BUỒN VUI KHO ĐẠN
TRẦN QUÝ TRÂM
Ai ở Đà Nẵng chắc cũng biết địa danh Kho Đạn. Thời kỳ Tây, kho dùng để chứa đạn, thời kỳ VNCH và sau này dùng để nhốt tù. Kho Đạn nắm trước mặt chợ Cồn, xung quanh là một bức thành kiên cố, chằng chịt dây kẻm gai, công an canh gác cẩn mật ngày đêm, ai yếu bóng vía đi ngang qua, nhất là ban đêm đều rợc tóc gáy. TrạI giam chia làm nhiều khu, khu B thuộc về hình sự. Trong phòng chu vi độ 4 mét vuông, hai bên là hai bục xi măng thay giường nằm, trời lạnh thì thấu xương, trời nắng, nhất là với cái nắng ác nghiệp của mùa hè Đà Nẳng thì mình như ở trong thùng chứa hàng bằng sắt Conex, mồ hôi mồ kê cứ thế mà nhể nhải.
Sau 1975, tôi xông đại vô Bệnh Viện Đà Nẳng làm việc độ một năm rồi mới bị bắt. Lần này khác với lần đi trình diện cải tạo ngày 30 tháng 4, chỉ có tập trung rồi lên xe đưa đến cải tạo ở các trại. Ngày tôi bị bắt, khoảng 30 công an đổ xe tới, vây quanh nhà. Một công an chỉa súng vào tôi và bắt tôi đứng im. Một công an khác đọc lệnh bắt. Tôi ngơ ngác, không biết mình bị bắt về tội gì. Cũng có thể vì mình khám chui không xin phép. Hay vì tôi “thiến”- vasectomy- hàng ngày quá nhiều, sai chánh sách nên bị bắt. Trước khi bị còng tay, giải ra xe, tôi xin phép công an bồng bé Dung, con gái út của tôi mới hai tuổi. Tôi bồng độ một phút, rồi nắm tay vợ tôi nghẹn ngào.
Chuyến này đi có vẻ dữ hơn lành. Tôi đinh ninh đi học tập chắc tối đa cũng vài tuần, rồi sẽ trở về. Nên trong balô tôi đem giấy bút và cả mấy quyến sách triết lý Mác-Lê nữa trời. Công an dẫn tôi ra xe, rồi chở tôi vô Kho Đạn. Tôi ngao ngán nhìn quanh đường, nào phố xá, chợ búa thật tiêu điều. Sao số phận mình quá hẩm hiu! Tôi là người ở lại làm việc không biết mệt mỏi trong hơn một năm trời. Chẩn bệnh- Mổ xẻ liên tục- Chưa bao giờ cảm thấy mình lầm lổi một điều gì. Thế mà, ngày hôm nay, ngồi trong xe tù, hai tay bị còng. Thật tình chẳng biết mình bị tội gì ?!
Vô trại giam Kho Đạn, việc trước tiên là qua khâu gặp bà Giám Thị Trưởng. Bà này, sau khi lục tung các đồ dùng trong balô của tôi, nào mì gói, đường, muối… Bà thấy tôi đem sách vở nhiều, bà hỏi: “Anh đem sách vở làm gì mà nhiều thế?”. Tôi trả lời: “Tôi đi học tập, một vài tuần rồi cũng về”. Bà nói : “Các anh này ngây thơ quá! Anh đi ở tù rồi đấy nhé, đem mấy thứ đó về đi”.
Vì hết phòng, tôi được đẩy vô phòng số 11. Phòng này nổi tiếng về kỷ luật sắt. Thành phần tù được coi như là nguy hiểm về hình sự, đa số trốn trại cũng 5, 7 lần. Đi qua các phòng, tôi thấy các anh như BS Thái Thanh, BS Châu (khoa nội), BS Hậu (tai, mũi, họng) và nhiều người quen nữa. Các anh quần áo xốc xếch, vẻ mặt bơ phờ, đang đu lên các thanh sắt của khung cửa sổ, chẳng khác gì mấy chú khỉ trong sở thú. Các anh bị bắt trước tôi một ngày. Tôi đặt chiếc balô trên sân xi măng ngao ngán nhìn quanh. Thật là một cảnh tượng hãi hùng. Hàng mấy chục người ở truồng, người ghẻ lở mùi hôi không thể tưởng tượng nổi. Đó là những bộ xương biết đi, chỉ có hai con mắt là mở to sáng rực.
