Tôi Đi New York
Vậy mà tôi đã tới nhiều nơi trên mặt đất này, trừ New York, cách nơi tôi cư ngụ, vùng ngoại ô thủ đô Washington, khoảng 4 giờ lái xe. Có người bảo tôi “nhà quê”. Mà “nhà quê” thật. Từ ngày bước chân lên chiếc thuyền gỗ mong manh vượt biển trong đêm tối, làm một cuộc hành trình liều lĩnh vì yêu tự do và mê tự do, tôi không còn cảm thấy hứng thú để “đi chơi”, hay nói một cách văn vẻ là “đi du lịch”. Tôi mất cái hứng đi du lịch. Tôi chỉ đi làm, hay đi công việc.
Tháng 4 năm 1993, từ Washington tôi làm một chuyến đi xa đầu tiên tới Mạc Tư Khoa, hai năm sau khi đế quốc đỏ Liên Sô sụp đổ. Đây là nơi không bao giờ tôi nghĩ có ngày sẽ đặt chân tới. Vậy mà tôi đã tới đó, và tới đó để… chống Cộng! Tôi tới một Mạc-tư-khoa tự do để tham dự cuộc Hội thảo về Nhân quyền cho Việt Nam do nữ ký giả Irina Zisman, giám đốc Đài Tiếng Nói Tự Do Phát thanh từ Mạc Tư Khoa, hay Radio Irina, tổ chức.
Tháng 12 năm 1994 tôi sang Montréal, Gia Nã Đại, tham dự cuộc Hội Thảo Quốc Tế Về Nhân Quyền.
Tháng 6 năm 1996 tôi tới Paris về chuyện Văn Bút và sang Hamburg, Munich (Đức) ra mắt bản dịch Đức ngữ cuốn “Bầy Thú Nhỏ”.
Tháng 11 năm 1996 tôi tới Guadalajara, Mễ Tây Cơ, tham dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế (P.E.N. International Congress) kỳ 63.
Tháng 8 năm 1997 tôi đi London và Edinburgh để dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế kỳ 64.
Tháng 3 năm 2008 tham dự cuộc Hội Thảo Writers for Peace tại thành phố Bled, Slovenia.
Sau đó, tôi ra khỏi Văn Bút và không đi đâu nữa, ngoài hai lần tháp tùng gia đình con trai đi nghỉ hè với nghĩa vụ làm cha, một lần đi Hạ Uy Di dự tang lễ người anh, và một lần đi Thái Lan vì bổn phận làm con.
Trong những chuyến đi ấy, tôi dành hầu hết thì giờ cho công việc. Khi đi ngoài đường, nhìn những du khách thanh thản ngắm cảnh, những hình ảnh tương phản lại tức thì hiện ra trước mắt tôi: Những gương mặt sợ hãi của những người chạy giặc trên Đại Lộ Kinh Hoàng, những thuyền nhân lênh đênh trôi dạt trên biển cả đầy hải tặc, biên phòng, giông bão… Và, tấm bích chương đóng khung treo trong văn phòng trại ty nạn ở Mã Lai Á lại hiện ra với gương mặt thất thần của mấy người ty nạn ra đi để tìm nơi an toàn cùng hàng chữ “Many People Travel for Fun, Others Travel From Fear”. Cái bích chương ấy cứ đeo đẳng theo tôi mỗi khi tôi trông thấy một du khách.
Trên nóc Tour Bus giữa đường phố New York
Thế thì tại sao hôm nay tôi lại tới New York, và đi chơi? Nhưng, nói “đi chơi” thì không hẳn đúng, mà nói “đi công việc” thì lại càng sai. Lý do: Tôi có cậu cháu gọi tôi là bác sang Mỹ du lịch và muốn “tham quan” New York nên tôi đã cùng đi cho nó có bạn, và cũng là dịp cho tôi bớt “nhà quê”.
