Thursday, May 17, 2018


MÁ CHỒNG TÔI

Hậu Phạm

Thiệt tình là tiếng Má lâu lắm rồi tôi không gọi, nhắc tới tự nhiên nước mắt trào ra, bởi Má ruột tôi thì khuất bóng đã lâu, mà má chồng thì đã mất cũng gần chục năm rồi. Buồn nữa là tiếng Má hình như cứ vắng dần, vắng dần.

*
Tôi không thực sự tiếp xúc mấy với bà trước ngày cưới ngoài ba lần gặp mặt bà với chỉ những lời hỏi thăm. Là dâu út trong gia đình 7 anh chị em, ngay sau ngày cưới, chúng tôi sống riêng, kể cả 3 ngày làm dâu cũng không có nốt. Lúc đó, tôi đã cảm nhận được sự dễ chịu của bà. Cuối tuần thì ghé thăm bà trong căn nhà gần như lúc nào cũng có người quanh quẩn với hai ông bà, dù tất cả các anh chị chồng đều sống riêng, người đủ ăn đủ mặc, người cũng còn chật vật. 

Tôi chưa làm gì cho bà cả, chưa phải chăm sóc, nấu cho bà một bữa cơm. Công việc duy nhất tôi làm là rửa chén khi ăn cơm và làm chân sai vặt mỗi dịp giỗ chạp. Và chút trách nhiệm hơn là để chồng tự do với những khoản phụng dưỡng thường kì hay đóng góp cho gia đình những khi có việc. Cuối tuần thì ghé mua cái gì cho má ăn, chút trái cây, đi đâu xa thì tôi mua cái áo, cái khăn. Cần nhất là ăn với bà bữa cơm mà lúc nào bà cũng nấu dư vì sợ có đứa nào ghé. Nhiều lúc ghé về thì má đi vắng, đi chùa. Bà ăn uống qua loa, chủ yếu ăn chay trường. 

Cảm giác dễ chịu mà bà mang lại cho tôi và những người dâu rể khác có lẽ rõ rệt nhất là những ngày giỗ chạp. Nhưng bà lại đem đến cho tôi bất ngờ khác. Nhớ lần đầu tiên về sửa soạn đám giỗ, vừa bước vô nhà, vừa chào má xong, bà bảo: thưa chị ba, chị hai bây kìa. Mà thực ra, bà thì thầm, rón rén như sợ mấy chỉ biết là bà nhắc tôi. Thì ra, bà chẳng cần tôi chào mà bà cần tôi chào mấy chị, mà chị cũng chỉ là dâu như tôi, vốn là một nhân viên phục vụ khách sạn. Tôi hiểu ra: bà sợ tôi có học nhất trong nhà, lỡ tỏ ý khinh khi với mấy chị thì mắc tội nhiều, mâu thuẫn lớn lắm. Má có người em gái ở nước ngoài về, năm về ở mấy tháng, bà cũng chỉ mong tôi và mọi người khác quan tâm Dì, chỉ sợ dì phật lòng, vậy đó. 

Rồi tôi dần hiểu thêm, với bà, sao cũng được, cái gì cũng xong, cũng đơn giản hết, cái quan trọng nhất mà bà sợ đó là con cái đông, anh em khó nghe nhau, rồi xào xáo. Những món quà tôi mua, có lẽ bà cũng không cần, mà bà chỉ mong tôi có quà cho mấy anh mấy chị kia. Bà nhịn được, vì bà là bà, nhưng người khác thì bà không biết được, kiểu vậy. 

Nhà hay có giỗ, mấy năm đầu bà tất tả đi chợ, lo lắm, cả đêm trước giỗ nghe nói thức ngủ không được, rồi tới sáng con cái về thì lại lo nhắc nhở đứa này làm này, đứa kia làm nọ, coi thử đủ món chưa, còn thiếu cái gì. Mà thiếu, là bà tất tả ra chợ ngay rồi về thở hổn hển không ra hơi. Tới lúc ăn, thì bà không hề ngồi, cứ coi coi ngó ngó coi còn món gì chưa đem lên, hết đồ bà cũng tự tay múc bưng lên. Có lẽ bà đã vô tình cho tôi một bài học về sự nhún nhường bất kể địa vị trong xã hội, thậm chí là tuổi tác. 

