Friday, January 12, 2018

Đời Tôi





Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu!

Anh chàng Long  trong Giống Tố của Vũ Trọng Phụng đã than thân, trách phận cho số kiếp mồ côi của mình, trong một lá thư gởi cho Tú Anh, con trai lão Nghị Hách.Anh buồn tủi cho cái vô phước của mình, một thanh niên được  nuôi dưỡng và lớn lên, bằng lòng từ thiện của mấy bà sơ trong viện Bảo Anh.

Tôi chợt ngẫm nghĩ...phần tôi, tôi được sinh ra cõi đời này dưới ngôi sao gì đây?

Vừa mới lọt lòng mẹ, tôi đã vô phước mang một xác thân không trọn vẹn rồi. Dì tôi, chị tôi là người đầu tiên  nhìn thấy tôi, sau khi bà mụ trao tôi cho hai người.  Bà chỉ cho họ coi cái nơi bạc phận sẽ đeo theo tôi đến hết cuộc đời này!

Sợ má tôi biết sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, dì và chị tôi quyết định giấu má tôi. Hai người cáng đáng tất cả chuyện tả, sửa cho tôi hết. Buổi chiều, bà mụ gọi dì và chị tôi lên phòng riêng thì thầm:

-Mới đây, có bà Tàu sanh một đứa con gái, lành lặn. Trước khi sanh, bả nói với tui, nếu con trai thì giữ đó cho bả, bằng như con gái thì kiếm người cho giùm, nhà bả đã có một  đứa con gái rồi. Đây nè, nó đây nè.

Rồi bà mụ ẩm đứa nhỏ còn đỏ hỏn lên, xong  bà mở cái khăn lông màu xanh đang quấn quanh người đứa nhỏ. Bà cầm từ cái tay, bàn chân chỉ cho dì và chị tôi coi. Bà kêu chị tôi mau về phòng má, ẩm tôi đến để tráo đứa nhỏ lành lặn. Phần tôi, bà sẽ kiếm người cho giùm. Chị tôi vội chạy về phòng má để ẩm tôi đi. Vừa lúc đó, chị Hai tôi vô tới, thấy chị Tư bồng tôi ra ngoài, chị Hai hỏi :

-Em ẩm nó đi đâu vậy?

-Ư...ư..em ..ẩm..nó qua cho cô mụ khám. Hình như nó không được khoẻ.

Chị Hai tôi nghe vậy, lật đật chạy theo. Đến nơi, chị Tư trao tôi cho bà mụ, rồi nhận đứa bé kia. Chị Hai tôi hốt hoảng, nói:

-Em làm gì vậy? Đứa nhỏ này ở đâu ra? Sao em đưa em mình cho bà Bảy?

Tới nước này,  thì chị Tư tôi đành phải thú thật chuyện chị và Dì tôi,  định đỗi tôi để lấy đứa trẻ may mắn, toàn vẹn đem về.

Nghe xong, chị Hai tôi làm thinh, suy nghĩ một chút rồi chị buồn bã nói:

-Thôi em à! Tại phần số nó như vậy. Coi như nó gánh vác hết cho cả nhà. Em đỗi con người ta đem về thương yêu như ruột thịt, còn em mình thì lại cho người xa lạ, biết họ thương nó hay họ ruồng rẫy vì nó tật nguyền? Chị không đồng ý đâu.

Dì Sáu và chị Tư nhìn bà mụ, nhìn tôi rồi nhìn đứa nhỏ...Chị Hai tôi bước tới, bồng tôi trở lại từ nơi bà mụ rồi đem về phòng má tôi.

Từ hôm đó cho đến ngày má con tôi về nhà, sau giờ học, chị Hai tôi luôn túc trực bên tôi để lo cho tôi từng chút một. Chị không dám để má tôi thay tã cho tôi vì sợ má tôi biết.

...Dì Sáu vừa nghẹn ngào, vừa kể cho tôi nghe chuyện đời tôi hai mươi năm trước đó. Dì tiếp:

-Ba con thương má con lắm, sanh đứa nào ra, anh Năm (ba tôi) cũng không cho chỉ làm cái gì động tới móng tay, cho tới năm sáu tháng sau lận.

 Xui quá, bữa nọ, con đã được ba tháng, chị Hai, chị Tư, chị Năm con thì đi học. Dì bận đi chợ. Chừng về tới nhà, thấy má con đang ngồi trên giường ẩm con mà khóc quá. Dì hết hồn, không biết con có đau bịnh gì hôn, lật đật chạy tới rờ trán con, thì má con nắm lấy cái tay có tật của con đưa cho dì coi. Má con trách dì:

-Sao con Gái nó bị vậy mà hỏng ai nói cho tui biết hết?

Dì không biết nói gì hơn là hai chị em ngồi ôm con mà khóc ngon lành.

... Những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên hai gò má tôi ướt đẫm! Tai tôi lùng bùng, tim tôi nhãy loạn. Trời ơi! Dì Sáu ơi, dì nói thật không? Cuộc đời con khốn nạn đến vậy sao dì?

Sao mà phần số tôi bạc phước dữ vậy nè trời! Đã không lành lặn mà còn bị chính chị ruột mình ruồng bỏ, dứt bỏ thâm tình máu mủ, suýt đem đi đỗi lấy con người dưng về nuôi, chỉ vì nó may mắn hơn tôi, nó trọn vẹn, hoàn hảo hơn tôi!

