Wednesday, October 17, 2018

Suy nghĩ về sự ra đi của một người Việt tỵ  nạn Cộng sản tại Anh quốc.

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền 

Mấy ngày qua, với những suy nghĩ về sự ra đi của Ông Nguyễn Bá Đạt; người viết muốn nói lên những ưu tư của mình, với ước mong quý đồng hương Tỵ nạn Cộng sản ở khắp nơi, có thể dành chút thời giờ, để lưu tâm đến những vị cao niên, sống đơn độc, hầu đừng  để các vị ấy ra đi, mà không ai được biết.

Ông Nguyễn Bá Đạt, xuất thân từ Trường Quốc Gia Hành Hành Chánh, Phó Quận Trưởng, từng bị ở tù "cải tạo" của Việt cộng. Ngày ra tù, vợ Ông đã "ôm cầm sang thuyền khác". Ông vượt biển, và Tỵ nạn Cộng sản tại Anh quốc.

Với bút hiệu Trùng Dương, Ông từng là Chủ bút của trang báo Cờ Vàng của Hội Cựu QNQLVNCH tại Anh quốc. Ông chưa hề về lại Việt Nam. Ông không hề vắng mặt hầu hết các cuộc biểu tình vào ngày Quốc Hận 30/04, cũng như các cuộc Biểu tình chống Cộng sản Việt Nam.

Ngoài ra, Ông cũng thường làm thông dịch giúp đỡ đồng hương không biết tiếng Anh.

Thế nhưng, khi Ông vĩnh viễn ra đi, lại không có một ai hay biết. Vậy, tôi xin kể lại những diễn tiến trong những ngày trước khi biết Ông Nguyễn Bá Đạt qua đời như sau:

Trong dịp này, Giáo sư Lê Đình Bách Đào, một người Tỵ nạn Cộng sản tại Pháp, đang sang London, để thăm Thân Mẫu. Ông đã tham dự cuộc biểu tình cùng đồng Cộng đồng người Việt Tỵ nạn Cộng sản tại Anh quốc. Đây là cuộc Biểu tình yểm trợ đồng bào quốc nội chống CSVN bán nước và "luật an ninh mạng"  trước "sứ quán" của Việt cộng tại London. Tại đây, Ông Lê Đình Bách Đào đã gặp Ông Nguyễn Bá Đạt, và được Ông Nguyễn Bá Đạt cho biết địa chỉ nhà của Ông trước 30/04/1975, thì hai Ông mới biết, trước kia, hai nhà đã ở gần nhau tại Nha Trang.

Sau cuộc biểu tình, về nhà, Ông Lê Đình Bách Đào đã kể cho Thân Mẫu nghe về Ông Nguyễn Bá Đạt, thì Thân Mẫu của Ông Đào nói muốn gặp thăm Ông Nguyễn Bá Đạt, nhưng đúng lúc Ông Lê Đình Bách Đào phải trở về nhà tại Pháp.

Đến đầu tháng 10/2018, Ông Lê Đình Bách Đào lại sang thăm Thân Mẫu tại London, nên Ông Lê Đình Bách Đào muốn đếm thăm Ông Đạt. Trong dịp này, sắp đến ngày Lễ Tưởng Niệm 55 năm Tổng Thống Ngô Đình Diệm Vị Quốc Vong Thân, tôi nói với Ông Ngô Ngọc Hiếu và Ông Nguyễn Đức Chung hãy gọi cho Ông Nguyễn Bá Đạt, vì tôi thấy sức khỏe Ông rất yếu, thì Ông Ngô Ngọc Hiếu cho biết cách đó một tuần, đã gọi cho Ông Đạt nhiều lần, có để lại lời nhắn, nhưng không thấy Ông Đạt gọi lại, không biết Ông đi đâu vắng nhà. Tôi đã gọi và kể lại cho Ông Đào biết, thì Ông Đào xin địa chỉ của ông Nguyễn Bá Đạt. Sau đó, Ông Nguyễn Đức Chung  gọi cho Ông Ngô Ngọc Hiếu, và Ông Hiếu đã cho địa chỉ của Ông Nguyễn Bá Đạt, tôi liền gửi địa chỉ nhà Ông Đạt cho Ông Đào.

Ngày 14/10/2018, Ông Lê Đình Bách Đào nói, thấy lo lắng, nên đã tìm đến tận nhà của Ông Nguyễn Bá Đạt. Khi đến nơi, Ông Đào thấy cảnh tượng nhà của Ông Đạt, và đã kể lại cho tôi biết. Tôi liền gọi cho Ông Ngô Ngọc Hiếu và Ông Nguyễn Đức Chung, thì Ông Hiếu nói sẽ đi tìm đến các Bệnh viện xem hiện Ông Đạt có ở đó hay không, nếu không có, thì sẽ đến nhà Ông Đạt.

