Mùa Giáng Sinh xưa
Trang Nguyên
Giáng Sinh đối với lũ học trò mới lớn chúng tôi là một ngày hội đặc biệt. Cái rộn ràng đó thật ra không phải do ngày lễ tạo ra mà chính cảm xúc trong lòng mỗi người trỗi dậy. Bạn bè có đứa đạo Công giáo, có đứa đạo Phật, có đứa chẳng theo đạo nào, thờ cúng ông bà nhưng ai nấy đều vui tươi hớn hở chờ đón mùa Giáng Sinh sắp đến để sang nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Đồng xem người ta làm hang đá, treo lồng đèn ngôi sao giấy đủ màu từ mái giáo đường kéo dài ra tới cổng.
Chợ Giáng Sinh bán lồng đèn ở trung tâm Sài Gòn Ảnh: Manhhaiflicks
Thường đến những ngày gần cuối năm dương lịch, thể nào chúng tôi cũng có ngày nghỉ do một thầy hay một cô nào đó tự dưng báo bệnh. Không biết trong lòng thầy cô có háo hức như chúng tôi mong có một ngày nghỉ đến trường để đi chợ Giáng Sinh trên đường Nguyễn Huệ. Chúng tôi cũng sẽ đi ra con đường lớn của trung tâm Sài Gòn, chen lẫn trong đám người rồng rắn chỉ để xem người ta bán đồ trang trí Noel và nghe những bài hát mừng Giáng Sinh vang vui khắp chốn. “Một mùa sao sáng / đêm Noel Chúa sinh ra đời / người hẹn cùng tôi / ngày về khi đất nước yên vui…” (Một mùa sao sáng).
Tiếng hát mùa Giáng Sinh trong thời chinh chiến loạn ly không chỉ vang trên đường phố qua máy thu băng mà còn vang vọng trong giáo đường với nhóm ca đoàn tập trung luyện giọng những bài mừng Chúa Cứu Thế, ước mong trần thế bình an. Chúng tôi đứng lắng nghe ngoài cửa nhà thờ, nghe để lòng thanh thản chút thôi chứ tôi là người ngoại đạo, ít khi được nghe những sự mầu nhiệm của Chúa giáng trần. Chuyện chính chúng tôi sang nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế là xem người ta làm hang đá bằng những bao giấy đựng xi măng nhúng nước phơi khô để về nhà bắt chước lấy giấy bạc tích cóp từ những bao thuốc lá uốn cong bẻ nắn gấp xếp làm thành hang đá, rồi lấy cỏ khô lót ổ rơm để đó, chờ thằng bạn đến ngày chủ nhật về thăm nhà ở Dĩ An mang về cho chúng tôi vài ba tượng sành trang trí nhỏ xíu xiu rất dễ thương đặt vào máng cỏ.
Nói về các tượng thú và tượng Chúa nhỏ xíu làm bằng sành để bán mùa Giáng Sinh thì phải công nhận người có đầu óc kinh doanh luôn nghĩ ra những mặt hàng phụ có thể tăng thu nhập theo mùa bên cạnh công việc chính của nghề làm sành sứ. Nhà cha mẹ bạn tôi làm chén bát tô dĩa ở Dĩ An mỗi mùa Giáng Sinh đều làm thêm loại hàng này. Hàng bán rất chạy, tượng lớn nhỏ đủ cỡ cho người ta mua về tha hồ trang trí hang đá. Ba má thằng bạn gởi nó xuống Sài Gòn ở nhà người dì để theo học trường La San Hiền Vương. Nhà nó theo đạo Công giáo, vậy mà nó ít khi về nhà trong dịp nghỉ Giáng Sinh để đón lễ với gia đình. Dì nó sống một mình nên ở nhà dì đón Noel cho dì vui, lại có nhiều bạn học đến chung vui, ăn réveillon cùng với gia đình. Năm rồi, dì nó làm bánh ngon lắm. Chiếc bánh bông lan chưng trên bàn hình khúc cây phủ kem bơ thơm lừng khiến mấy đứa chúng tôi háu ăn nhìn thôi đã thấy phát thèm, lại còn món cơm chiên sốt cà đùi gà chiên giòn, chúng tôi chén sạch.