Tôi đã khổ sở từ khi biết nghe, biết nói. Hàng xóm quanh tôi đã đặt cho tôi cái tên không mấy đẹp đẽ, mỗi khi nhắc đến tôi. Khi tôi bước ra đường, đã sáu mươi bảy năm rồi, tôi luôn tìm cách che giấu cái nỗi bất hạnh của mình vì sợ người ta cười . Vậy mà có che giấu được ai đâu? Tôi vẫn nhìn thấy những ánh mắt tò mò lên lén ngó tôi, những xì xầm bàn tán cho cái tật nguyền mà trời bắt tôi phải gánh cho đến hết kiếp.

Nếu hôm đó, chị Hai tôi không đến kịp, số phận tôi giờ ra sao? Tôi trôi giạt về đâu? Làm thân ăn mày lê la ngoài đường phố hay vùi thây ở phương trời xa lạ nào? Còn đứa nhỏ kia? Nó may mắn trọn vẹn nhưng rủi ro lại đầu thai vô gia đình bảo thủ, trọng nam, khinh nữ. Giờ nó đang ở đâu, làm gì? Giàu sang hay đói khổ? Và một điều chắc chắn là nếu còn sống, nó sẽ không bao giờ biết thâm tình máu mũ của mình là ai! Nghĩ lại, tôi và nó, ai vô phước, ai bạc phần hơn ai?

Sau năm 1975, gia đình tôi dọn về ngã tư Piscine. Trước nhà tôi có xe mì của một người Tàu. Tôi hay ra đó ngồi chơi, thỉnh thoảng, chú bán mì nhờ tôi làm đơn để xin lấy tiền trong ngân hàng sau đợt đỗi tiền đợt đầu. Từ đó, chúng tôi quen khá thân. Có lần, vui miệng, chú kể tôi nghe. Gia đình chú có ba anh em, hai trai, một gái. Lẽ ra hai gái nhưng khi sanh đứa út là con gái thì ba má chú đem cho người ta liền, đến giờ cũng không biết nó ở đâu. Chú nói vói giọng dững dưng như đem cho một món đồ dư dùng trong nhà, không thương, không tiếc. Tôi lại nghĩ đến tôi và nghi thầm: “ Biết đâu đứa nhỏ đó là đứa xém chút thế chỗ mình?”

Rồi tôi lại tiếp tục nghĩ, nếu chuyện đỗi tráo thành, đứa nhỏ đó chắc chắn là sẽ có phước lắm vì ba má tôi tánh tình nhân hậu, rất thương con cái.

Tôi là đứa nhỏ tật nguyền mà ba má tôi không coi đó là gánh nặng, trái lại, ba má thương tôi lắm. Từ nhỏ, tôi có bệnh hay ói nếu ăn trúng mỡ. Mỗi lần kho thịt, nướng sườn má tôi hay lựa miếng nạc hoàn toàn để riêng cho tôi. Một lần, má tôi nướng sườn cho cả nhà ăn cơm chiều. Hôm đó tôi đói bụng sớm, không đợi má lựa miếng nào của tôi, tôi lấy đại một miếng. Nhìn miếng sườn vàng nâu óng ánh, mùi thơm nứt mủi, tôi định đưa lên miệng cắn một cái, chợt dừng lại. Có mỡ bám trên miếng sườn. Tôi rán gở ra từ chút. Chị Tư tôi ngang qua thấy, chị nói:

-Mày ăn đại thử coi có chết chóc gì hôn mà gở tới gở lui.

Nghe vậy, tôi ăn liền. Dè đâu, vừa nhai một cái, chưa kịp nuốt, tôi nhợn  ra và ói liên tu bất tận. Tôi ói từ cơm chiều đến nửa đêm vẫn không ngừng dù má tôi đâm gừng nấu nước cho tôi uống cũng vẫn không cầm được. Ba tôi thấy vậy, lật đật chạy qua nhà thuốc bên kia đường đập cửa kêu. Ông chủ là người quen nên khi nghe ba tôi nói tình trạng của tôi, lúc đó dù đang ngủ vì đã khuya lơ khuya lắt nhưng ông cũng đi pha chế thuốc cho ba tôi liền. Về nhà, ba tự tay rót cho tôi uống. Kỳ diệu thật, năm phút sau, tôi đã ngưng ói hẳn, trong người nghe nhẹ nhỏm ngay.

Tôi lại cũng không ăn khô, ăn mắm được . Nhất là mắm nêm. Tôi sợ lắm, ngửi cái mùi đó là tôi mắc ói liền. Một buổi chiều kia, má cho tôi ăn cơm sớm rồi biểu ra ngoài trước chơi. Lát sau, ba tôi đi làm về, nghe nói chiều ăn món bánh tráng cuốn tôm, thịt luộc chấm mắm nêm. Ba tôi nói liền:

-Ở nhà đã cho con Gái ăn cơm trước chưa?

Nghe ba nói, tôi thương ba quá. Nghe có có món ngon, ba tôi không màng đến, chỉ lo tôi bị bệnh vì cái mùi khó ngửi.

