Thursday, December 7, 2017

Hoa hẹn ước

Kha Lăng Đa 

Xuân ngồi trên bãi cát trắng, mắt đăm chiêu nhìn ra biển đang dấy động những đợt sóng bạc đầu, nối tiếp nhau xô tấp vô bờ. Bây giờ là mùa gió chướng, mùa biển động. Lòng Xuân đang dào dạt nổi ưu tư, niềm hoài cảm như sóng biển xôn xao vỗ vào bờ dĩ vãng. Đã lâu rồi Xuân mới trở về thăm chốn cũ để tìm lại những kỷ niệm ngày xưa. Rặng thùy dương cao vút , lả ngọn theo gió xa khơi thổi lộng về, hòa tiếng reo rắt vào điệu nhạc trầm của sóng biển. Bên rặng thùy dương, hàng dừa xanh đứng nghiêng mình che nắng cho những cái quán dọc theo bờ cát trắng. Núi vẫn đứ ng sừng sững với vẻ trầm mặc, lạnh lùng trông ra đại dương xa thẳm. Đàn hải điểu chao liệng giữa lưng trời, la đà trên sóng nước. Thuyền ngư phủ thấp thoáng ở phía xa.

Hơn mười lăm năm trước, nơi đây vào những buổi chiều nhạt nắng, Xuân thường cùng Lan nắm tay nhau đi dạo mát dưới rặng thùy dương rậm lá và ngồi trên cát trắng, nhìn vầng dương từ từ chìm xuống biển cả, để lại ráng hồng pha sắc tím ở chân trời tây, in bóng hoàng hôn xuống mặt biển xanh phẳng lặng. Nhiều lần hò hẹn nhau giữa đêm trăng sáng, Xuân và Lan thường ngồi trên ghế bố của quán giải khát bên rặng thùy dương, nhìn mặt biển phản chiếu ánh trăng, lấp lánh một vùng sáng mênh mông, thơ mộng. Những ngày tháng êm đềm với tình yêu chân thật và nồng thắm của tuổi hoa niên đã khuất trong quá khứ xa mờ.

Xuân sống bên bờ di ảnh để tự an ủi mình qua thời gian dài đăng đẳng xa cách người yêu. Sau ngày 30 thang 4 năm 1975, gia đình Lan đã đến được bến bờ tự do ở Phi-Luật-Tân. Xuân rất vui mừng khi được tin tức ấy và tiếc cho mình không được đi chung chuyến vượt biển với Lan. Mẹ của Xuân đã bằng lòng đi tìm tự do với Xuân và gia đình của Lan đã đồng ý cho hai mẹ con cùng đi với họ. Nhưng rủi thay, ngay giữa đêm thuyền tách bến bà bỗng đau nặng phải vào bệnh viện giải phẫu, cắt ruột thừa. Xuân đành ở lại lo săn sóc mẹ. Được tin tức Lan lần đầu tiên rồi bỗng bặt vô âm tín. Vì sinh kế, Xuân phải đưa mẹ rời bỏ Vũng Tàu, về nương náu với người cô ruột ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Nhiều lần Xuân trở về căn nhà cũ đã bán cho người khác để hỏi chủ nhà có thơ của Lan gởi về không, nhưng Xuân thất vọng não nề. Vì hỏi nhiều lần quá nên ông chủ nhà nổi cáu, buông lời khiếm nhã:

- Tôi bảo không có thư từ gì cả mà cậu cứ hỏi hoài như đòi nợ vậy!

Xuân lại hỏi thăm người chủ mới ở nhà Lan, sát cạnh nhà Xuân, người ta cũng không biết một tin tức nào của gia đình Lan. Xuân trở gót, đi thất thểu lang thang trên đường phố. Sự tuyệt vọng khiến Xuân đau nhói trong tim, lệ trào ra khóe mắt. Chợt Xuân nhớ tới giáo xứ cũ, một tia sáng hy vọng lóe lên giữa hồn Xuân như ánh chớp trong đêm mưa tầm tã, soi sáng cho kẻ tìm đường. Xuân phấn khởi bước nhanh đến giáo đường năm xưa, gặp Cha Xứ để hỏi thăm, may ra Lan có gởi thư về nhờ Cha thăm dò tin tức của mẹ con Xuân. Nhưng Cha Xứ trả lời không có. Xuân lại trở về Sài Gòn tiếp tục vật lộn với manh áo, chén cơm giữa cái xã hội bon chen, đầy giả dối điêu ngoa.