Một góc bán hang đá ngay ngã tư Nguyễn Huệ và Lê Lợi Ảnh: Manhhaiflicks
Nhìn đám chúng tôi ăn “cạn tàu ráo máng”, gương mặt dì nó ánh lên niềm vui, lại còn hứa hẹn mùa Giáng Sinh năm nay đãi chúng tôi món ngon đặc biệt. Món ngon gì chưa biết nhưng chúng tôi biết sẽ chẳng còn được thưởng thức bữa ăn tối ấm cúng bên cạnh cây thông xanh trang trí xinh đẹp bằng những trái châu đủ màu lấp lánh ánh sao. Dì thằng bạn mùa Hè này sẽ sang Pháp, tu học ở một nhà thờ. Chúng tôi tiếc hùi hụi, tu học ở đâu mà chẳng được lại phải sang tận Paris. Buồn nhất là thằng bạn, phải trở về nhà cha mẹ, tạm xa bạn bè mấy năm học chung, đi chơi chung, vui mừng Giáng Sinh, Tết nhất cùng nhau, nay còn đâu!
Mùa Giáng Sinh năm đó, chúng tôi đi chơi mà thiếu mất thằng bạn thân khi nhìn thấy những vật trang trí nho nhỏ bằng sứ bán bên lề đường. Cái hang đá bằng giấy bạc, tôi cũng chẳng thiết làm đem khoe với đám bạn bè. Rủ đám bạn đi chơi chợ Giáng Sinh, thằng nào cũng kêu phụ việc gia đình, má tao không cho đi, ở nhà giữ em, còn lại lèo tèo một hai thằng tinh thần còn ham vui bàn nhau đi chợ Giáng Sinh khu vực Ông Tạ, không ra Nguyễn Huệ nữa, Ngoài đó đông đúc, người ta vui mà lòng mình không vui thì còn hứng thú gì. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Chợ đồ Noel Ông Tạ không đông đúc, chuyên bán lồng đèn ngôi sao bằng giấy, nhỏ to đủ cỡ. Sau này ra đời, tôi biết khu vực người ta làm ra các loại lồng đèn Giáng Sinh ở bên quận Tám. Ở nơi này, có một khu xóm chuyên làm lồng đèn Trung thu, hết mùa Trung thu bắt đầu làm lồng đèn Giáng Sinh. Mỗi mùa sản xuất lồng đèn nhiều lắm, bỏ mối cho những tiệm và các nhà thờ đặt mua. Bên cạnh bán lồng đèn ở khu Ông Tạ, người ta còn bày bán những chiếc nón giấy đủ hình hài. Nón cao bồi, nón lưỡi trai, nón chóp, dán trên nón những tua giấy kim tuyến đỏ xanh vui mắt. Thằng bạn đi bên cạnh tự dưng đòi mua cái nón gởi cho thằng bạn ở Dĩ An. Tôi nhắc nhở: Mày còn con nít chắc. Cái loại xanh xanh đỏ đỏ chỉ có em nhỏ thích thôi, chứ bọn chúng mình đều là thanh thiếu niên nên gởi những gì tinh hoa hơn như sách Tuổi Hoa chẳng hạn.
Một anh lính Úc mua quà Giáng Sinh trên phố Ảnh: Manhhaiflicks
Nói đến sách Tuổi Hoa, bọn học trò chúng tôi ai nấy đều thích. Sách này có ba loại: Loại hoa đỏ, phiêu lưu mạo hiểm; Loại hoa xanh, nội dung bài viết đều hướng về tình cảm bạn bè, gia đình; Loại hoa tím dành cho tuổi chớm lớn, tình cảm bạn bè, tình cảm nam nữ luyến ái mông lung. Tôi đề nghị ghé lại toà soạn nguyên là Văn phòng Mục vụ của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Ðồng gần nhà thờ, mua một cuốn báo chủ đề mùa Giáng Sinh để gởi cho thằng bạn ở Dĩ An. Nó thích loại tập san này. Ðỏ, xanh, tím loại nào cũng được.