Người thì đông, nhà thì hẹp, tầng trệt chỉ đủ cái bếp con với cái bàn ăn chừng 10 người là hết nên ăn phải chia làm mấy cữ. Vậy nhưng bà nhứt định là bắt mấy đứa con dâu ngồi cữ đầu rồi bà đứng đó nhìn, nói “Má ăn chay mà”. Ăn xong, có bận con nhỏ cho về ngủ nghỉ hay làm gì thì cứ đi. Bà dễ lắm, nhưng bà khó một chuyện thôi. Đó là lúc nào cũng con cái quanh quẩn ở bên. Ba mươi cúng rước phải ráng về cho đủ, sáng mồng một cũng vậy hen, phải găp cho đủ, rồi mùng hai, đồ ăn làm đầy hết bây về ăn chớ ai ăn, rồi mùng ba, cúng đưa, cũng không được vắng mặt. Đám giỗ sáng rồi thì chiều cũng phải ghé, tụi bây ăn chớ ai ăn giờ. 

Lúc đầu mình cũng khó chịu lắm, vì trời ơi, công ăn chuyện làm vất vả chưa ra ngô khoai, con thì nhỏ, rảnh đâu ghé hoài, nhưng rồi cứ thấy bà ngồi nhìn sắp con ăn, đi lấy cái này cái nọ, lòng cũng nguôi dần sự bực bội, thấy thương! Còn em gái bà ở nước ngoài mà về chơi thì thôi rồi, cứ thấy cái cảnh bà già bảy mươi mà đi tới đi lui một ngày chợ mấy bận, hễ thấy con em già nhỏ hơn mình mấy tuổi thèm ăn cái này, thích cái kia, là lại xào xào nấu nấu dù biết nó chỉ đụng có vài đũa. “Em ăn đi, chị ăn rồi”. Cái nết nhường nhịn và chịu khó của má chắc đã dạy cho mấy chị dâu và chị gái trong nhà, sau khi má mất, Dì cũng về ở hoài một năm gần cả sáu tháng. Mấy năm sau này, bà yếu, giỗ không đi chợ nữa, giao cho mấy chị, nhưng cứ cái tính hay lo, bà cũng chẳng đỡ khổ.

Nhớ nhất lần má tôi mất khi tôi vừa sanh con xong, cả gia đình tôi trong cơn bấn loạn tang thương, và tràn ngập trong đau khổ, vừa lo cho tôi bị hậu sản, tìm mọi cách dấu diếm mà rồi cũng không xong. Bà cũng trong cái guồng dấu diếm đó, mà bà là người dễ lộ nhất, còn hơn cả người trong nhà tôi. Bà tất ta tất tưởi nấu cơm đem lên bệnh viện cho tôi, mỗi lần vậy là thở hổn ha hổn hển như đứt hơi, mà cứ nói” Má không sao “.

Má vui lắm, mỗi khi con cháu tụ đông đủ, mà hễ có đứa vắng là bà buồn xo, không nói một lời. Và Má cũng có cái cố tật của bất cứ bà mẹ chồng nào là binh con trai. Thôi, làm người mà, làm Má chồng mà, vậy mới làm mẹ chồng chứ, không thì thành Má đẻ luôn sao? Mà Má đẻ thì cũng có khi binh đứa này hơn đứa nọ.

Một lần má nghe rủ rê đi coi bói, ông thầy bói nói: bà sau này mất, không có đứa con nào ở bên. Tất cả trừ chúng tôi sau này có giai đoạn vì hoàn cảnh riêng, còn tất cả đều ở trong thành phố bé xíu như lòng bàn tay, bé hơn một quận của SG, nghe kể lại đều nói: trời, cha thầy bói nói kì cục, tin làm gì. Sau đó, bà kêu tất cả chúng tôi lại, biểu là muốn tất cả ky' đồng ý chuyển quyền sở hữu nhà đất cho ông anh thứ 3. Tất cả chúng tôi đều làm ngay, cũng không nói qua lại tiếng nào. Nhà dù nhỏ, nhưng nhà mặt tiền, cho thuê cũng có tiền nhưng có lẽ, bà đã khiến chúng tôi nghĩ tiền bạc như một lẽ nhỏ nhoi lắm trong gia đình, sự êm ấm thuận hòa mới là điều quan trọng nhất.