Chúng nhìn tôi trừng trừng: “Ê, lính mới hả? Có đường cho tụi tao không? Cất dấu? biết tay tụi tao!? Rồi chúng xông lại, lục lọi balô tôi vung vãi. Một tên tìm được bịch đường, cười lên hô hố rồi bỏ mấy miếng đường vô miệng nhai ngấu nghiến. Đúng là mình sa vào địa ngục mà chúng nó là lủ quỷ đói. Có đứa moi ra nào sách vở, giấy bút… nó cười lên hăng hắc. “Bộ ông anh, đem sách vở vào tù để dạy tụi tôi học à?” Tôi ngây thơ: “ Dạ, họ cho tôi vô đây học độ một tuần rồi về”. Cả bọn cười ồ lên: "À, nó đi ở tù mà không biết”. May mắn cho tôi, trong đám quỷ sống đó, có một tên mặt mày đanh ác, ốm tong teo, thân hình ghẻ lở có nhiều vết xăm loang lổ.
Hắn nhìn tôi trừng trừng: “Ai như BS Trâm phải không?” Tôi nói phải. Hắn rú lên: “Trời ơi! Ông Thầy của tao đây rồi. Sao ông Thầy cũng bị bắt vô đây. Tội chi rứa? Em là lính của ông Thầy đây. Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân ở Thượng Đức đó. Thầy nhớ không: bữa đó em bị thương lòi ruột. Ông Thầy mổ cứu em đó”. Tôi nói với hắn: “Tôi là Y Sĩ Trưởng Liên Đoàn. Tôi đi làm Bệnh Viện một năm rồi bị bắt vô đây”. Hồi nãy bà Quản Giáo trại có hỏi tôi can tội gì trước khi bà lăn tay, chụp hình va phát áo quần tù cho tôi. Tôi có trả lời “Tôi không biết”. Bà hỏi thêm: “Vậy anh cấp bậc gì?”- Tôi là Thiếu Tá, nhưng lon chưa về- nên tôi trả lời: “Dạ, Đại úy Bác Sĩ”. Bà ta nói: “Thế à?! Là đủ đi tù rồi đấy nhé. Làm Bác Sĩ mà cũng lên Đại Úy nữa!! Tù dài dài cưng nhé!!”
Tên Đại Bàng, lính của tôi, quay qua đám thủ hạ nói: “Đây là Ông Thầy của tao! Tụi bây lớ xớ, tao đánh bỏ mẹ. Nghe không!” Cả bọn nhìn tôi im thin thít. Thực ra, có lẽ vì tôi ở hiền gặp lành, nên lúc nào cũng gặp hên. Như lúc hành quân Hạ Lào, tôi ngồi trên cái mũ sắt trong một phi vụ tải thương của trực thăng Mỹ, viên đạn ở dưới đất bắn lên xuyên thủng cái mũ sắc mà tôi không hề hấn gì. Đến khi vô Kho Đạn lại có Đại Bàng che chở. Nhưng chưa hết, tôi lại gặp được một cứu tinh khác. Tôi gọi là “Thầy Lốc Cốc Tử”.
Buổi sáng đầu tiên trong Kho Đạn, sau một đêm thao thức ngủ không được, phần vì suy nghĩ trăm thứ chuyện, phần vì bị rệp cắn, vừa mới chợp mắt thì tôi bỗng choàng dậy vì nghe một tiếng rao lanh lãnh cất lên: “Ai đau răng, đau bụng hôn?”. Tiếng ai nghe thật quen, giọng Huế, nhìn kỹ lại thấy BS Hà Thúc Lễ (Trưởng Ty Y Tế Đà Nẵng) đi trước, cầm một cái đùi gõ lốc cốc vào cái chén nhựa, theo sau một anh y tá đeo một tráp thuốc. Có lẽ vì thói quen hay sao mà bước chân anh Lễ đi trước cùng nhịp với bước chân người đi sau; hễ anh Lể quay qua trái, thì anh đi sau cũng quay qua trái. Điệu đi rất nhịp nhàng, giống như cuộc diễn hành của Bộ Binh. Anh Lễ cất tiếng rao não ruột, buồn bã, tay vẫn gõ lốc cốc vào cái chén nhựa: “Ai đau đầu không?”
