Tuesday, October 10, 2017

Bình đẳng và huynh đệ



Image result for hugh hefner photos

Hugh Hefner, người sáng lập tạp chí Playboy nổi tiếng của Mỹ, đã qua đời hôm 27 tháng Chín 2017 vừa qua, hưởng thọ 91 tuổi, để lại người vợ thứ ba chỉ mới 31 tuổi.

Tôi chỉ bắt đầu nghe nói tới tạp chí Playboy kể từ khi quân đội Mỹ ào ạt đổ vào Việt Nam. Chỉ nghe thôi, chớ đọc hay nhìn hoặc ngay cả cầm trên tay nguyên một tờ báo thì không bao giờ. Thời đó, tức giữa thập niên 1960, nói đến văn hóa Mỹ là phải nói đến Playboy. Văn hóa Mỹ xâm nhập vào Việt Nam, Playboy cũng len lỏi vào Việt Nam. Thật ra, được bày bán trong các tiệm sách hoặc ngay cả trên các vỉa hè, có lẽ Playboy chưa có được vinh dự ấy trong xã hội truyền thống của Việt Nam. Nhưng xuyên qua dân “làm sở Mỹ” và nhứt là những người làm “bồi phòng”, Playboy được chuyền đến tay người Việt Nam và được xem như một sản phẩm văn hóa quý hiếm.
Thời đó, được nhào nặn theo truyền thống “nhà đạo” vốn xem tính dục như “chỗ dơ dáy” hay thứ hang hùm chớ mó tới, tôi xem tất cả những gì có liên quan đến cơ phận thầm kín của con người là “đồ xấu xa”. Lúc bấy giờ, tôi chưa biết đến kiểu nói “văn hóa đồi trụy” của mấy ông Việt Cộng. Tình cờ hoặc do xúi bẫy của bạn bè, lỡ liếc nhìn vào một vài trang của Playboy, mặt mày của người thanh niên như tôi đỏ lên như thể bị bắt quả tang ăn vụng hay làm điều “tội lỗi”. Ngay cả vào những năm gần cuối thập niên 1960, khi nhà trí thức công giáo Nguyễn Văn Trung tung ra hai quả bom là hai cuốn sách có tựa đề “Ca tụng thân xác” và “Ngôn ngữ và Thân xác”, cái đầu “trong trắng” của tôi cũng vẫn chưa làm quen được với ý nghĩa đích thực của tính dục. Với tôi lúc đó, tính dục vẫn mãi mãi là “đồ dơ dáy”. 
Mãi cho đến khi đi tỵ nạn ở Pháp vào đầu thập niên 1980, được một số bạn thanh niên dắt đến các hồ tắm công cộng hay ra các bãi biển để “rửa mắt”, tôi mới được “rửa tội” lại để không còn phải đỏ mặt hay lúng túng khi phải chiêm ngắm những tấm thân “tươi mát” xuất hiện trước mặt mình một cách đầy thách thức. Mắt của tôi đã bắt đầu được miễn nhiễm khi bước vào các tiệm sách hay sạp báo ở các vỉa hè hoặc ngay cả khi phải đi ngang những khu phố dành riêng cho “người lớn”, nơi đó bên cạnh Playboy là vô số những tờ báo của mẫu quốc đầy dẫy hình ảnh của những “người nghèo mới” không có đủ vải để che thân!
Tôi là dân của một nước chậm tiến cho nên đầu óc tôi cũng chậm tiến, nhứt là về vấn đề tính dục. Phong trào thường được gọi là “cuộc cách mạng tình dục” hay “giải phóng tình dục” đã phát sinh tại Hoa Kỳ và lan rộng đến cả thế giới từ thập niên 1960. Với sự bùng nổ các phương tiện ngừa thai, phong trào này đã thách thức những chuẩn mực truyền thống về tính dục và dĩ nhiên cũng đã ít hay nhiều góp phần “giải phóng” phụ nữ. Một cách nào đó, người phụ nữ đã được giải phóng khỏi rất nhiều ràng buộc gắn liền với tính dục và từ cuộc giải phóng tình dục, người phụ nữ cũng hưởng được nhiều quyền tự do hơn mà trước đó họ không bao giờ biết đến.
Tôi không biết người sáng lập tạp chí Playboy có thật sự đóng góp cho cuộc “cách mạng tình dục”và nhứt là giải phóng phụ nữ không. Mới đây, khi ông vừa nằm xuống, nhiều người đã không tiếc lời để đưa ông lên hàng “thần tượng” (icon) và gọi ông là người đã khởi xướng cuộc cách mạng tình dục và giải phóng phụ nữ. Nhưng nhìn vào hình tượng của một người đàn ông lúc nào cũng có các kiều nữ “tươi mát” bao quanh, tôi thấy mình không cách nào bị thuyết phục về danh dự người ta dành cho ông.
Nữ ký giả Shelly Horton, chủ biên của mục “Life & Style” của báo The Sydney Morning Herald đã có một cái nhìn hoàn toàn khác về người sáng lập tạp chí Playboy. Nữ ký giả này nhận định: “Nếu hôm qua (tức ngày 27 tháng Chín vừa qua) các bạn hỏi tôi nghĩ gì về ông (Hugh Hefner), tôi sẽ nói một cách đơn giản điều tôi nghĩ là: ông ta là một kẻ miệt thị đàn bà; ông đã kiếm lợi bằng cách khai thác phụ nữ một cách chuyên nghiệp và cho cá nhân ông.”