Có lẽ thấy tôi tật nguyền nên ngay từ lúc tôi mới chín mười tuổi, má đã dạy tôi móc khăn, móc nón, thêu thùa, may vá. Mười bốn mười lăm tuổi, tại tỉnh tôi cư ngụ, có sư đoàn 5 bộ binh về thiết lập doanh trại. Các quân nhân chiều chiều đi ra ngoài ăn uống, mua báo, thuốc lá...lúc đó, má tôi có mở một tiệm tạp hoá nho nhỏ. Hằng ngày, đi học về, tôi thường phụ má tôi buôn bán và thêu áo cho người ta kiếm thêm tiền. Mấy ông quân nhân chiều nào cũng ghé nhà tôi mua báo và thuốc đông lắm. Một bữa nọ, có một ông sĩ quan đến mua đồ, thấy tôi đang ngồi cặm cụi thêu áo, ông hỏi tôi có thêu bảng tên để may lên miệng túi áo không. Tôi nhận lời và sau đó, nhờ ông này nói với các bạn, thế là tôi lại thêm được nghề thêu bảng tên cho mấy ông nhà binh. Ngay cả lính Mỹ cũng đến đặt tôi thêu rất nhiều.

Năm 1967, tôi đang học lớp đệ Tam với học bỗng toàn phần ở một trường tư thục khá lớn trong tỉnh, ngày kia thình lình má tôi đau nặng, phải đưa đi nhà thương Grall mà người ta cũng còn gọi là nhà thương Đồn Đất, ở Sài Gòn. Ba tôi, anh chị em chúng tôi, kẻ đi làm, người còn cắp sách đến trường. Ngoại trừ anh chị Ba tôi đang ở Sài Gòn, cả  nhà chúng tôi đều ở Bình Dương. Thật là nan giải! Đâu thể nào để má tôi ở đó một mình được. Suy nghĩ đắn đo mãi, cuối cùng chị Tư tôi kêu tôi nói:

-Má bệnh, chị Năm mày mắc đi làm, Út, Khánh, Dũng đi học mà tụi nó là con trai, còn tao thì cũng mắc đi dạy học, bốn đứa con còn nhỏ quá, đâu có giao cho anh Tư được . Thôi mày chịu khó nghỉ học để lo cho má đi.

Thế là ngay hôm đó, tôi không một lời từ giả bạn bè, thầy cô, tức tốc xách va ly áo quần xuống nhà thương để lo cho má tôi. Suốt cả tháng trời, má tôi đã bình phục, lòng tôi mừng khấp khởi. Má tôi như một bà tiên nhân ái, công, ngôn, hạnh vẹn toàn. Tôi không nói dung vì má tôi không đẹp. Tuy vậy, bà có nét mặt hiền từ, trái tim bao la. Cả đời tận tụy lo cho chồng cho con. Hai bên nội ngoại đều thương má tôi lắm. Bà con xa gần, gặp cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, má tôi cũng cưu mang.Từng manh quần tấm áo  của chúng tôi đều do chính tay má may, những bữa cơm ngon cũng do tự tay má tôi nấu.

Nghỉ học cả tháng trời, trở về nhà buôn bán. Tôi cứ nghĩ ngợi lung tung. Với mớ chữ nghĩa không đầy lá mít, tôi sẽ làm gì được với tấm thân tật nguyền này trong tương lai. Ba má tôi, luôn là những cây cột vững chắc. Đó đã là chỗ cho tôi nương dựa từ lúc mới chào đời, Mai này, khi tuổi già bóng xế, tôi phải tự lo cho bản thân chứ ba má tôi làm sao bão bọc tôi nổi nữa. Ngày đêm tôi bức rức, buồn bã để tính coi mình có thể làm gì được khi trưởng thành. Chắc chắn là tôi không thể nào làm đứa con báo hại, báo đời ba má tôi suốt kiếp được rồi....làm gì đây? Tôi phải làm gì đây cho mai sau của tôi?

Rồi một buổi sáng, tôi dậy sớm. Thay áo dài trắng  học trò mà má tôi đã tận tụy may cho tôi từng đường kim, mủi chỉ từ  ngày tôi chập chững bước vô trường trung học. Tôi đi đến trường, vô văn phòng. Nơi đây, tôi gặp chị Lam, thư ký trường. Chị hỏi tôi sao lâu quá không đi học, cũng chẳng xin phép nên đã bị cắt học bỗng rồi. Tôi lắc đầu nói với chị:

-Em biết, nên em muốn đến gặp thầy cho em làm việc trong văn phòng, để có tiền đi học tiếp.

Chị Lam nghe nói vậy, cười thật vui:

-Thiệt hôn? Vậy thì vui quá, chị cũng đang tính xin thầy kiếm thêm người làm phụ với chị nè. Công việc thì nhiều mà chú Mười mới nghỉ, một mình chị làm không xuể, cực quá trời luôn.

Nghe chị nói, hy vọng được thầy chấp thuận càng cao. Lát sau, thầy vô tới. Tôi thưa thầy rồi ngồi im không nói gì hết. Lúc ở nhà thì tôi xăng xái lắm, tính nói đủ điều, vậy mà, vừa thấy thầy tôi đã khớp. Thầy Hiệu Trưởng có tiếng là nghiêm khắc, gương mặt lạnh như tiền, học trò đứa nào cũng sợ lắm.

Thấy tôi thưa rồi im ru, thầy cũng chẳng nói gì, dợm bước qua phòng giáo sư. Chị Lam vội khều tôi nói nhỏ:

-Nói đi, sao làm thinh vậy?