Đã hơn mười năm rồi, Xuân mang nặng nỗi nhớ thương Lan. Không biết nơi hải ngoại, Lan có còn ấp ủ những kỷ niệm êm đẹp hay đã có người yêu mới, xóa bỏ chuyện tình hoa mộng ngày xưa. Xuân nhớ đến đêm Giáng Sinh năm ấy, sau lễ nửa đêm, Xuân dìu Lan đi dạo một khoảng đường trên bãi biển trước khi về nhà, ngồi trên chiếc băng đá dưới gốc cây bàng cổ thụ, nhìn trời sao lấp lánh, Xuân và Lan cùng đắp xây mộng ước tương lai. Lan đã lấy chiếc khăn trắng có thêu hình mấy cánh lan màu tím để trói tay trái của Xuân vào cánh tay phải của Lan rồi âu yếm nói:

- Em trói anh mãi mãi ở bên em, không bao giờ chúng mình xa cách, nha anh! Xuân vuốt mái tóc thề phủ bờ vai Lan:

- Anh sẽ giữ vẹn tình yêu chung thủy với em.

Bây giờ đã muôn trùng cách biệt, làm sao trói buộc được nhau. Thời gian là liều thuốc nhiệm mầu cho những người muốn tìm sự quên lãng nhưng nó ác nghiệt cho hai kẻ nhớ thương nhau mà không được gần nhau. Xuân thở dài, đứng dậy đi thơ thẩn dưới ngọn thùy dương. Gió thổi lộng. Lá dương khô rơi lả tả trên áo Xuân. Xuân đến bên một gốc thùy dương quen thuộc mà ngày trước Xuân đã dùng cái đục sắc bén khắc tên Xuân và Lan vào phần gỗ của cây ấy. Nay, nét chữ vẫn còn in hằn dù da cây đã phục hồi chung quanh vết đục. Xuân trân trọng dùng ngón tay trỏ đồ lại hai chữ Xuân Lan với nỗi thương nhớ ngập lòng. Xuân đứng tựa gốc thùy dương, nhìn sóng bủa vào bờ, nổi bọt biển trắng xóa chạy dài theo ven cát mịn. Xuân lại nhớ bóng dáng Lan đẹp thướt tha trong chiếc áo dài trắng mỗi sáng đến trường.

Những ngày Chúa Nhật, Lan thường mặc chiếc áo dài màu thiên thanh đi lễ. Mái trường cũ nằm bên hông giáo đường với nhiều cây cao, bóng mát, sân cỏ xanh rộng thênh thang. Giờ ra chơi, Xuân và Lan thường cùng bạn bè đến ngồi bên thềm đá của nhà thờ, chuyện trò vui vẻ. Có khi Xuân và Lan trốn bạn bè, vào quì bên nhau ở một gốc nhà thờ, đọc vài kinh cầu nguyện. Từ trường học ra biển chỉ qua một quãng đường không đầy nửa cây số dưới những hàng cây cổ thụ cành lá giao nhau. Những ngày đẹp trời, sau giờ tan học, Xuân và Lan hay rủ nhau đạp xe ra biển giải khát rồi cùng về nhà. Nhà Xuân và nhà Lan ở Xóm Vườn, nằm cạnh nhau chỉ ngăn cách bởi hàng rào cây chùm nụm. Cha Xuân và cha Lan là đôi bạn tri kỷ, thân nhau hồi còn đi học cho đến lúc ra đời, lập gia đình vẫn sống gần nhau. Cha của Xuân là một sĩ quan của một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến, còn cha Lan là một công chức. Nhà Lan trồng rất nhiều hoa lan. Có lẻ, cha Lan thích loài hoa ấy nên đặt tên cho đứa con gái đầu lòng là Lan.

Lan có hai đứa em trai hiền hậu dễ thương. Xuân là đứa con trai độc nhứt trong gia đình. Xuân và Lan mến thương nhau từ thuở mới lên bốn, lên năm. Vào những ngày gần Tết, hoa lan đua nở xinh tươi dưới nắng ban mai hiền dịu. Lan thường rủ Xuân dạo chơi trong vườn, nhìn đàn bướm màu sặc sỡ vờn quanh những chùm hoa lan mới nở. Có lần, Lan đòi Xuân hái hoa lan tím cài lên mái tóc vừa chấm ngang vai của Lan để Lan làm cô dâu đi bên cạnh Xuân, chú rể tí hon. Lan đã tưởng tượng ra một chuyện thần tiên và kể cho Xuân nghe:

- Ngày xưa, Xuân với Lan là Tiên Đồng và Ngọc Nữ ở trên trời. Một hôm đi chơi trong vườn thượng uyển, Xuân hái hoa để cài lên mái tóc của Lan bị Ngọc Hoàng bắt được nên đày Xuân và Lan xuống trần gian.

Tuổi thơ nhiều mơ mộng, Xuân say mê nghe Lan kể tưởng như chuyện có thật và về khoe với mẹ:

- Mẹ ơi! Em Lan nói hồi xưa con là Tiên Đồng ở trên trời đó mẹ.