Loại sách này, trang bìa minh hoạ toàn bằng hình vẽ của các hoạ sĩ. Trong đó nổi bật nhất là hoạ sĩ ViVi mà sau này qua nhiều tư liệu tôi biết tên thật của ông là Võ Hùng Kiệt. Bút hiệu ViVi do ông sinh quán ở Vĩnh Long, ghép hai chữ Việt Nam và Vĩnh Long mà thành. Ông bắt đầu vẽ tranh từ còn niên thiếu với loại tranh tả chân về con người trong đời sống rất điêu luyện. Ngoài tranh ông còn vẽ tem bưu chính, những con tem Thú vui ngày Tết, và nhiều hình ảnh miêu tả nét sinh hoạt văn hoá của người Việt, đã giúp ông đoạt giải vẽ tem qua 40 tác phẩm – một điều khó có một hoạ sĩ trẻ nào làm được. Năm 1981 ông định cư ở Canada. Ðến năm 1995, ông sang Mỹ xin định cư tại San Diego và lập gia đình với ca sĩ Diễm Châu. Ông còn là một hoạ sĩ bích hoạ và là nhà điêu khắc tượng. Ở Dòng Ðồng Công Missouri, San Bernardino (California) và Mẹ Thăng Thiên ở Amarillo, Texas có trang trí bích hoạ lớn về 117 vị Thánh tử vì đạo Việt Nam. Tượng Thánh của ông có mặt tại nhiều thành phố ở các tiểu bang Texas, New York, Colorado, California… Tượng thuyền nhân vượt biển bằng đồng tại Westminster Nam Cali trông rất sống động.
Quán thâu băng nhạc trên đường Nguyễn Huệ cũng là nơi nhiều người tới tìm băng nhạc Giáng Sinh Ảnh: Manhhaiflicks
Khi đến tiệm sách Tuổi Hoa, điều làm tôi ngạc nhiên là số mới Ðặc biệt Giáng Sinh năm đó (đầu tháng 12/1974) tranh minh họa của họa sĩ ViVi lại là hình ảnh của một gia đình người nông dân không có trang trí gì của một mùa Giáng Sinh truyền thống. Trong tranh, người mẹ có đôi mắt buồn đang bế đứa con thơ hớn hở khi được mẹ ẵm bồng, bên cạnh là một người ông mà không phải người cha đứa trẻ. Cha đứa bé chắc đang đi chinh chiến, không về đoàn tụ với gia đình trong mùa Giáng Sinh. Tôi đoán mò vậy thôi, bởi có quá nhiều lời nhạc bài thơ Giáng Sinh lại nói lên nỗi niềm phân ly của người thân trong thời cuộc chiến tranh. “Lạy Chúa, con là lính trận ngoài biên / Vì xa thành phố, xa quá nên quen…” (Lá thư trần thế), hay “Mùa hoa tuyết năm xưa đã về. Ngày lễ Noel. Nơi đồn xa khó về thăm em. Chạnh thương hai đứa. Em anh giữa mùa Giáng Sinh. Bơ vơ ngóng người chiến binh. Chắc em anh đang cầu kinh…” (Mùa hoa tuyết). Thế nhưng, nội dung trong cuốn bán nguyệt san Tuổi Hoa số Giáng Sinh lại có nhiều truyện rất cảm động của tình bạn, tình người sống trong khung cảnh hòa bình yên ổn.
Chúng tôi mua cuốn báo này gởi cho thằng bạn để ghi nhớ tình bạn thiếu thời trong mùa Giáng Sinh an lành, mặc cho chiến sự sắp nổ ra quanh Sài Gòn, đêm đêm nằm ngủ thỉnh thoảng nghe tiếng pháo cối từ xa vang vọng. Các cặp tình nhân đi trên phố chợ Giáng Sinh, vẫn vui đùa khoác tay nhau, quán nhậu chung quanh các con phố vẫn đông nghẹt người, lũ trẻ học trò chúng tôi vẫn tụm năm tụm ba đi giữa những hàng cây Noel. Ðể rồi ngày nay chợt nghe lòng rạo rực mùa Giáng Sinh xưa.
Trang Nguyên
Arlington, TX
No comments:
Post a Comment