Thầy ngó tôi, hỏi:

-Có chuyện gì?

Như cái máy, tôi tật đật đứng lên:

-Dạ..thưa thầy..

-Chuyện gì? Thầy có giờ dạy sáng nay, em cần gì thì nói đi, thầy trễ giờ rồi.

Tôi cố lấy bình tĩnh, nói thiệt lẹ:

-Thưa thầy, má em bịnh, nên em nghỉ học cả tháng nay mà lật đật quá nên không có xin phép. Em biết vậy là sai và học bỗng của em đã bị truất rồi. Nay em đến xin thầy cho em một buổi học, một buổi làm việc trong văn phòng rồi thầy trừ vô tiền học của em nha!

Ông nhìn tôi , suy nghĩ vài giây rồi nói:

-Thôi được rồi, em cứ đi học lại, thầy không lấy tiền đâu. Thầy cũng đang định tìm người phụ với cô Lam, nếu em muốn làm thì thầy trả cho em một tháng bốn ngàn, tiền học thì miễn.

Trời ơi, tôi có nghe lầm không? Tôi được học lại, không mất tiền lại có thêm bốn ngàn một tháng khi làm việc ở đây...tôi lật đật cảm ơn thầy rồi xin phép về báo tin vui cho má tôi.

Về nhà, tôi chạy u xuống bếp, nói cho má nghe. Má tôi cằn nhằn:

-Mấy bữa nay má chưa khoẻ nên chưa nói với con. Má tính biểu con đi học lại, tiền học thì đâu cần lo. Bộ ở nhà không có tiền đóng sao mà con phải vất vả đi làm?

Tôi nói:

-Con sợ tốn tiền má.

Má tôi hiền từ, để tay lên vai tôi nói:

-Đáng lẻ lúc má bịnh con không nên nghỉ học để nuôi má. Thôi, lo mượn tập bạn bè chép lại rồi rán học cho kịp với người ta. Con không cần phải đi làm chi cho cực, mới mười sáu tuổi mà.

Tôi biết má tôi thương tôi nên nói vậy chứ ba tôi đã lớn tuổi, đi làm cũng không bao lâu nữa. Tôi lại còn hai đứa em trai, ba má tôi phải rán lo cho tụi nó tới nơi tới chốn chứ!

Thế là bắt đầu hôm sau, tôi hở xách cặp đi học, lòng rộn rã như ngày đầu tiên đến trường. Phải, tôi vui lắm, vì tôi biết tôi sẽ không còn phải lo lắng mai này làm gì để sống.

Thời gian trôi qua nhanh chóng. Tôi đã hoàn tất chương trình trung học. Tôi mơ ước mai này sẽ làm luật sư. Tại sao? Tôi hiểu, với tấm thân tật nguyền này, không có nghề nào thích hợp cho tôi hết. Chỉ có ngành luật là không cần đến đôi tay lành lặn thôi.

Rồi tôi xây mộng trên bãi biển. Tôi sẽ có nhà cửa, sẽ có đời sống ấm no, tôi sẽ sống cạnh ba má tôi suốt đời...tôi miên man suy tính và chìm vào giấc ngủ  tự lúc nào.

Năm 1970, Tôi rời khỏi ngôi trường thân yêu từng in vết chân tôi cùng đám bạn trong suốt bảy năm trời. Kết quả, tôi chỉ lấy được cái bằng hạng thứ. Thật là tệ quá! Rồi tôi bắt đầu mơ về con đường Duy Tân cây dài bóng mát.  Dù chưa có chàng nào uống ly chanh đường cho môi tôi ngọt, tôi vẫn thấy ra hình ảnh những đám lá me bay trong gió, những tà áo sinh viên phất phơ nơi cửa trường mỗi sáng mà tôi vẫn nhìn thấy, khi ngang qua vì nhà anh chị tôi nằm ngay trên đường Duy Tân lúc bấy giờ

Ước mơ thật giản dị, ngỡ  sẽ đến với tôi dễ dàng. Dè đâu.. phải rồi, chỉ vì hai chữ dè đâu thấy ghét! Mấy đứa bạn cùng thời với tôi đi làm cho cơ quan USAID ngay trên toà hành chánh gần nhà, cứ rủ rê tôi. Tụi nó nói làm việc trong phòng có máy lạnh, lương cao lại có cơ hội được đi Mỹ...

 Thế là tôi tự tay xô ngã lâu đài mà tôi đang vun đắp trên bãi biển hôm nào chỉ vì cái viễn ảnh có cơ hội đi Mỹ. Tại sao tôi lại muốn đi Mỹ? Tôi nghĩ chỉ có nơi này, một nước văn minh, khoa học tiến bộ, tôi mới có thể có được một cánh tay khác lành lặn. 

Giấc mơ Mỹ của tôi là khi  được thay tay mới, tôi sẽ ung dung ra đường phố mà không cần che đậy, dấu diếm ai. Về đêm, tôi không còn khóc thầm khi nhớ đến những ánh mắt tò mò nhìn tôi, khi nhớ đến những xầm xì to nhỏ về tôi, không còn bị kêu lên cái tên đáng ghét đã đeo mang tôi mấy chục năm nay...