Trên suốt hành trình Ông Ngô Ngọc Hiếu đi tìm Ông Nguyễn Bá Đạt, tôi và Ông Nguyễn Đức Chung luôn theo dõi. Riêng tôi, Ông Ngô Ngọc Hiếu đi đến đâu, kể cả lúc đang ngồi trên xe, tôi đều gọi điện thoại theo đó. Ông Ngô Ngọc Hiếu đều đã cho tôi biết từng chặng đường, cho tới khi biết chắc Ông Nguyễn Bá Đạt đã qua đời, như Ông Ngô Ngọc Hiếu đã đưa tin như sau:

Kính thông báo đến quý thân hữu xa, gần,

Thưa quý vị, 

Chúng tôi rất đau buồn thông báo đến quý vị. Anh Nguyễn Bá Đạt (Quốc Gia Hành Chánh, Phó Quận trưởng) đã trút hơi thở cuối cùng tại tư gia vào ngày 27/9/2018, nhưng vì sống đơn độc nên không ai hay biết, cũng rất may mắn "ai đó" (vì chúng tôi không rõ người gọi điện thoại) họ đã kêu gọi cấp cứu, xe cứu thương và Cảnh sát đến phát hiện là Anh Đạt đã từ trần 2 ngày trước khi họ đến.

Vì không tìm được thân nhân (next skin) nên Council địa phương đảm nhận chuẩn bị việc an táng. Tuy nhiên, có một việc rất ngẫu nhiên, anh Giáo sư Lê Đình Bách Đào một người bạn ở bên Pháp đến thăm anh Đạt, nhưng khi đến nơi thấy cánh cửa hé mở, gõ cửa không nghe động tĩnh gì, nên tự đẩy cửa vào nhà, thì phát hiện trong nhà không có người mà chỉ thấy quần áo, đồ dùng bị xốc tung như có trộm vào nhà! Anh Đào ra về và kể lại sự chứng kiến tận mắt. Nghe vậy, tôi thầm nghĩ là anh Đạt đau bệnh nên nhập viện, do đó, sáng hôm qua (16/10/2018) tôi đến bệnh viện lân cận để tìm hiểu, nhưng bệnh viện chỉ giữ tài liệu cũ cho đến March 2018 không thấy nhập viện sau đó, họ khuyên tôi đến bệnh viện khác xem sao. Trước khi đến bệnh viện khác thì tôi đến nhà anh Đạt để xem xét vấn đề. 

Rất đúng với lời tường thuật của anh Đào, là cánh cửa vẫn còn hé mở, tôi đứng ngoài đẩy vào cánh cửa, nặng mùi thuốc lá xông ra, bên ngoài cửa có một bình hoa cúc vàng, trắng (không biết ai đã cắm) nước đã ngã màu vàng và hoa cũng đã héo. Tôi gõ cửa hàng xóm (sát vách) không thấy mở cửa, tôi thấy ngoài hành lang (balcony) có một người đang đứng hóng mát, nên tiến tới hỏi thăm, thì mới biết anh Đạt đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà, cho đến 2 ngày sau họ mới phát hiện. Thay vì, tiếp tục đến bệnh viện, tôi đến ty cảnh sát và cơ quan coroner (nơi giữ tử thi để khám nghiệm) để tìm rõ ngọn nguồn thì mới biết được anh Đạt đã ra đi ngày 27/9/2018 như vừa kể trên và do không tìm ra thân nhân của anh Đạt nên Council địa phương đang chuẩn bị an táng vào ngày 19/10/2018. Tuy nhiên, tôi đã liên lạc kịp lúc nên việc an táng do council thực hiện được đình lại và hiện nay nhà Thờ đã tiếp xúc với nhà quàn (funeral directors) để lo việc mai táng. Khi nào có chi tiết cụ thể chúng tôi sẽ lập trang Cáo Phó gửi đến quý vị sau.

Ngoài ra, quý vị nào quen biết với thân nhân anh Nguyễn Bá Đạt xin vui lòng thông báo đến họ.

Mọi chi tiết xin liên lạc về: Ngô Ngọc Hiếu qua e-mail hughngo13@yahoo.co.uk , hoặc điện thoại (0)7956 289 246.

Trung tâm Mục vụ London, Cha Thắng London: (020) 7987 3477
Ngoài nước Anh xin ghi: +44 207 987 3477

Trân trọng,
Ngô ngọc Hiếu

Tôi cũng được biết, Ông Nguyễn Bá Đạt luôn luôn đi Lễ Chúa Nhật tại Nhà thờ Công giáo London. Song  không hiểu tại sao, trong Giáo xứ có một vị cao niên, mang nhiều bệnh, sức khỏe rất yếu như Ông Nguyễn Bá Đạt, lại không có ai:

"Noi gương Chúa Giêsu và tiếp tục truyền thống của Hội Thánh, chúng ta cũng hãy coi việc thăm viếng, giúp đỡ, cầu nguyện cho các bệnh nhân là một trong những thể hiện cao đẹp nhất của đức bác ái Kitô giáo. Mỗi khi yêu thương, giúp đỡ người già yếu và bệnh nhân, là chúng ta đang làm cho chính Chúa (x. Mt 25,40). Hãy mời một số người cùng đến thăm và cầu nguyện cho bệnh nhân".