Đến khi Xuân và Lan vừa biết yêu nhau thì cha Xuân bị tử thương trong một trận giao tranh ác liệt với Cộng quân, bỏ lại Xuân và mẹ hiền chít vành khăn tang, sống trong cảnh mẹ góa, con côi. Xuân gắng gượng đi học năm cuối cùng của cấp Trung học thì đất nước Việt Nam lọt vào tay Cộng Sản.

Xuân đau đớn cắt đứt dòng tư tưởng, đi bách bộ lên phía giáo đường năm cũ với ý định cầu may, hỏi thăm Cha có thơ gì của gia đình Lan gởi về giáo xứ không. Khi gặp Cha Xứ, Xuân lại thất vọng vì sự bặt tin của gia đình Lan. Xuân dâng lên Cha Xứ một cánh thiệp chúc mừng Giáng Sinh vì chỉ còn năm hôm nữa là đến ngày lễ trọng đại, và một số tiền cầu nguyện cho gia đình Lan được bình an. Trở về với cảnh phồn hoa náo nhiệt của Sài Gòn, Xuân thấy chán nản trong cái nghề bất đắc dĩ của mình để nuôi mẹ sống qua ngày.

Xuân có người bạn cũ, xuất thân từ trường Mỹ Nghệ, chuyên nghề tạc tượng. Nay, nghề ấy khó sống, anh ta chuyển qua nghề trùng tu đền miếu. Biết Xuân có năng khiếu thẩm mỹ, anh ta mời Xuân cộng tác để làm ăn. Không ngờ cái nghề mà Xuân không thích mấy lại moi ra nhiều tiền. Nhờ vậy, sự sống của mẹ con Xuân khá đầy đủ. Xuân còn có thêm nghề dạy kèm học trò mỗi tối. Thì giờ rỗi, Xuân lo chăm sóc những chậu hoa lan trước sân nhà. Xuân tâng tiu nhất là cây ngọc lan trổ hoa vàng vào mùa xuân. Hoa nở ban đêm, hương thơm theo gió lan đến những nhà lân cận. Thú vui và nguồn an ủi của Xuân là sự chăm bón loài hoa biểu tượng của Lan.

Có một lần Xuân bị sốt mấy ngày liền. Đêm ấy, trong cơn sốt mê man, Xuân nằm mộng thấy hoa lan của mình trồng bị nắng gay gắt làm héo rụi cả. Xuân giật mình tỉnh giấc, vội vã chạy ra sân nhưng vì sức yếu qua mấy ngày bệnh hoạn, Xuân bị té xỉu trước thềm nhà. Mẹ Xuân thức giấc, đỡ Xuân dậy, lo sợ, hỏi Xuân:

Có sao không con? Con bịnh chưa hết mà mở cửa, đi ra ngoài làm chi vậy? Xuân mệt nhọc nói:

- Thưa mẹ, hoa lan của con trồng bị nắng héo hết rồi, mẹ xem thử đi mẹ.

Mẹ Xuân nhìn những chậu hoa lan, cành lá ướt sương loang loáng ánh trăng khuya, dịu dàng nói:

- Con bị mê sảng rồi. Hồi chiều mẹ đã tưới nước cho những chậu hoa và cây ngọc lan. Hoa vẫn tươi thắm, con nhìn đi.

Xuân vui mừng khi thấy những chậu hoa lan không héo rũ như trong giấc mộng. Hương hoa ngọc lan thoang thoảng trong gió lạnh canh khuya. Những ngày Chúa Nhật, cùng mẹ và cô đến nhà thờ Fatima trong bầu không khí đón chờ lễ Giáng Sinh, Xuân lại càng nhớ Lan trong những mùa Giáng Sinh năm cũ. Xuân luôn ấp ủ những kỷ niệm ngọc ngà hơn người ta cất giữ bạc vàng, châu báu. Nhớ lại chuyện Tiên Đồng, Ngọc Nữ mà Lan đã kể cho Xuân nghe, chàng ngậm ngùi, đau xót. Phải chăng câu chuyện tưởng tượng của Lan lúc còn thơ ngây nay đã trở thành sự thật. Xuân và Lan có khác chi Tiên Đồng và Ngọc Nữ bị trời đày xuống trần gian, sống cách biệt nhớ thương nhau ở hai phương trời xa thẳm. Ngưu Lang, Chức Nữ ngày xưa cũng bị trời đày, ở hai bờ ngân hà nhưng mỗi năm còn được ân huệ gặp nhau vào đêm thất tịch, nhờ đàn ô thước bắt cầu, còn Xuân và Lan đã hơn mười lăm năm nhung nhớ mỏi mòn mà chưa một lần gặp mặt nhau. Xuân chỉ còn biết cầu nguyện ngày đêm cho mình được gặp lại Lan.