May mắn cho tôi quá. Tôi được nhận vô làm việc ở đó với số lương cao gấp đôi một cô giáo tốt nghiệp sư phạm. Mỗi ngày, con đường dốc ông Cò đã thành quen thuộc với tôi, cũng những lá me bay, cũng những bông dầu lượn phất phơ trong gió nhưng tôi giờ đây không phải là cô sinh viên lãng mạn, một thời mơ ước. Tôi đã  là cô ký điệu với những tà áo đủ màu sặc sỡ, với gương mặt có trang điểm phơn phớt cho má thêm hồng, cho môi thêm thắm, để tôi được làm người lớn ở lửa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới này.

Một thời gian sau, tôi được sở cho về Sài gòn học Anh văn. Đi làm chỗ này, ai cũng muốn được cho đi học hết vì ngoài cái lợi biết thêm tiếng Anh, chúng tôi còn được lãnh thêm tiền đi học nhiều gấp bốn lần tiền lương nữa. 

Bấy giờ, anh tôi cất nhà khác tại đầu đường Trần Quý Cáp, gần bên hồ con rùa. Nơi tôi học nguyên là đại học y khoa ngày xưa,  cùng nằm trên đường nhà anh tôi, cách đó hai block, đối diện với trường Lê Quý Đôn. Thật là tiện cho tôi vô cùng.

Trong thời gian ở nhà anh chị tôi, một ngày nọ, anh tôi nhờ một sĩ quan dưới quyền đưa tôi đến Trung Tâm Chỉnh Hình, nơi lấp ráp tay chân giả cho thương phế binh để xin làm cho tôi một cánh tay giả. Nghe thế, tôi mừng vô hạn. Tôi  lại bắt đầu vẻ ra trong trí tôi, hình ảnh một thiếu nữ với mái tóc dài ngang lưng, đi đứng khoan thai, không e ngại để che giấu cái tay tàn tật, không còn khổ sở khi bị người xung quanh dòm ngó, không tủi thân khi đám con nít cười trêu...

Lòng tôi rộn rã theo chân ông sĩ quan tiến vào văn phòng của trung tâm. Sau khi xem xét, ông Bác sĩ quân y nhìn tôi, nét mặt đăm chiêu, e ngại. Ông nói:

-Cô có thể được làm một cánh tay khác nhưng phải cưa bỏ cánh tay này lên khoảng ba tấc mới được!

Trời ơi! Ông nói sao? Phải cưa bỏ một phần của cánh tay tàn tật thì mới được? Tai tôi ù lên, mắt tôi ướt nhoà! Không, không thể được. Tôi không thể vì muốn làm đẹp cho bản thân mà chịu bỏ đi một phần xương máu trong cái hình hài của cha mẹ đã tạo nên tôi, cho dù cái hình hài không nguyên vẹn, cho dù tôi phải đeo mang nó cho đến ngày tôi lìa xa cõi đời này. Tôi trả lời không do dự:

-Da thôi, cảm ơn bác sĩ. Chắc là tôi không làm đâu. Cánh tay này tuy xấu xí nhưng nó đã ở bên tôi ngay từ trong bụng mẹ, mấy chục năm nay, nhờ nó phụ với cánh tay kia để tôi bợ đỡ được chén cơm, giúp tôi thêu thùa may vá, bưng những vật nặng, chận được quyển tập để tôi viết lên những hàng chữ ngay ngắn ( nói thật nha, tôi viết chữ rất đẹp, thầy cô và bạn bè mỗi khi nhìn vô tập đều khen. Sau này, con trai tôi viết chữ giống hệt nét chữ của tôi, ai ai ngó qua cũng đều tưởng là tôi viết. Chính con tôi có lần  nhìn vô một tràng hoa phúng điếu của gia đình tôi khi đi cúng cho chị Hai tôi, với dòng chữ phân ưu do tôi viết, con tôi  ngạc nhiên và tự hỏi:Ủa, mình đâu có viết cái này?)

Trở lại chuyện bạn nãy, tôi tiếp lời với bác sĩ:

-Bây giở, nếu tôi vì sợ người ta chê cười, để đỗi lấy cánh tay đẹp nhưng thật ra đó mới chính là cánh tay tàn phế. Ngoài cái bề ngoài lành lặn giả tạo, nó không giúp gì được cho tôi hết. Thôi, xin cảm ơn bác sĩ, tôi không muốn lìa xa cánh tay tật nguyền xấu số của tôi đâu.

Rồi tôi ra về, lòng có buồn đôi chút nhưng lại nghe nhẹ nhàng vì đã quyết định đúng.

Sau mấy năm học, tôi trở về chổ làm. Trời xui đất khiến, tật nguyền như tôi mà cũng có người để mắt tới. Rồi tôi cũng tập tành yêu thương. Sau một thời gian,  anh bạn trai tôi muốn kết hôn với tôi. Nghe tin trên, ba tôi phản đối kịch liệt. Lúc đó, tôi không biết suy nghĩ nhiều. Như sa vào mê hồn trận, tôi chỉ biết yêu và mong được làm vợ anh. Mặc dù ba tôi không bằng lòng, tôi vẫn nói anh cứ đưa gia đình tới. Má tôi cũng không muốn chút nào nhưng thấy tôi buồn nên má cố thuyết phục ba tôi. Rốt cuộc thì đám cưới cũng được diễn ra. Năm sau, tôi được một cháu trai đầu lòng, thằng bé bây giờ là niềm vui cho cả nhà. Ai ai cũng rất là thương yêu cháu.