Tên Đại Bàng nằm cạnh tôi bỗng vùng dậy la lớn: “Bác Sĩ ơi! Tôi đái không ra mấy ngày, có thuốc chưa Bác Sĩ?” Anh Lễ dừng lại, ngó qua cửa sổ nói to: “Bệnh anh phải chữa trụ sinh mạnh, mà đây không có; chỉ có xuyên tâm liên (chữa đâu đầu) và viên rửa (chữa đau bụng) thôi”. Chợt nhìn thấy tôi, anh hỏi nhỏ: “Không biết sao, mà các anh vô đây nhiều lắm? Anh cần gì không, tôi gắng giúp anh một chút”. Tôi nói: “Anh coi cho tôi một quẻ, bao giờ được thả?”. Anh Lễ trả lời: “Tôi chỉ giúp anh mua ít mì gói thôi!”. Nói xong, hai người quay đi chỗ khác, tiếng gõ lốc cốc lại cất lên, lần này tôi mường tượng như tiếng rao “ Phởởở” của ông Cơ, buổi tối thường hay đẩy xe phở qua nhà tôi ở Huế, với cô con gái gõ tắc xịt trong đêm thanh vắng, khiến cầm lòng không đặng, tôi phải kêu lại, ăn một tô phở nóng ngon đáo để.
Thành thói quen, buổi sáng hễ nghe anh Lễ gõ lốc cốc là tôi choàng dậy, có bữa hai người vừa đi theo điệu xàng xê, vừa gõ dồn dập khi đi qua phòng tôi, tôi đoán anh thông báo có tin vui. Anh nháy mắt “Vợ anh ngày nay vô thăm nuôi đó”. Mà quả thật, vợ tôi vào thăm nuôi lúc buổi trưa. Tha hồ mà ăn, nào mì gói, đường Trung Quốc, ăn không hết, tôi chia cho các bạn tù. Ngày vợ tôi thăm nuôi là một ngày hạnh phúc nhất.
Một buổi sáng khác, lần này anh Lễ gõ lốc cốc theo nhịp cha cha cha. Hai người bước tới, bước lui, cái trap của anh y tá hôm nay đầy những thuốc là thuốc, cứ xoay qua xoay lại theo nhịp bước. Sau này tôi mới biết: anh y tá cũng là sư tổ trong các vũ trường. Chắc anh đi bộ, sực ngứa đôi chân, nên tập một vài động tác nhót cho vui. Nét mặt anh Lễ hôm nay thật vui. Anh thò mặt vào cửa sổ, nháy mắt: “Anh sắp được đưa lên trại rồi”. Anh đưa cho Đại Bàng mấy viên Sulfamid dặn dò kỷ lưỡng. Rồi tiếp tục khỏ nhịp đi qua các phòng khác. Tiếng gõ nhịp xa dần, bóng chiếc áo xanh đề hai chử “cải tạo” sau lưng của anh Lễ khuất qua hàng song sắt, đổi lại tiếng chưởi thề của tên Đại Bàng: “Mẹ kiếp! tao đái không được tụi bây ơi! thuốc dở ẹc- uống không hết bệnh?!!”
Sau đó ít tuần, tôi không nghe tiếng gõ của lốc cốc tử nữa. Có lẽ anh Lễ qua trại khác. Còn phần tôi, vì phải đắp chiếc chiếu toàn rệp và rệp, nên người tôi ghẻ ngứa đầy mình; Cả bọn tù gải sồn sột đêm lẫn ngày; khi công an đưa tôi lên trại giam An Điền, tôi dùng lưỡi dao mổ các nốt ghẻ, rồi tẩm teinture d’iode vào. Cháy cả da. Một tháng sau mới diệt được ghẻ. Thật là rùng mình nổi gai ốc.
Câu chuyện kể tiếp cũng ở trong Kho Đạn, là chuyện về “Mâm Trưởng” tức là tôi. Bửa cơm ở Kho Đạn rất thanh đạm. Tổ của tôi gồm 5 người. 4 bác sĩ là tôi, BS Điều, BS Toàn ở Hội An (Toàn nhỏ chớ không phải Vĩnh Toàn, anh của BS Vĩnh Chánh đâu!), BS Quyền và một thằng nhóc bị giam lâu ngày không ai thăm nuôi vì can tội ăn cắp. Bữa cơm gồm có cơm bo bo, phần nhiều là cơm cháy. 5 người có 5 tô canh toàn quốc nghĩa là toàn nước (nước pha muối với rau thập toàn). Tôi được giữ chức Mâm Trưởng.
