Sunday, December 9, 2018

Nghĩ Gì Về Phong Trào Áo Vàng Xuống Đường?

-Cao Minh Hưng-
blank
Cuộc biểu tình của những người mặc áo vàng tại Paris vào ngày 1 tháng 12

Những biến động đang xảy ra ở nơi cách xa chúng hơn năm ngàn năm trăm dặm; tại thủ đô Paris của nước Pháp, nhưng với thời đại thông tin hiện nay, tất cả mọi sự kiện trên thế giới đều được loan tin với những hình ảnh và video rất nhanh chóng, làm cho chúng ta có cảm giác như đang xảy ra rất gần. Riêng với những ai đã từng có một lần đến thành phố Paris tráng lệ, nơi của nhiều công trình, di tích lịch sử có từ hàng ngàn năm, từ vườn hoa Luxembourg thơ mộng, đến tháp Eiffel sừng sững giữa trời thủ đô Paris, đến nhà thờ Đức Bà cổ kính, hay Khải Hoàn Môn uy nghi trên đại lộ Champs-Élysées, v.v. đều bất ngờ khi xem những hình ảnh vừa mới xảy ra tại đây. Thành phố Paris nói riêng và nước Pháp nói chung là nơi mà mọi người tự hào xem như chiếc nôi của nền văn hoá và lịch sử Âu Châu vào ngày thứ Bảy 1 tháng 12 vừa qua, quang cảnh của thủ đô Paris bị chìm trong khói lửa như cảnh một cuộc nội chiến làm mọi người ở khắp nơi trên thế giới bàng hoàng và quan tâm tìm hiểu việc gì đã xảy ra ở quốc gia này?

Đó chính là phong trào xuống đường của những người mặc "áo vàng", chiếc áo gile mà các tài xế hoặc những người đi xe motor phải mặc ở Pháp. Họ xuống đường để phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Việc tăng thuế nhiên liệu là giọt nước làm tràn đầy sự phẫn nộ của những người biểu tình. Họ là những người nông dân từ những nơi xa, ở các vùng nông thôn phải dùng xe cộ để di chuyển, nên họ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi luật thuế mới này của chính phủ. Rồi những người trung lưu cũng gia nhập vào đoàn biểu tình khi họ lên án chính phủ của ông Macron làm lợi cho giới nhà giàu qua việc sửa đổi luật thuế tài sản ISF đã được áp dụng từ năm 1982 đánh thuế vào người giàu có tài sản trên 1 triệu 3 euro. Và tất nhiên, trong đoàn biểu tình cũng có những kẻ cực đoan lợi dụng cơ hội để phá hoại.

Sự phản đối của phong trào áo vàng này bắt nguồn từ những chính sách của Tổng Thống Macron khi lên cầm quyền với chủ trương mở cửa và với chủ thuyết toàn cầu hoá, cổ súy cho sự phát triển của Liên Hiệp Châu Âu, trái ngược với chính sách "quốc gia trên hết" hay chủ nghĩa dân tuý theo mô hình của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Cuộc biểu tình này phải chăng là tiếng chuông thức tỉnh của người dân gióng lên cho thấy thái độ của họ với hai tư tưởng đối lập của hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Pháp?  Phải chăng vấn  đề làm làm sao lo được sự phồn thịnh của chính người dân trong nước của mình trước, rồi mới có thể lo cho những việc khác bên ngoài mới là việc làm thực tiển hơn? "Tề gia, trị quốc" trước, rồi mới có thể "bình thiên hạ" sau? 

Khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, với khẩu hiệu "America First", chúng ta đã thấy không ít những phản đối khi ông rút ra khỏi nhiều thoả hiệp, hiệp định có tính chất toàn cầu vốn có sẵn từ trước, như Hiệp Ước Xuyên Thái Bình Dương, Hiệp Ước Paris Về Môi Trường, hay Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ (gọi tắt là NAFTA), v.v. Nhiều người đã lên án Tổng Thống Trump là không có tinh thần chủ nghĩa quốc tế, chỉ biết lo cho người dân Hoa Kỳ trước, v.v.  Tuy nhiên, cho đến nay sau hai năm cầm quyền, chúng ta đã thấy một phần nào kết quả từ những quyết định này đem lại. Người dân Hoa Kỳ không có cảnh xuống đường đập phá những di tích lịch sử như những gì đã xảy ra ở Pháp hiện nay khi  người dân Pháp phản đối chính sách cải cách của Tổng thống Macron.

Trái lại, với những thoả thuận mới từ khi Tổng Thống Donald Trump lên cầm quyền đã tạo cho Hoa Kỳ lấy được vị thế sức mạnh của mình, ví dụ như đòi hỏi bắt buộc các quốc gia khác trong khối NATO phải đóng góp tài chính , hay gần đây nhất là thái độ khuất phục của Tập Cận Bình trước những chiêu thức đánh thuế lên hàng hoá nhập cảng từ Trung cộng, v.v. Có lẽ câu trả lời về chính sách nào có lợi nhất cho người dân chắc chắn sẽ ngày càng được sáng tỏ trong những ngày tháng tới.

Mong rằng với sự nhượng bộ của chính phủ Pháp qua việc huỷ bỏ các khoản tăng thuế nhiên liệu và đáp ứng với những yêu sách của người dân qua phong trào Áo Vàng Xuống Đường sẽ đưa nước Pháp qua những ngày đen tối hiện nay và thủ đô Paris sẽ sớm trở lại cảnh an bình, với những nét đẹp và niềm tự hào về nền văn hóa của mình.

Riêng đối với Việt Nam, không biết đến ngày nào một cuộc biểu tình với quy mô lớn như phong trào Áo Vàng này sẽ xảy ra khi người dân xuống đường đòi dẹp bỏ chủ nghĩa cộng sản trên quê hương của chúng ta? Mong lắm thay.

Cao Minh Hưng
8 tháng 12, 2018

No comments:

Post a Comment