Trong một buổi chiều đi làm về, vừa đến sân nhà, Xuân đứng ngắm những chậu hoa lan. Chợt thấy trong nhà có một thiếu nữ với mái tóc thề óng ả, mặc áo dài thiên thanh đang ngồi nói chuyện với cô và mẹ Xuân. Xuân nhìn vóc dáng cô gái kia sao giống Lan quá. Tim Xuân bắt đầu đập nhanh, đập mạnh. Xuân vội bước vô nhà thì người con gái kia đứng dậy hớn hở gọi:

- Anh Xuân!

Xuân nhận ra Lan trong nỗi mừng, xúc cảm. Hai người bước tới, ôm chầm lấy nhau mà khóc. Mẹ và cô của Xuân cũng rươm rướm nước mắt. Mẹ Xuân nói:

- Hai con ở đây tâm sự với nhau, mẹ và cô đi nấu cơm chiều.

Còn lại hai người, Xuân và Lan trao nhau nụ hôn ướt lệ đọng của hơn mười lăm năm xa cách, nhớ thương. Xuân lấy khăn tay kỷ niệm có thêu hình hoa lan, lau lệ cho người yêu. Lan hỏi:

- Anh vẫn còn giữ chiếc khăn của em?

Xuân vuốt tóc Lan:
- Anh luôn giữ nó bên mình như một vật hộ thân. Chiếc khăn này em đã trói tay anh đó, em có nhớ không em?

- Không bao giờ em quên được. Có lẽ nhờ vậy mà em không bị mất anh.

- Rõ ràng em đã trói được anh. Còn em, anh tưởng mất em rồi, nào ngờ hôm nay mình còn gặp lại.

Như nhớ ra điều gì, Xuân nhìn Lan dò xét:
- Anh vội mừng mà quên hỏi, em đã lập gia đình hay chưa?

Hiểu được nỗi lòng của Xuân, Lan cười nói:
- Gặp lại em trong thời gian khá dài, chắc anh cũng băn khoăn nghĩ ngợi. Em chỉ yêu anh mà thôi như ngày xưa chúng mình đã thề nguyện với nhau. Em đã gởi thơ cho anh ở địa chỉ cũ ở Vũng Tàu, trông chờ mãi mà không thấy anh hồi âm. Em lại gởi thơ về giáo xứ để hỏi thăm tin tức của anh và bác gái nhưng cũng không được thư trả lời của Cha Xứ. Em buồn, nhớ anh mà khóc chớ không biết làm sao.

Xuân cảm động cầm tay Lan:
- Sao em biết anh ở đây mà tìm đến.

Em về nhà cũ hỏi thăm, người ta nói anh và bác đã về Sài Gòn ở lâu lắm rồi. Em đến giáo xứ gặp Cha thì may mắn thay, Cha cho biết anh vừa ghé thăm và hỏi tin tức gia đình em. Cha cho em biết địa chỉ mà anh đã viết trên cái thiệp gởi cho Cha.

Lan cho biết gia đình Lan đang sống ở tiểu bang Missouri, thuộc miền Trung Tây nước Mỹ. Lan đã đỗ đạt, thành danh, lo làm việc nuôi hai đứa em trai ăn học. Nay chúng đã tốt nghiệp Đại học. Lan xin phép cha về lại Việt Nam thăm người yêu. Nếu Xuân còn giữ tình yêu như lời hẹn ước thì Lan sẽ đi đến hôn nhân với Xuân. Lan cũng hỏi Xuân, nữa đùa nữa thật:

Còn anh có ý định cưới cô nào chưa? Xuân tươi cười, trả lời:
- Có chứ, anh định cưới cô. . . Lan!

- Thật không?

- Thật một trăm phần trăm!

- Em rất vui mừng có được người yêu chung thủy như anh.

- Anh cũng vậy. Thật không ngờ Ngọc Nữ vẫn còn yêu Tiên Đồng.

Xuân sắp đặt chương trình mừng lễ Giáng Sinh. Xuân sẽ dâng lễ tạ ơn Đức Mẹ đã nhận lời cầu nguyện của Xuân. Gia đình sẽ mở tiệc mừng lễ Giáng Sinh sau khi đi lễ về, và Xuân sẽ mời những người bạn thân đến chung vui. Lan muốn cùng Xuân trở về thăm xứ biển năm xưa sau lễ Giáng Sinh để sống lại những kỷ niệm êm đẹp bên cạnh người hẹn ước trăm năm.

Tình yêu chân thật, thủy chung của Xuân, Lan đã vượt không gian và thời gian. Cách biệt nhau hơn nữa vòng trái đất, hơn mười lăm năm qua mà đôi lòng vẫn không quên lời ước hẹn. Lời ước hẹn đẹp như mùa xuân bất tận cho hoa lan nở mãi không tàn. 

Kha Lăng Đa
(Hoa Huệ Trắng)

No comments:

Post a Comment