 Năm tháng sau, vào cuối tháng tư, biến cuộc lan tràn, những tỉnh dọc theo biên giới xãy ra nhiều trận đánh lớn. Trên TV chiếu cho thấy dân chúng bắt đầu di tản. Dọc theo đường, thây người chết như rạ. Máy  bay ngập trời, dưới đất khói đen nghịt. Tiếng súng nổ, tiếng bom réo, tiếng người la khóc kêu gào.

Tôi đã nghỉ làm từ sau khi đám cưới, trong thời gian này, cơ quan USAID bắt đầu đóng cửa để rút về Mỹ. Nhân viên nơi đó được ưu tiên rời khỏi Việt Nam. Tôi nghe tin trên, muốn xin với mấy ông xếp cũ để được đi lánh nạn. Lúc bấy giờ, ông xã tôi đang ở Dầu  Tiếng, phương tiện thông tin không có. Tôi mong chờ mỗi cổ, nóng ruột vì sợ bỏ lỡ dịp may, lo lắng vì không biết fánh mạng ông xã có an toàn không?

Sáng ngày 30-04-1975, lệnh buông súng đầu hàng.

Bản nhạc Nối vòng tay lớn đã rõ rệt ngăn chia hai tâng lớp người, bên thắng nghênh ngang trên đường phố, bên bại thểu não, xơ xác, điêu tàn! Thế là cả nhà tôi kẹt lại và một tháng sau, tất cả bị đuổi ra khỏi nơi trú ngụ cùng tài sản được chắt chiu, gầy dựng bởi công sức của ba tôi.Mọi người ra đi với túi áo quần, lòng buồn vô hạn vì không nơi trú ngụ. Sui gia thương tình, tạm cho gia đình chúng tôi ở trong một nhà xe đã lâu không còn kinh doanh, chỉ cái mái tôle và mấy cây cột! Dù là ở đỡ nhưng ba tôi cũng cẩn thận mua bồ bằng tre nứa về dừng xung quanh cho kín đáo, hầu tránh mưa tạt, gió lùa. Đâu được ba tháng sau thì ba tôi may mắn mua được căn phố ngay đầu đường tại ngã tư Piscine và chúng tôi ở cho đến ngày rời khỏi Việt Nam chín năm sau đó.Chồng ở tù, con thơ dại, tôi không vốn liếng để lăn xả ra đời buôn bán. Bây giờ, chỉ con đường duy nhất là xin đi dạy học. Đồng lương ba cọc ba đồng nay thiếu mai hụt, ba tôi buồn rầu vì nhà cửa tiêu tan, sanh bệnh và qua đời một năm sau ngày mất nước.

Ba là cây cột chánh trong nhà, nay người mất đi, chúng tôi thực sự lâm vào cảnh túng quẩn. Chúng tôi đã từng ăn cơm bằng những hột gạo mục độn khoai, có những ngày đói meo vì hết tiền hết gạo.

Cũng vừa lúc đó, chắc là ba tôi đã linh thiêng, xui khiến cho chúng tôi biết được tin tức anh chị Ba tôi. Thật là mừng, anh chị đã thoát khỏi miền Nam trong những ngày khói lửa ngập trời và định cư tại Hoa Kỳ.

Mười năm sau, mẹ con tôi đến Mỹ theo diện đoàn tụ. Lúc đó tôi đang mang thai cháu thứ nhì được gần tám tháng. Hên  cho tôi là sau khi ở Thái Lan một tuần, chúng tôi được  đưa ra trại chuyển tiếp, cho đến ngày đi định cư.  Sau phần khám sức khỏe tổng quát. Tôi lo quá, nếu biết tôi đã mang đứa bé trong bụng gần tám tháng, bắt buộc tôi phải ở lại đảo, chờ sanh xong mới sang Mỹ được Cô y tá người Phi Luật Tân thương tình, chứng nhận trên giấy tờ là tôi mang thai sáu tháng. Nhờ đó mà tôi được rời khỏi đảo. Vậy mà trước ngày đi, tôi vẫn lo lắm. Tôi sợ bị giữ lại thì nguy! Thằng nhỏ lúc đó mơi mười tuổi, nếu ở lại chờ sanh xong mói được đi, thì biết đến bao giờ?

Ông xã tôi không đi vì còn cha già em dại nơi đó. Anh có tất cả mười bốn đứa em còn nhỏ dại.  Nếu  anh đi thì ai lo việc đồng áng, ai lo đỡ đần ba má chồng tôi khi đau yếu đây?

Và rồi chúng tôi đành gạt nước mắt để chia tay. Năm 2003, em gái chồng gọi điện thoại cho tôi hay ông xã tôi đã từ trần sau một cơn bệnh nặng! Thế là duyên vợ chồng của chúng tôi coi như đã gãy gánh nửa chừng!

Gần hai tháng sau ngày đến Mỹ, tôi sanh đã sanh một cháu gái, kháu khỉnh, dễ thương. Cũng như lần sanh đầu tiên bên Việt  Nam, cô y tá Mỹ đặt đứa bé nằm cạnh tôi để được chuyền hơi ấm của mẹ, tôi cảm nhận ngay niềm yêu thương của tình mẫu tử. Tôi nắm từng bàn tay, quan sát từng bộ phận trên thân thể cháu. Tôi sợ lắm, tôi sợ lắm nếu cháu lại phải mang cùng nỗi bất hạnh như tôi. Vừa nắm bàn chân cháu lên, tôi hoảng hốt kêu thật lớn:

-Trời ơi, bác sĩ, làm ơn!