Tôi tự hỏi, tôi không có công trạng gì mà công anh lại cho tôi giữ chức cao vậy, chắc có lẽ vì tôi ăn ít như con gái? Đã là Mâm Trưởng thì phải chia cơm cho đều. Vì mấy lần trước, hễ khi chúng tôi mới cầm đũa, là thằng nhóc lùa một mạch, cơm canh, bo bo vào miệng nhanh như chớp, thành thử chúng tôi trở thành tiên ông. Một buổi họp có công anh tham dự, BS Quyền chịu không nổi đứng lên phát biểu: “Tôi ăn chậm, lần sau chia cơm cho đều”. BS Quyền lớn tuổi, lại cà lăm, ăn chậm không đủ no nên người trông phờ phạc. Đến phiên tôi chia cơm thì thật khó xử, vì bữa cơm nào cũng có mấy miếng cơm cháy đen to tổ bố và 5 tô canh toàn quốc. Tôi chia cơm thật đều, vì nếu không đều, 5 đôi mắt nhìn hau háu sẽ có ý kiến.
Thằng nhóc đề nghị: nó húp 4 tô canh trước, để dành cơm cho chúng tôi ăn. Hai ngày sau đến phiên nó sẽ ăn luôn 5 phần cơm. Nó húp hết mấy tô rồi lăn ra ngủ. Sau khi chia cơm xong, mấy con mắt trợn trạc nhìn vào 4 phần cơm, bo bo nõn nà. Tôi hô to: “Nào bắt đầu ăn”. Như chớp, các bác dành hết 4 phần cơm. Riêng phần cơm cháy thì để lại. Lẽ dĩ nhiên, tôi phải ăn phần cơm cháy đó, vì tôi là Mâm Trưởng. Tôi ăn cơm cháy đến mấy tuần. Sau này lên trại cải tạo An Điền, bị mắt chứng táo bón kinh niên.
Đến phần 15 phút giải lao, cả bọn ào ào chạy ra cái giếng. Thành giếng bể một bên, nước đục ngầu. Vớ vội cái gàu, tôi múc nước giếng xối lấy xối để. Chao ơi là mát. Vừa tắm vừa tranh thủ vò mấy cái áo, không cần xà bông, miểng bớt hôi là được rồi. Nhưng vì cái giếng bị bể một bên, nước dơ ở ngoài chảy vào giếng. Đa số hình sự đều bị ghẻ lở. Tắm rồi nửa đêm lên cơn sốt. Cả bọn trong phòng gải sồn sột tạo một âm thanh quái đản, lẫn trong đêm tiếng thanh la báo giờ đổi gác của trạm công an nghe inh ỏi chát chúa cả tai. Khó mà dỗ giấc ngủ. Ở một tháng trong Kho Đạn, người tôi phờ phạc hẳn ra. Nếu có chợp mắt ngủ một chút thì những cơn ác mộng kinh sợ lại đến.
Khi qua Mỹ, bạn bè mời ăn cơm, thịt cá ê hề. Ngay cả gia đình tôi, thức ăn, thức uống thừa thải. Tôi thường khuyên các con: “Hột cơm là hột ngọc của nhà trời. Đừng có phung phí mà ông trời không cho”. Nhớ lại cảnh tượng ở Kho Đạn, giành giựt nhau từng hột cơm mà thấy chán gán cho thế thái nhân tình.
Cách đây hai năm, anh Hà Thúc Lễ ở Georgia có tới thăm tôi, vẫn tiếng nói nhỏ nhẹ như con gái, và dáng dấp như một lốc cốc tử thủa còn ở Kho Đạn. Hai anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Tôi hỏi anh “Cái anh y tá đi theo phát thuốc với anh bây giờ ở đâu rồi?” Anh nói: “Ảnh qua Mỹ lâu rồi, bây giớ là chủ một vũ trường sang trọng ở Cali”. Hèn nào, lúc đó, đi phát thuốc mà anh ngứa chân, cứ đi điệu cha cha cha, cứ tưởng như bị ma bắt. Sau đó chúng tôi xuống Galveston thăm anh Đinh Văn Tùng có nhà ở gần biển đẹp vô cùng.
Anh Tùng coi tôi như em ruột, Tết Mậu Thân tôi ở nội trú tại Bệnh Viện Đà Nẵng, đêm ngày mổ xẻ mệt nghỉ. Anh Tùng đem hết các sở trường về giải phẩu chỉ vẻ cho tôi. Anh có một người con, lúc còn ở Đà Nẵng bị phỏng nặng, tôi là người cưu mang cháu nhiều nhất. Tôi kể mấy chuyện tếu ở Đà Nẵng, ở Đại Lộc cho anh nghe. Anh bò ra mà cười. Anh nói: “Sao em không đăng báo cho mọi người cùng đọc cho vui”. Về nhà, dự định viết thì nghe anh đã mất. Thôi thì em viết mấy chuyện vừa cười vừa ra nước mắt để anh ở suối vàng cùng đọc với các bạn bè cho vui vậy.
Trần Quý Trâm
Houston 1/3/2006
No comments:
Post a Comment