NHỮNG NGƯỜI CON GÁI MIỀN TÂY
Thụy Mân
Lần đầu đi vượt biên, chúng tôi được đưa đến thị xã Cà Mau một đêm tối trời. Thị xã Cà Mau ngày ấy nhỏ lắm, chỉ vài dãy nhà xây gần bến xe là khu buôn bán tương đối thịnh, phần còn lại của thị xã là những ngôi nhà lá, có đoạn san sát nhau, có đoạn rải rác trong đường kính một hai km là hết. Người dẫn đường và chị chủ nhà là hai anh em. Họ trao đổi với nhau trong thầm thì và dưới ánh đèn dầu tù mù rồi đưa nhóm bốn người chúng tôi vào phòng trong, Chúng tôi sẽ được vợ chồng anh chị chủ nhà nuôi giữ trong nhà cho đến vài hôm sau khi có “taxi” sẵn sàng, họ mới đưa chúng tôi ra Năm Căn, nơi thuyền lớn sẽ đợi ở đó.
Ngôi nhà nhỏ từ nóc tới tường đều từ vật liệu là lá dừa nước. Trừ phòng khách là có nền gạch, hai phòng ngủ nhỏ ở phía sau, mà chúng tôi chiếm hết một phòng, đều chỉ có nền bằng đất nện cứng. Những căn nhà hàng xóm gần nhất cách đó độ vài chục mét. Buổi sáng rõ mặt người mới nhận ra chị chủ nhà còn rất trẻ và đẹp, người cao vừa tầm, mảnh mai như thiếu nữ, dù chị đã là mẹ của hai đứa con. Lúc đó tôi 17 tuổi, trông chị chỉ lớn hơn tôi khoảng 6, 7 tuổi là cùng, nhưng không biết chị có chồng từ lúc nào mà đứa con lớn của chị đã 8, 9 tuổi, đứa nhỏ gần 2 tuổi. Buổi sáng chị đi chợ, nhà vắng lặng, con bé lớn nằm trên võng hát ru em nó ngủ. Chúng tôi hỏi nó sao ngày trong tuần mà không đi học, thì nó kêu thầy hết chữ rồi! "Hết chữ" là sao, tôi hỏi gặng, thì con bé nói nó đã học xong lớp Ba, mà thầy mới học lớp Bốn cho nên không đủ chữ để dạy tụi nó nữa, thầy cho tụi nó ở nhà (cũng may con bé khờ, không hỏi lại tôi, ủa sao chị cũng không đi học?).
Kể xong chuyện học thì em khóc, nó quay lại nghêu ngao hát ru em. Một trong những bài hát ru em của nó có một bài vè nghe rất kỳ quặc:
“Con kia mày lấy chồng chưa?
Dạ thưa Bác con chưa có chồng
Chưa có chồng sao có bầy con?
Dạ thưa Bác con con nuôi giùm
Mày nuôi giùm có lấy tiền không?
Dạ thưa Bác con không lấy tiền
Không lấy tiền thì lấy gì ăn?
Dạ thưa Bác con ăn cứt mèo
Ăn cứt mèo có béo gì không?
Dạ thưa Bác Bác ăn biết liền …”
(có thể bài vè dài hơn, lâu ngày quá không còn nhớ chính xác…)
Được một lúc thì chị chủ nhà về, với giỏ đồ ăn nhiều món đồ biển tươi ngon, ngay cả dân từng sống gần biển như chúng tôi thấy cũng phải mê: tôm bạc, cua biển, cá chày… Chị chủ nhà làm bếp nhanh thoăn thoắt. Dù bằng dao chứ không xài kéo, mà chỉ với vài động tác thành thạo, chị đã làm xong sạch sẽ hai con cá chày. Khi tôi tròn mắt nhìn chị kiểu thán phục, thì chị nói:
“Má tui nói con gái phải biết làm cá sao để vừa nhanh, vừa sạch, mà những nét cắt cũng phải sắc sảo, đẹp đẽ. Tụi tui ở quê làm đồ ăn nhậu cho tía, cho mấy anh từ lúc còn nhỏ hích, nên giờ này làm vầy là "chiện" nhỏ!”
Trong lúc nói chuyện, nghe giọng miền Trung của tôi thì chị nói: “Sao em không nói tiếng Diệt (Việt) đi, em nói tiếng Quế(Huế), chị nghe không được." Khi tôi bảo chị tôi không phải người Huế, thì chị cãi: “Nhưng em cũng nói tiếng Quế mà, em đâu có nói tiếng Diệt đâu?”