Cháu tôi ra chào đời vài năm sau ngày Việt Cộng chiếm đoạt miền Nam Viêt Nam, và tôi đã bỏ lại tất cả để ra đi vào nơi vô định vì khi ấy nhìn đâu chung quanh cũng chỉ thấy một màu đen, không một tia sáng nào ở cuối đường hầm. Vậy mà đứa bé sinh ra trong xã hội ấy, sau 30 năm, đã ung dung xách va li đi Mỹ chơi, trong lúc tôi đã sống gần nửa đời người dưới chế độ dân chủ, tự do ở miền Nam chưa có cơ hội để xuất ngoại một lần. Và, đã phải “xuất ngoại” bằng cách “đi chui” … “vào chỗ chết để tìm sự sống” như hàng triệu người đã làm mà không biết bao nhiêu người đã thất bại, bỏ thây trong lòng đại dương, trong đó có năm người trong quyến thuộc tôi.
Cháu tôi không phải là cán bộ hay đảng viên, và chính tôi đã viết thư mời nó sang Mỹ nên tôi không nghi ngờ lý do đi theo “diện du lịch” của nó.
Gần đến ngày lên đường cháu tôi gửi cho tôi bài dưới đây lấy từ FaceBook của một người ký là Bạch Cúc:
Bạn nói với tôi: Chỗ nào chẳng có bất công, chỗ nào chẳng có người giàu kẻ nghèo, nơi nào chả có quan liêu, tham nhũng… Rồi tôi đi để biết và… để thấy:…
Nơi tôi đến chẳng phải đâu xa, là láng giềng của mình: Tôi mòn mỏi tìm kiếm người ăn xin bên đường, tìm bóng dáng những đứa trẻ, những cụ già, người khuyết tật với tấm vé số, những đoàn dân oan…nhưng tuyệt nhiên: Chẳng thấy!
– Tôi vào những quán ăn, chỉ biết chỉ chỏ những món ngon…và họ tính tiền cho tôi với giá rẻ mạt, rẻ hơn rất nhiều so với du khách nước ngoài, trót lỡ dại ăn uống và bị chặt chém ở Việt Nam!
– Tôi vào siêu thị: Thấy người ta ngồi lê la tán gẫu trong những khuôn viên dành cho khách nghỉ chân, họ ngồi trên những thảm cỏ xanh, những tấm trải sàn êm ái, con nít bò lê chung quanh…mà nhớ Việt Nam muốn khóc: Siêu thị nước tôi kiếm một chỗ ngồi chắc còn hiếm hoi lắm…
– Tôi vào toilet: Chẳng phải trả một xu tiền, tất cả những nơi công cộng luôn có chỗ dành riêng cho người khuyết tật, cho trẻ nhỏ và người kiểm soát luôn miễn phí cho tôi lời chỉ dẫn lẫn nụ cười, họ chẳng tiếc đâu…
– Tôi chạy xe long nhong trên đường, kiếm mãi, tìm mãi chẳng thấy bóng dáng cảnh sát công lộ…Chợt nhói đau nhớ cảm giác sợ hãi, giật nảy mình khi thấy bóng áo vàng trên đất nước mình từ xa… Nhớ mà nổi da gà, vừa giận lại vừa uất…!
– Tôi vào thăm nhà những người bạn, họ giàu có thật… Tài sản ước tính sống trọn cả đời chẳng cần làm thêm gì, nhưng… tuyệt nhiên chẳng thấy sự sa hoa kệch cỡm, không thấy những bàn, những ghế, những bộ tràng kỷ bằng gỗ quý, những sản vật cướp được của rừng… Bỗng thấy mắt cay xè nhớ lần đến thăm nhà người bạn làm công an ở Việt Nam… Bạn nói bạn chẳng giàu có gì, chỉ khoe với tôi hàng trăm mẫu vật điêu khắc bằng gỗ quý loại 1 với giá hàng trăm triệu, hàng tỷ, chục tỷ một món. Nhiều quá tôi hoa cả mắt và… muốn ngất trước bộ sưu tập, thú vui “chẳng biết nên gọi là gì” của bạn!