Theo Horton, Hefner là người đã làm giàu và đạt được tiếng tăm khắp thế giới bằng cách đưa những người đàn bà đẹp ăn mặc hở hang hay ngay cả trần truồng lên thị trường như những sản phẩm để mua bán. Ký giả Horton trích dẫn một cuộc phỏng vấn hồi năm 1967 qua đó người sáng lập tạp chí Playboy tuyên bố rằng phụ nữ đẹp cũng giống như một con thỏ: vừa nhút nhát, vừa linh động, vừa gợi dục. Tựu trung, với ông, phụ nữ đẹp chẳng khác nào một món đồ chơi.
Theo ký giả Horton, chính Hefner đã từng huênh hoang rằng ông đã ăn nằm với “hàng ngàn phụ nữ”.
Chuyện xảy ra trong biệt thự Playboy Mansion của ông thì vô số kể. Hai người phụ nữ song sinh người Anh là Carla và Melissa Howe là những người đã từng hẹn hò với ông cách đây vài năm. Hai người phụ nữ này cho biết họ đã nghe kể rằng ông đã từng giữ một lúc đến 16 cô gái trong biệt thự của ông và một khi đã chán chê, ông đã chuyền tay cho một người đàn ông khác.
Biệt thự Playboy của ông Hefner chẳng khác nào một hang động kín đáo: máy quay phim được cài đặt khắp nơi, tất cả mọi điện thoại đều được nghe lén. Theo ông Stefen Tetenbaum, người đã từng làm “bồi phòng” cho ông Hefner trong 2 năm 1978 và 1979, khách mời đến biệt thự không được phép tiếp xúc với các kiều nữ trong biệt thự. Không có bất cứ phó nhòm săn ảnh nào hoặc thám tử tư nào được lọt vào biệt thự. Người sáng lập Playboy luôn luôn thu hình các cuộc gặp gỡ của ông với người khác. Ông có 2 máy quay phim đặt ở đầu giường và những màn ảnh rộng trong phòng ngủ. Tất cả những cuộc “ăn chơi” đều được thu hình. Người có nhiệm vụ cất giữ những băng hình này cho biết ông Hefner dùng chúng để chống lại bất cứ cộng sự viên hay khách mời nào dám đe dọa viết hồi ký về ông hay biệt thự của ông.
Theo ông Tetenbaun, những cuộc “ăn chơi” trác táng của ông Hefner thường được gọi là những “Đêm con heo” (Pig Nights). Đó là những cuộc truy hoan về đêm mà một người như tôi nghe đến chỉ muốn nôn mửa mà thôi.
Riêng về quan hệ của ông Hefner với một người “bồi phòng” như ông Tetenbaun, ông này nói rằng ông chủ của Playboy “không phải là một người tử tế. Nếu ông nếm nước ngọt Pepsi mà thấy nó không đủ lạnh, ông ném đi và bảo tôi phải thay thế bằng một ly khác. Tôi không biết ông ta có bao giờ biết tôi tên gì không. Ông chỉ gọi tôi là tên “bồi phòng”. Theo ông Tetenbaun, ông Hefner tỏ ra rất vũ phu đối với các bạn gái và bạn tình của ông… Ông không chấp nhận những người phụ nữ không có ngực lớn. Nếu các phụ nữ không chịu bơm ngực cho vừa ý ông, ông liền tống cổ họ vào bệnh viện và sa thải họ. Ông Tetenbaun nói rằng đối với ông Hefner, phụ nữ chỉ là những món đồ chơi, không xài được nữa thì ném đi (x. http://www. news. com. au/entertainment/celebrity-life/celebrities-gone-bad/hefners-former-valet-reflects-on-pig-nights-with-hookers-and-hef/news).
Với những thâm cung bí sử từ ngôi biệt thự Playboy của ông Hefner vừa được tiết lộ, tôi cho rằng có thể ông đã góp phần đẩy mạnh cuộc “cách mạng tình dục”, nhưng không hề là một người giải phóng phụ nữ. Thật ra, “giải phóng” lúc nào cũng là một từ hàm hồ. Chả có nơi nào từ này được sử dụng nhiều cho bằng trong các nước cộng sản. Mấy ông cộng sản Việt Nam lúc nào mà chẳng tự hào về cuộc giải phóng mà họ đã thực hiện bằng bạo lực và hệ quả chỉ là nô lệ, áp bức và nghèo nàn lạc hậu. Khi hậu quả của một cuộc giải phóng là phẩm giá của con người bị khinh miệt và chà đạp thì không thể xem đó là một cuộc giải phóng.