Người dân miền Trung nghèo khổ chúng tôi rời nhà đi học, đi làm ăn tứ tán nhiều nơi, vô đến Sài Gòn là nơi thiên hạ tứ phương về đây, tiếng miền nào cũng có dịp nghe qua và hiểu được, còn chị ở Cà Mau này, đồng ruộng mênh mông, biển đầy tôm cá, chẳng phải tha phương, chưa chắc chị đã ra khỏi cái thị xã, hay đi xa quá Cần Thơ, cho nên chị hỏi tôi:” Từ đây đi xe đò lên Sì gòn, thì sẽ tới Sì gòn trước hay tới quê của em trước?“
Khi thầy dạy của mình dạy đến lớp Ba đã cho học sinh nghỉ học vì "hết chữ", địa lý chắc chắn là thứ xa xỉ cho những người con gái miền Tây thời ấy.
o0o
Trước khi đi, tôi đã hiểu biết ít nhiều về thực tế cuộc sống ở Mỹ, nhưng vẫn còn không ít ngộ nhận. Tôi ghi danh học mấy khóa nấu ăn, làm bánh, theo cái kiểu “công dung ngôn hạnh” để có thể "phục vụ" chồng và cái gia đình của tôi sau này. Thực tế cuộc sống ở Mỹ rất khác, biết nấu nướng thì tốt, không biết cũng chẳng sao, xã hội và con người có hàng trăm phương cách để thật sự “giải phóng” người đàn bà ra khỏi những công việc nhà, giúp họ có thời gian nhiều hơn cho xã hội và cho chính mình, nếu họ chọn lựa như vậy. Nhưng đó là một chủ đề sẽ nói vào một dịp khác. Hôm nay tôi chỉ muốn kể với các bạn về một cô gái miền Tây tên Phượng, người Kiên Giang.
Ở cái lớp nấu ăn và làm bánh này, tôi gặp Phượng. Tôi chú ý đến cô vì cô sáng rực lên trong đám đông, còn không biết cô chú ý về tôi điểm gì, mà chỉ sau buổi học đầu tiên, cô đã gần như đeo dính lấy tôi. Trong những lớp học này, người ta làm việc theo cặp với nhau để giúp nhau trong lúc chuẩn bị nấu nướng. Phượng và tôi là một cặp. Phượng nhỏ con, cô có mái tóc đặc biệt đẹp, đen mượt và dài, làm cho người ta có cái cảm giác tất cả sinh lực trong cái cơ thể mảnh mai ấy đều dồn vào để nuôi mái tóc. Khuôn mặt cô đẹp, sáng láng và tươi tắn. Cô có một vẻ quý phái bẩm sinh, cộng với cách ăn mặc đúng thời trang nên tôi ngạc nhiên khi nghe kể cô mới đến Sài Gòn không lâu từ một miền quê ở Kiên Giang. Trông cô, người ta nghĩ đến một người con gái hạnh phúc. Năm ấy, Phượng 19 tuổi.
Đến hôm thứ ba ở lớp học thì Phượng đột ngột nói với tôi: "Hôm nào sau buổi học, chị đến chơi với em đi chị, em rất đơn độc!” Câu nói ấy từ một cô gái 19 tuổi, lúc nào trông cũng sang trọng, tươi đẹp và dường như vô tư lự làm tôi ngạc nhiên. Địa chỉ cô viết cho tôi thuộc một khu có nhiều villas ở một con đường chính của Sài Gòn. Nhưng tôi không cần tìm nhà, vì hai chị em về nhà cùng nhau sau buổi học. Bên ngoài căn biệt thự là tên của một công ty nước ngoài. Tầng dưới căn nhà được người ta dùng cho văn phòng. Cô sống ở tầng trên. Khi thấy cô đi vào, nhiều nhân viên đang làm việc ngẩng đầu lên chào cô với vẻ kính cẩn, nhưng đồng thời không hiểu sao tôi lại thấy một vẻ ái ngại trong ánh mắt của họ dành cho cô. Tầng trên được trang trí hiện đại và trang nhã vừa theo kiểu Nhật, vừa pha vẻ contemporary hiện đại. Nói chung mọi thứ ở đây đều gây ấn tượng rất mạnh cho tôi. Như để giải thích, cô chỉ cho tôi tấm hình của cô và một người đàn ông trên góc bàn làm việc, mà mới đầu tôi chưa kịp để ý: “Em lấy ông ấy đã được hai năm, ổng đang về quê thăm nhà, giờ ở nhà chỉ có hai chị em, mình muốn nấu nướng, phá phách kiểu gì cũng được hết chị!” Rồi cô thêm: “Quê ổng ở Đài Bắc chị à!”