Có lẽ vì thế, nên Ông Lê Đình Bách Đào là một Phật tử là người đầu tiên tìm đến căn nhà của Ông Nguyễn Bá Đạt. Sau đó, là Ông Ngô Ngọc Hiếu cũng là một Phật tử đã đi tìm Ông Nguyễn Bá Đạt suốt hai ngày, mới biết chắc Ông  Đạt đã nằm trong nhà xác của thành phố.

Tôi thầm nghĩ, nếu Ông Lê Đình Bách Đào không tìm đến nhà của Ông Đạt, thì cho tới giờ này, Cộng đồng người Việt tại Anh quốc, và cả Linh mục và các tín hữu Công giáo cũng sẽ không biết gì cả.

Riêng tôi, tôi đã nói với Ông Lê Đình Bách Đào, là chắc chắn phải có cái "duyên" hay điều gì đó, không giải thích được, nên Ông Đào mới là người từ bên Pháp sang London, lại là người đầu tiên biết được sự ra đi của Ông Nguyễn Bá Đạt. Đồng thời, cũng do từ tấm lòng của Thân Mẫu Ông Đào muốn thăm gặp Ông Đạt nữa.

Về Ông bà Ngô Ngọc Hiếu thì nói, "chắc Ông Nguyễn Bá Đạt đã xui khiến cho Ông Đào như thế".

Còn Ông Nguyễn Đức Chung thì nói: "Chắc Ông Đạt, ổng muốn nói với Ông Đào, là  tau lạnh quá, (vì nằm phòng lạnh ở nhà xác) mầy đến kiếm tau đi, nên mới xui cho Ông Đào đến nhà và là người đầu tiên biết sự ra đi của Ông Đạt".

Viết đến đây, người viết muốn gởi tới với quý vị của Cộng đồng người Việt Tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại:

Là người Việt Nam đã vượt thoát chế độ Bạo quyền Cộng sản Hà Nội, sống đời viễn xứ. Những người may mắn có được mái ấm gia đình, xin đừng quên những người già yếu, bệnh tật, đơn lẻ,  đã và đang sống cô đơn trên xứ người. Hãy mở lòng, và thực hành theo Hạnh của Tâm Đạo Việt, để cùng nhau chia sớt những nỗi bất hạnh, những nỗi đau của tha nhân, như Ông Lê Đình Bách Đào, vì hoàn cảnh xa xôi, Ông ở bên Pháp, thỉnh thoảng mới sang Anh quốc; nhưng Ông vẫn nói với tôi: 

"Tiếc quá, phải chi tôi đến thăm Chú sớm hơn, thì đã gặp được Chú trước khi Chú qua đời!"

Riêng với quý vị cao niên, tôi xin có ý kiến nhỏ:

Nếu không có con cháu, thân nhân ruột thịt, thì quý vị nên tự lo liệu trước cho chính mình. Tôi nghĩ, ở đâu cũng có những nơi lo mai táng cho người qua đời. Những ai muốn để họ lo cho phần hậu sự, thì chỉ cần đến gặp những nhân viên ở đó, để ký Contrat, trả tiền trước, nếu chỉ hưởng "Tiền già" không thể trả một lần, thì được trả góp hàng tháng, đến khi qua đòi, thì cơ quan đó, sẽ lo tất cả mọi sự theo ý của khách, từ làm Giấy khai tử, đưa đến Chùa, hay Nhà thờ… Chôn, hay thiêu, rải tro,  nếu ở Pháp, ở các Nghĩa trang, đều có "Vườn Hồng" tức một khu vườn trồng Hoa Hồng rất đẹp. Nếu muốn rải tro xuống "Vườn Hồng" thì các nhân viên của họ sẽ làm đúng như ý nguyện.

Với những người không có con, cháu, không có thân nhân ruột thịt, thì có thể in bản Contrat rồi trao cho những người bạn thân thiết trong Cộng đồng người Việt, để sau khi qua đời, họ sẽ gọi cho cơ quan ấy, nơi đó, họ sẽ lo cho chu đáo, không phiền đến ai cả. Mà có lẽ "Vườn Hồng" là lựa chọn đúng nhất cho những người sống cô đơn nơi xứ người.

Lúc sinh tiền, sống trong cô đơn, thì trước khi chết, cũng nên tự lo cho chính mình. Đừng để điều đáng tiếc xảy ra như trường hợp của Ông Nguyễn Bá Đạt, khiến cho người viết bài này, thấy xót xa cho một người cựu tù "cải tạo", một vị cao niên, đã một thời góp bàn tay trong Chính Thể Việt Nam Cộng Hòa. Khi vượt thoát chế độ Bạo quyền Cộng sản, có lập trường chống Cộng. Không trở về Việt Nam khi còn Cộng sản! 

17/10/2018
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền 
_______

Kính mời quý vị: Đây là những hình ảnh và những lời tâm huyết cuối cùng của Ông Nguyễn Bá Đạt:


 
BT Quốc Hận 2012

BT Yểm Trợ Quốc Nội ngày 26/6/2018

No comments:

Post a Comment