– Tôi đi, lê la đến những hàng rong, quán xá ven đường… Chẳng thấy ánh mắt sợ sệt, chẳng có sự hốt hoảng đột nhiên tháo chạy… Tìm mãi không thấy bóng áo xanh dọn dẹp lòng lề đường, tất cả là một trật tự vui nhộn… Bỗng thương ray rứt bà cụ bán rau bên đường nơi “tổ quốc”: Lưng bà còng gập sâu xuống lòng đường, nhặt những bó rau rơi vãi, nước mắt ngắn dài và miệng hốt hoảng van xin người thanh niên đang giằng xé quang gánh, thúng mủng quăng lên xe đội trật tự đô thị: “Bà xin con, bà neo đơn một mình kiếm sống qua ngày…bà xin…”. Nước mắt tôi trào ra trong sự ngơ ngác của cô bán hàng… Cô ấy không hiểu… Tôi nhớ đồng bào tôi: Xót xa… quay quắt…!!!
– Tôi đi… đi để biết: Chẳng xã hội nào giống xã hội nào! Vào tận rừng sâu, vào chốn núi hoang sơ, giả vờ hỏi thăm nơi bán “thịt thú rừng”… Người ta nhìn tôi với ánh mắt căm hận vì câu hỏi ngớ ngẩn? Ăn thịt rừng ư? Bạn mọi rợ thế ư? Muốn vào tù ư?
– Tôi đi… đi để thấy đất nước mình đáng thương bội phần… Đi để thấy cái nền văn hóa hèn kém: Kẻ trên bắt nạt kẻ dưới, người giàu khinh miệt người nghèo, người thắng chà đạp người thua… đi để thấy cái nôi văn hóa Việt chỉ là thùng rỗng kêu to với những mùa lễ hội phù phiếm chụp giật, tranh giành, giẫm đạp lên nhau đôi khi chỉ vì miếng ăn… những hả hê, khát máu mọi rợ trong tiếng cười và cái chết của thú vật… Thấy sự rỗng tuếch trong giao tế, nói một đằng làm một nẻo, điêu ngoa, xảo trá dưới mọi lớp bình phong… thấy nản lòng cho một thứ văn hóa lai căng toàn những điều tồi tệ nhất…
– Tôi đi… đi để nghe tiếng thở dài trong trái tim mình, đi để tìm quên nỗi sợ hãi về một nước Việt ở tương lai trước mắt: Rừng đã cạn, biển đã chết… Sự sống của vạn vật, của con người phụ thuộc, đặt vào tay một nhúm người đang làm chủ xã hội để rồi… Toàn đất nước ngơ ngáo, ngớ ngẩn nhìn nhau với những câu hỏi: vì sao và tại sao… Vậy mà vẫn thinh lặng và chấp nhận!??
– Tôi đi để trốn chạy, đi vì ám ảnh cái quá khứ hào hùng với ngàn lời ca chống giặc ngoại xâm nhưng giặc đang ở khắp nơi chẳng ai hay biết… Nếu có biết cũng chỉ là thở dài nhìn nhau rồi mặc kệ… Đời ta ta lo… Mọi việc khác đã có Đảng và Nhà nước lo…!
– Tôi đi mà đau đáu với tin tức quê nhà, sao có quá lắm những trò hề, những chuyện khốn nạn không tưởng… Đi để thấy dân mình ôi sao thật tệ… đến bao giờ mới có chuyện đổi thay???
Tôi đi, đi và miễn cưỡng phải trở về… về hướng: MẶT TRỜI ĐEN!