Ông bác sĩ còn đang loay quay cạnh đó, nghe tiếng kêu của tôi, ông vội chạy đến hỏi:

-Chuyện gì đã xây ra cho cô?

-Ông coi nè, tại sao chân con tôi kỳ vậy?

Tôi nắm lấy hai bàn chân nhỏ xíu của đứa con bé bỏng, chỉ cho ông coi. Hai bàn chân đen thui, xấu xí!

Ông bác sĩ vội xoa đầu tôi, cười thật hiền, giọng ôn hoà, trầm tĩnh:

-Ồ, không có gì đâu. Tất cả trẻ con khi mới chào đời, chúng tôi đều cho in dấu chân để làm khai sanh. Một hai ngày sau, sẽ được lau chùi sạch hết. Chúc mừng cô, đây là một bé gái thật xinh đẹp!

Bác sĩ vừa dứt lời, tôi nhắm hai mắt lại. Nước mắt lại lăn dài xuống má tôi, những giọt nước mắt nồng ấm, sung sướng! Con ơi...mẹ mừng lắm! Xin cảm ơn trời Phật đã cho con những đứa con lành lặn!

Những năm dài nơi xứ người, tuy rằng tôi vẫn không xoá đi mặc cảm của người tàn tật nhưng vì bổn phận, trách nhiệm của một người mẹ đơn thân bên hai con nhỏ dại. Tôi đã cố vươn lên, vượt mọi khó khăn để lo cho hai cháu nên người. Với cánh tay tàn phế bên cạnh cánh tay lành lặn, tôi đã làm được những chiếc bánh mừng đám cưới, những bánh sinh nhật, những khúc gỗ Giáng sinh tuyệt vời cùng nhiều loại khác mà người Việt Nam nơi tôi ở rất ưa chuộng. Hầu hết áo quần của tôi và con gái tôi lúc mới chào đời cho đến trước ngày cháu lập gia đình, đều chính tay tôi may cho cháu mặc.

Qua Mỹ một thời gian ngắn, má tôi bị mù hẳn hai mắt. Các anh chị em tôi, đều có gia đình riêng tư. Tôi với chị Năm tôi vẫn độc thân, sống chung với má. Chị bận đi làm, thế nên tôi đảm nhận chuyện chăm sóc má tôi. Vì phải đưa đón các con đi học, thỉnh thoảng má tôi đau phải đi bác sĩ. Tôi quyết định tập lái xe. Nhìn cánh tay tật nguyền của tôi, ai cũng e ngại từ chối, không muốn tập cho tôi, nhưng tôi không nãn lòng. Tôi năn nỉ hết người này đến người nọ. Kết quả, tôi đã được toại nguyện. Và cũng kể từ đó, ngoài việc chở các con đi học, tôi lại làm tài xế cho các cháu nội ngoại của mấy chị tôi đến trường, tôi đưa đón má, chị Hai tôi, chị Năm tôi đi công việc, đi làm, đi bác sĩ .

Những tháng năm còn lại, sức khỏe má tôi suy yếu. Người  chỉ nằm một chỗ trên giường, da bọc xương. Với cánh tay lành lặn cùng sự giúp đỡ của cánh tay tội nghiệp, tôi hằng ngày ẩm má tôi vô nhà tắm, để tắm rửa cho má tôi thật dễ dàng. Lâu lâu, nghỉ lại, tôi giựt mình. Nếu như hồi đó, tôi ham đẹp, nông cạn thiếu nghĩ suy, bỏ đi cánh tay xấu số, chắc chắn ngày giờ này tôi đúng là một phế nhân, không lái xe, không làm bánh, không chăm sóc má tôi lúc tuổi già, mà trái lại, có khi phải làm phiền má và chị em xung quanh tôi.

Những tưởng đã an vui với cuộc sống hiện tại. Dè đâu, một ngày kia, tôi nghe đau cả người, không đi đứng được.

Sau mấy lần thử nghiệm. Kết quả, bác sĩ cho tôi biết tôi bị ung thư xương!

Từ nhà thương, tôi đã một mình khóc sướt mướt. Các con tôi lúc đó đều đang ở xa, một thân , một mình trong bệnh viện, nghe bác sĩ nói, tôi cảm thấy như mình đã bị tuyên án tử hình. Tôi gọi chị Hai, nghẹn ngào, tiếng được tiếng không, nói cho chị nghe. Ba má tôi đã qua đời, anh Ba tôi như một người cha, giúp đỡ chị em chúng tôi mọi mặt. Chị Hai tôi, tánh tình nhân hậu như bà mẹ hiền, luôn ở cận kề bên chúng tôi, cho dù ngày nay các em của chị cũng đã có gia đình riêng tư.

Nghe tôi nói, chị Hai tôi cũng nức nở, từng tiếng một, khuyên lơn, an ủi tôi.

