Monday, April 9, 2018

Larry Kudlow : “Không có vị Tổng thống nào có đủ dũng khí để làm điều này…”

Vấn đề ở đây chính là Trung Quốc, chứ không phải là Tổng thống Trump. Trung Quốc đã ‘được nước làm tới’ trong nhiều thập niên qua. Photo credit: Reuters
Washington Post – Vào Chủ Nhật, Tổng thống Trump và các đồng minh một lần nữa khẳng định rằng họ không nghĩ Trung Quốc sẽ áp mức thuế quan đe dọa nền kinh tế nước Mỹ và ảnh hưởng đến nông dân, đặc biệt là những người trồng đậu nành hoặc chăn nuôi heo.
Ông Trump tweet vào sáng Chủ Nhật: “Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các rào cản thương mại vì đó là điều đúng đắn phải làm. Thuế sẽ trở thành Tương hỗ và sẽ có thỏa thuận về Sở hữu Trí tuệ. Tương lai tuyệt vời cho cả hai quốc gia!”
Trong một cuộc phỏng vấn vào Chủ Nhật, các quan chức chính quyền đã bênh vực chính sách thương mại của Tổng thống. Trung Quốc và Mỹ đã đe dọa đánh thuế lẫn nhau trong một cuộc tranh chấp thương mại.Larry Kudlow, giám đốc mới của Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói trên chương trình “State of the Union” của đài CNN: “Không có vị Tổng thống nào có đủ dũng khí để làm điều này trước đây. Vì vậy, tôi tin ông Trump làm đúng. Và tôi nói với tất cả mọi người về vấn đề này. Vấn đề ở đây chính là Trung Quốc, chứ không phải là Tổng thống Trump. Trung Quốc đã ‘được nước làm tới’ trong nhiều thập niên qua.”
Ông Kudlow cho biết “sẵn sàng thành lập liên minh” để gây áp lực lên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó bao gồm việc đưa vấn đề lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để tìm kiếm giải pháp cho hành vi thương mại của Trung Quốc. Ông Kudlow từ chối công bố danh sách thành viên khi phỏng vấn trên đài Fox News, nhưng ông nói Úc, Canada và phần lớn Âu Châu là một trong số đó.
Các quan chức chính quyền đang cố gắng làm giảm mối lo ngại ngày càng tăng về tác động của chiến tranh thương mại đối với nông dân. Họ cho rằng tranh chấp thương mại có thể giải quyết thông qua đàm phán và “quá trình ôn hòa cho cả hai phía,” theo Kudlow.
Tuy nhiên, họ vẫn sẽ đánh thuế mới lên Trung Quốc.
Peter Navarro, giám đốc của Văn phòng Chính sách về Thương mại và Sản xuất, cho biết trên chương trình “Meet the Press” của NBC News: “Chúng tôi đang lắng nghe Trung Quốc. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với họ. Những gì chúng tôi cần từ Trung Quốc rất rõ ràng. Chúng tôi muốn sự công bằng và tương hỗ trong thương mại.”
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin từ chối bình luận về cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trong chương trình “Face The Nation” của đài CBS. Ông cũng cố xoa dịu nỗi lo ngại rằng chính sách bảo hộ thương mại sẽ gây tổn hại đến sự phát triển của nền kinh tế Mỹ.
Ông Mnuchin nói: “Tôi không tin bất kỳ điều gì xảy ra trong thương mại có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia. Tổng thống nói rằng ông sẵn sàng bảo vệ các lĩnh vực – như nông nghiệp.”
Thượng Nghị Sĩ Mike Rounds (Cộng Hòa – South Dakota) cảnh báo rằng mức thuế mới đối với hàng hóa Mỹ có thể làm tê liệt nông dân của tiểu bang ông, nơi chủ yếu dựa vào việc xuất khẩu đậu nành – giống cây trồng lớn thứ hai của tiểu bang.
Ông Rounds phát biểu trên chương “Meet The Press”: “Chúng ta đang nói về rất nhiều tiền sẽ bị mất, dù chỉ là dự đoán về mức thuế sắp được đưa ra.”
Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa – South Carolina) thừa nhận rằng các ngành công nghiệp của Mỹ có thể bị ảnh hưởng xấu vào lúc đầu: “Không có cách nào để đối phó với Trung Quốc mà không bị thương chút đỉnh cả.” Nhưng ông Graham đã bênh vực cho chính sách này rằng nó là một chiến lược lâu dài: “Tổng thống hứa rằng ông ấy sẽ là vị Tổng thống đẩy lùi Trung Quốc. Đó là những gì ông ấy đang làm. Họ sẽ chống trả. Tôi cho rằng chúng ta sẽ chiếm ưu thế nếu kiên trì đến cùng.”
Thượng Nghị Sĩ Susan Collins (Cộng Hòa – Maine) có nhận xét thận trọng hơn về chính sách thương mại của Tổng thống khi xuất hiện trên chương trình “State of The Union”: “Tôi nghĩ chúng ta cần một phương pháp tiếp cận sắc bén hơn. Tôi công nhận Tổng thống đã dùng thuế để đánh với Trung Quốc, quốc gia mà chúng ta đã đàm phán trong một thập niên về hành vi thương mại bất công.”
Bà Collins cho biết thêm: “Chúng ta mất việc làm vào tay họ. Chúng ta phải cứng rắn hơn với Trung Quốc. Nhưng chúng ta cần phải làm điều đó mà không gây ra chiến tranh thương mại.” Bà Collins gọi đó là một “đạo luật cân bằng tinh tế.”
Nam Phổ
---------------

No comments:

Post a Comment