Một ngày, chúng tôi ở Hà nội, thức dậy với cuộc goi lúc 6 giờ kém 5 . Chuyến bay hồi đó ít hơn bây giờ, chuyến bay duy nhất về Quy Nhơn trong ngày khi chúng tôi mất 30 phút để đến Nội Bài đã cất cánh được nửa tiếng. Chuyến bay về nơi gần nhất là Tuy Hòa thì đến trưa mới đi, mua vé xong thì sốt ruột không đợi được, đổi vé bù tiền, đứa thì theo đường về Sài Gòn rồi mua tiếp vé nữa về Quy Nhơn, đứa thì bay theo đường về Đà Nẵng vì cách nào thì cũng không có cái vé thứ ba cho cùng chuyến. Đứa đi Sài Gòn thì trời mưa to, máy bay quần miết không đáp được, phải chạy lên Ban Mê Thuộc, sốt ruột quá, trễ luôn chuyến Sài Gòn-Quy Nhơn. Rồi cũng về đến nhà kịp nhìn má trước khi đưa vào áo quan. Bà đã ra đi trước khi chúng tôi nhận được điện thoại vài phút tại bệnh viện, với hai vợ chồng người chị con cậu ở bên. 

Sáng đó, má thức dậy đi bộ ra biển cách đó chưa được 10 phút đi bộ như mọi ngày. Nhưng hôm đó, không như mọi ngày, má dậy sớm hơn nhiều vì cả đêm khó ngủ. Trời hãy còn tối lắm. Bà thường hẹn hai anh chị con cậu găp nhau dưới biển khi họ đi xe máy xuống dưới vì nhà xa hơn, rồi dựng xe đi bộ cùng bà. Hai anh chị vừa xuống thì thấy bà thở không ra hơi, ngớp ngớp. Anh lật đật lấy xe đưa má vô ngay bệnh viện thì chỉ 5 phút sau bà đã qua đời, không một lời trăn trối, và cũng không được thấy đứa con nào ở bên. Mọi người nói: Thôi, má ra đi vậy là thanh thản, không đau đớn. Lời thầy bói năm nào, không lẽ lại ứng nghiệm nhường vậy! 

Và tôi nghĩ, người ngày nào cũng mong nhìn thấy mọi đứa con ở bên, không muốn đứa nào đi xa, giờ phút đó, chắc may là má không biết mình qua đời đâu, không biết là mình cần các con ở bên. Trời chắc không nỡ để má cảm nhận gì. Má đi nhẹ nhàng thôi.

Hồi đứa con ông chú mất vì ung thư năm hơn 30 tuổi, lúc làm mộ cho nó, má nó cho làm gắn dưới cái tên Phần mộ của … là dòng chữ “ Cháu của ông …và bà Nguyễn Thị Dư”. Hồi ba nó mất, anh em nó còn nhỏ, má nó lại còn lơ ngơ, chính má là người đã đưa nó về nuôi, lo lắng. Chắc đó cũng là một tấm bia ky` lạ trên đời, bởi không ghi tên Cha Mẹ mà lại ghi tên người Bác Dâu. Mà bả lại là vợ của ông Bác cùng cha khác mẹ với cha của nó kia. Là bà Dư, chị của mỗi bà Thừa thôi, mà nhịn nhường hết thảy.

Trong những đặc ân mà tôi được hưởng, có lẽ đó là đặc ân đã có một bà má chồng quá đỗi hiền lành, tốt bụng, nhường nhịn.

Một nén nhang tâm tưởng xin gởi tới má. Má ở trên cao xanh kia, hãy vui nhìn đàn con nhường nhịn, yêu thương vì học theo lẽ của má dù không một lời dạy, Má nha.

Hậu Phạm

No comments:

Post a Comment