Hôm đó, thay vì nấu nướng, phá phách, tôi ngồi nghe cô kể lịch sử cuộc đời chưa mấy là dài 19 năm của cô, mà rốt cuộc tôi là người rơi từ trạng thái này đến trạng thái khác như là đi roller coasters. Mẹ cô mất sớm từ lúc cô mới 5, 6 tuổi. Cô sống với cha cô và người dì ghẻ. Cuộc sống êm ấm vì cha cô có mấy chiếc ghe cho thương lái mướn, họ cũng đủ ăn. Cha cô rất thương cô, cho nên người dì ghẻ ích kỷ không có được tiếng nói nào trong sự thương yêu và lo cho con của ông.
Chỉ có điều cách đây hai năm thì cha có mất đột ngột sau một cơn bệnh. Cuộc sống sau đó của cô đã hoàn toàn đổi hướng. Một ngày nọ đi đâu về, cô thấy trong nhà có một người đàn bà lạ mặt đang bàn bạc việc gì với dì ghẻ cô. Sau khi bà ta ra về, người dì ghẻ gọi Phượng ra, kể cho cô nghe rằng bà đã sắp xếp cho cô một cuộc hôn nhân với một người đàn ông Đài Loan giàu có, chủ một công ty ở Sài Gòn. Bà giải thích phải làm vậy để giúp trang trải số nợ cha cô để lại cho bà sau khi mất. Nợ gì??? Tai cô như lùng bùng, nhưng cô cũng hiểu là giờ không còn cha nữa, mình có sống trong căn nhà này hay sống ở nơi nào khác thì đời mình cũng sẽ khốn đốn như nhau. Và cô chấp nhận...
Người ta trả cho bà dì ghẻ đâu khoảng 1000 đô la. Đó là giá đắt theo lời người dẫn mối, vì nhiều người đàn ông Á đông làm business tin rằng lấy con gái đồng trinh sẽ mang lại may mắn cho công việc làm ăn của mình.
Cô nói: “Em chưa bao giờ đi đâu ra khỏi Kiên Giang, tự nhiên một bước lên Sài Gòn, hai năm nay sống ở thành phố này em vẫn thấy xa lạ. Ổng đối với em tốt, cưng chìu em, nhưng ổng còn lớn tuổi hơn ba em, hơn 60 tuổi rồi, và ổng ăn trầu chị à, cho nên mỗi khi gần gũi, em vẫn thấy chờn chợn.” Hôm ấy Phượng mặc một chiếc áo thun rộng cổ thuyền, tóc cột cao trên đỉnh đầu, cô có cái vẻ hồn nhiên của một con bé con. Tôi lắc đầu, cố gắng xua đuổi hình ảnh vừa đến trong tâm trí: người đàn ông ăn trầu hôn hít và ân ái với cô bé trông như dưới tuổi vị thanh niên này...
Cô còn nói: “Em muốn đi thăm Đài Bắc với ổng một chuyến, nhưng ổng luôn từ chối không muốn em đi theo. Em cũng hiểu luôn chị, dẫn em về thì ổng biết giấu em vô đâu?” Cô nói với giọng bình thường, kiểu như mình nói chuyện cơm ăn nước uống... Khi người ta bất hạnh, mà không ý thức được sự bất hạnh của mình thì sẽ dễ dàng cho người ta chịu đựng hơn là sống trong đó và nhận thức đầy đủ về nó như cô. Giờ thì tôi cũng hiểu ra lý do ánh mắt ái ngại của những người nhân viên của chồng cô ở tầng dưới.
Sau đó tôi có đến chơi với Phượng một vài lần hoặc đi ăn chè cùng nhau sau buổi học. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, chỉ những chuyện liên quan đến cuộc đời cô thì không nói đến nữa. Ngõ cụt cô bị đẩy vào quá nhiều rắc rối để tôi có thể an ủi hay khuyên cô một điều gì. Rồi tôi rời Sài Gòn...
Không ít lần tôi nghĩ về Phượng khi nghe lời nhạc: ”Đời người như chiếc lá, nằm trong cơn gió vô tình..."
Thụy Mân
Source:vietbao.com
No comments:
Post a Comment