Con trai tôi lúc bấy giờ, là một tiến sĩ y khoa, làm việc ở New York. Nghe tin tôi đau nặng, cháu đã vội bỏ hết để về chăm sóc cho tôi. Sau mấy năm trời, nhờ lòng hiếu thảo của hai con, tôi đã cố gắng đem hết nghị lực để chiến đấu với căn bệnh quái ác này. Nhiều lần muốn ngã gục, muốn đầu hàng vì thuốc men hành không chịu đựng nổi, vì những cơn đau xé thịt. Rồi tôi nhìn lại đứa con gái, đã có gia đình mà vẫn vừa đi học vừa đi làm. Cứ vài ngày phải vượt đường xa cả gần hai trăm miles để đến với tôi, thay cho anh trai đi làm ở toà án tạm thời để trị bệnh cho tôi. Nhìn con trai tôi ngày đêm kề cận, lo từng viên thuốc, miếng ăn. Mùa đông băng giá, tuyết phủ ngập trời, cháu vẫn phải ngày ngày đưa tôi đến bệnh viện...ý chí tôi chợt vùng lên. Tôi quyết cùng các con tôi chiến đấu tới cùng, tôi quyết đánh gục hết những tế bào ung thư quái ác đang đục khoét xương tủy của tôi.

Sự hy sinh của các con, lòng tận tụy của các bác sĩ, y tá cùng lòng nhân của chính phủ đã trợ giúp tôi về mọi phương tiện để tôi có điều kiện chữa trị. Giờ đây, tôi đã khỏi bệnh hẳn, tôi đã sống đời đáng sống, lạc quan. Tôi không còn thỉnh thoảng tủi thân và hay nói:

-Chắc tại kiếp trước tôi cướp của, giết người. Kiếp này trời bắt tôi mang thân tàn tật lại cộng thêm căn bệnh thập tử nhất sinh!

Sau khi tôi lành bệnh, con trai không trở lại việc làm cũ mà chuyển qua học luật.

Ngày nay, hai con tôi, một đứa đã là luật sư làm việc tại toà án của thủ đô tiểu bang tôi ở, một đứa đã tốt nghiệp đại học, đã có chồng con.

Ngẫm nghĩ lại quãng đời đau khổ vì mặc cảm đã qua, bây giờ, tôi đã có cái nhìn khác.

Tôi không còn thấy buồn khổ vì cái tật nguyền của mình nữa. Trái lại, tôi cảm thấy mình thật sự may mắn hơn nhiều người được trời cho lành lặn. Các con tôi đã nên người, tôi còn gì để ao ước?

Sau này, nhờ có face book, tôi bắt đầu tập tành viết lách. Tôi viết để nhớ về quá khứ buồn vui, nói về đời sống hiện tại nơi xứ người. Tôi không biết viết những bài văn trau chuốt bằng lời hay, ý đẹp. Tôi  chỉ dùng lời lẽ mộc mạc để diễn tả những tâm tư, tình cảm của mình mà thôi. Hơn một nắm nay, qua sự khuyến khích của những người quen. Tôi mạnh dạn gởi bài đến toà sạn Việt Báo ở bên California. May mắn thay, tôi được ban chấm giải chọn vào chung kết. Trước ngày đi, tôi cứ nôn nao chờ đợi. Rồi tôi lại ngập ngừng lo lắng! Tôi sợ khi đến đó rồi , tới lúc được kêu trên lên nhận giải thưởng, tôi làm sao đây để che dấu cái tật nguyền của mình trước hàng ngàn người đến tham dự? Hồi hộp, e dè suốt nhiều ngày nay, rốt cuộc thì mọi chuyện cũng qua.

Bây giờ, ngoài việc làm bánh,  trông coi mấy cháu nhỏ, tôi đã có thêm một công việc mới. Công việc mà tôi rất thích, đó là viết bài để trãi lòng, để tự thấy rằng mình cũng không phải là con người vô dụng nữa .

Tôi cũng không buồn giận dì Sáu cũng như chị Tư tôi. Dì Sáu là người được sinh ra ở chốn ruộng đồng, suy nghĩ đơn giản, còn chị Tư tôi, lúc tôi chào đời, chị mới mười hai. Chị nào hiểu được gì. Nếu tôi là chị, chắc chắn tôi cũng sẽ đem dứa em tật nguyền vô dụng đi đỗi, để mang về một đứa trẻ lành lặn mà thôi!

Hôm nay, sắp đến ngày sinh nhật của tôi, tôi viết về nỗi bất hạnh của tôi lên đây nhằm mục đích cảm ơn ba má tôi đã đưa tôi đến cái thế giới này, đã nuôi dạy tôi nên ngươi. Tôi lại càng yêu quý má tôi nhiều hơn nữa.

Má như đoán  được tương lai của tôi. Người  dạy tôi đủ thứ chuyện để mai này, tôi sẽ đem ra mà làm hành trang trong cuộc sống hàng ngày

Mong rằng các bạn nào không may mắn như tôi đừng e dè, mặc cảm nữa nha! Hãy tìm cho mình một hướng đi, có ích cho đời mà cũng đem lại cho mình những niềm vui.

Tôi hay dạy các con tôi:

-Làm người phải biết chấp nhận và vươn lên. Các con đừng nhìn cao mà tủi thân sao mình thua kém họ rồi buông bỏ hết hiện tại, tương lai. Các con hãy nhìn xuống để thấy mình còn hạnh phúc hơn nhiều người gấp bội phần. Hãy vui vẻ mà đón nhận những gì mình đang có các con ơi!

Fort Smith, Jan 2018.

Dong Trinh

No comments:

Post a Comment