Khi tôi viết đến đây thì Hoa Kỳ lại trải qua một thảm kịch khủng khiếp nữa. Vẫn là nan đề của chuyện súng ống. 59 người chết, trên 500 người bị thương. Kể từ năm 1949, đây là cuộc thảm sát gây nhiều tử vong nhứt trong lịch sử Mỹ. Các cơ quan điều tra vẫn chưa cho biết động lực nào đã thúc đẩy kẻ sát nhân, một người da trắng giàu có, đã hành động như thế. Chỉ biết rằng kẻ giết người hàng loạt này đã có cả một kho vũ khí đủ loại và đã chuẩn bị rất kỹ trước khi ra tay hành động. Vào thập niên 1960, tôi đã đồng hóa văn hóa Mỹ với Playboy. Nay cứ nói đến Mỹ thì tôi lại liên tưởng đến súng đạn. Nghĩ như thế cũng phải thôi, bởi vì tính đổ đồng, mỗi công dân Mỹ có ít nhứt một khẩu súng. Ai muốn có súng cũng được.
Cuộc thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook, thành phố Newtown, Tiểu bang Connecticut tháng 12 năm 2012 khiến cho 20 trẻ em và 6 giáo viên bị thiệt mạng đã không đánh động lương tâm của các chính trị gia đủ để thông qua luật kiểm soát súng ống. Kế đó, Quốc hội cũng chẳng làm gì sau khi một người thanh niên da trắng đã xông vào một giáo đường để sát hại một số tín đồ da đen đang thờ phượng tại Charleston, Tiểu bang South Carolina. Những giọt nước mắt của Tổng thống Barack Obama cũng chẳng thấm vào đâu để thúc đẩy Quốc hội thông qua luật kiểm soát khí giới cá nhân. Cũng chẳng có chút thay đổi nào ngay cả sau khi có đến 2 dân biểu bị bắn trọng thương. Dĩ nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người Mỹ muốn có những luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn. Nhưng cho tới nay đương kim Tổng thống Donald Trump vẫn cứ giữ vững lập trường duy trì Tu chính án thứ 2 cho phép và khuyến khích quyền được mang súng của công dân Mỹ. Dạo tháng Tư vừa qua, khi nói chuyện với các thành viên của Hội có súng (National Rifle Association), ông đã cam kết sẽ bảo vệ cho đến cùng quyền được cầm súng của cá nhân.
Trong 2 nhiệm kỳ 8 năm của ông, Tổng thống Obama đã phải đối diện với không biết bao nhiêu cuộc thảm sát bằng võ khí cá nhân. Lần nào ông cũng gọi đó là một thứ “thông lệ” (routine). Chuyện bắn giết bằng súng đạn trong xã hội Mỹ ngày nay xem ra chẳng khác nào chuyện xảy ra trong các phim cao bồi một thời ở miền Viễn Tây: cứ có xích mích một chút là rút súng ra giải quyết; buồn tình chẳng biết làm gì, người ta cũng rút súng ra giải sầu. Chuyện bắn giết nhau diễn ra chẳng khác nào một trò chơi và dĩ nhiên trong trò chơi, mạng người và phẩm giá con người cũng chỉ còn là một món đồ chơi và đồ chơi rẻ mạt!
Tuần qua, tôi có xem chương trình “48 hours” (48 tiếng đồng hồ) trên đài số 10. Câu chuyện có thật xảy ra cách đây 2 năm tại Tiểu bang California được ghi lại trong chương trình là một vụ thảm sát trong đó một thanh niên 19 tuổi đã dùng súng sát hại cha mẹ và làm thương tích một đứa em nhỏ. Người mẹ là một triệu phú. Nhưng giết cha mẹ để chiếm đoạt tài sản không phải là động lực thúc đẩy người thanh niên ra tay. Căm thù cũng chẳng phải là nguyên nhân khiến cậu phạm tội ác. Cuộc điều tra cho thấy trước đó người thiếu niên đã say mê và bị ám ảnh bởi một vụ bắn giết tương tự. Cậu đã làm một bài luận văn xuất sắc về vụ thảm sát này. Người thanh niên có lẽ đã muốn dàn dựng lại câu chuyện như thể một trò chơi và cha mẹ cậu đã được chọn làm vật tế thần trong trò chơi ấy.
Từ chuyện của người sáng lập tạp chí Playboy đến vụ thảm sát mới đây tại Las Vegas, tôi nghĩ đến phẩm giá con người và sự bình đẳng. Một sự bình đẳng đích thực chỉ có được thể xây dựng trên ý thức về phẩm giá con người. Nhưng phẩm giá con người và bình đẳng sẽ chỉ là những ý niệm mơ hồ và trống rỗng, nếu không có tình huynh đệ. 
Những nhà cách mạng Pháp hồi năm 1789 đã có lý để thêm hai chữ “huynh đệ” vào khẩu hiệu “Tự do và Bình đẳng”. Nghĩ cho cùng, nếu tôi nhìn người khác như người anh em của tôi thì liệu tôi có xem họ như một món đồ chơi hay một sự vật để sử dụng, miệt thị và vứt bỏ không tiếc thương không?
Chu Thập

No comments:

Post a Comment