thấy Jimmy đã biết biểu lộ tình cảm, nghĩa là con vẫn còn thương cha. Điều cha mong mỏi nhất là con phải cai nghiện, đi chữa bệnh, rồi trở lại trường học. Cha qua đây không giỏi tiếng Anh nên phải làm lao công cả đời. Nhưng con thì…

– Cha yên tâm đi! Jimmy thấy cha nói chuyện được thì mừng quính ngắt lời. – Con hứa là con nhất định sẽ chữa bệnh và đi học lại, cha đừng lo! Hai ngày nay con đã cố gắng, mỗi lần lên cơn thèm thuốc là con nhìn vào cha rồi lén chạy vô phòng vệ sinh cắn chặt mấy ngón tay chịu đựng, khi qua cơn con mới ra ngoài, bây giờ cũng tạm quen dần. Con nhất định sẽ bỏ được…

Ông Lạc nở một nụ cười méo mó vì vết mổ còn đau, nước mắt chảy dài, nhưng trong mắt ông ánh lên niềm hạnh phúc vô biên. Ông sờ đầu thằng Jimmy, rồi đưa bàn tay ra cho Mỹ Hạ và nói: 

– Cha mừng quá, con gái Mỹ Hạ! Con hãy phụ cha khuyến khích em nha! Mẹ con mà biết được em thay đổi nên người thì bà ấy cũng sẽ ngậm cười nơi chín suối.

*
Và Jimmy đã làm được.

Bảy năm sau, ông Lạc về hưu. Đó cũng là năm Jimmy được nhận vào thực tập bác sĩ chuyên ngành ung thư trong bệnh viện nơi mà ông Lạc đã làm lao công hơn hai chục năm. Và cũng là nơi đã điều trị cho vợ ông. Jimmy nói, nó học ngành này để giúp cho những bịnh nhân giống như mẹ nó ngày xưa ...

Phương Hoa

No comments:

Post a Comment