Ôi Đất nước tôi: Vạn niềm đau!!! (ngưng trích)
Thì ra đất nước tôi vẫn là Mặt Trời Đen. Dù không còn màn sắt, màn tre, nó vẫn là một nhà tù. Thế hệ trẻ ngày nay đã khá hơn thế hệ ngày trước. Đầu óc họ không còn bị nhuộm đỏ dễ dàng, tầm mắt họ không để bị đảng lái về một hướng. Đọc bài trên đây, tôi nhận ra cái tín hiệu mà tuổi trẻ trong nước muốn chuyển đạt cho người Việt ở mọi nơi.
Ngồi trên nóc chiếc Tour Bus chạy quanh thành phố New York, tôi loay hoay với câu hỏi không lời giải đáp: “Do đâu, hay ân sủng nào, mà bác cháu tôi được ngồi bên nhau giữa thành phố tuyệt vời này sau những biến động đem tai họa kinh hoàng liên tiếp giáng xuống cho cả dân tộc Việt Nam suốt mấy chục năm qua?”
New York quả thật là một thành phố vĩ đại mà con người có thể xây dựng và quản trị. Nơi đây có nhiều cái gây ấn tượng mạnh cho du khách, nhưng cái làm cho họ ngạc nhiên nhất, tôi nghĩ, là sự mâu thuẫn của thành phố này. New York có quá nhiều tòa nhà chọc trời nằm sát bên nhau và quá nhiều xe cộ chen chúc trên đường nên những đại lộ trông giống như những con đường hẻm chật chội. New York không còn đất trống để xây cất nên người ta phải phát triển lên cao, có những tòa nhà chọc trời đang được “cơi” thêm nhiều tầng, nhưng thành phố này có rất nhiều công viên đẹp rải rác khắp nơi, giống như những buồng phổi bơm không khí cho gần chín triệu cư dân.
Người trên đường phố New York trông tất bật vội vã và dường như không chú ý tới ai, trông còn có vẻ lạnh lùng nữa, nhưng trái lại, họ là những con người rất dễ làm quen và thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Trước khi tới Mỹ, cháu tôi có thành kiến người Mỹ lạnh lùng và ích kỷ, kể cả người mỹ gốc Việt, nên nó sợ đi một mình nếu gặp khó khăn sẽ không có ai giúp đỡ. Giờ đây, trên đường về lại Việt Nam, nơi MẶT TRỜI ĐEN, chắc nó đã vứt bỏ thành kiến ấy, mà tôi nghĩ ấn tượng mạnh nhất là việc đã xảy ra trên đường phố New York khi chúng tôi đi tìm nơi bán vé Tour Bus. Hỏi những người đi đường ai cũng vui vẻ chỉ vẽ nhưng đi một quãng khá xa cũng không thấy nơi bán vé Tour Bus. Cuối cùng thấy một người đàn ông ăn mặc tề chỉnh đang đứng đọc cuốn sách nhỏ nơi một góc phố. Cháu tôi đánh bạo hỏi, ông ta ngưng đọc sách và chăm chú lắng nghe rồi đưa tay chỉ đường, dặn dò cặn kẽ. Nhìn hai thằng Á Đông có vẻ mới từ đâu tới, dường như chưa yên tâm, ông ta sốt sắng nói: “Tôi không thường làm cái này, nhưng thôi, để tôi đưa các you tới chỗ đó, cũng không xa lắm, chỉ độ hai, ba blocks thôi.” Thế là ông ta bước đi thoăn thoắt, đưa chúng tôi tới chỗ bán vé Tour Bus. Không phải chỉ cháu tôi mà cả tôi cũng ngạc nhiên trước lòng tử tế của một người Mỹ xa lạ.
Sáng hôm sau, chúng tôi đi thăm Tượng Nữ Thần Tự Do rồi trở về Washington, mang theo hình ảnh người Mỹ tốt bụng mà tôi nghĩ cháu tôi sẽ khó quên.
Tôi sực nhớ bây giờ là đầu tháng 4, vài tuần nữa khắp nơi ở hải ngoại sẽ lại tưởng niệm Ngày Quốc Hận. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Tôi hỏi thằng cháu:
– Vài ngày nữa cháu lại trở về hướng Mặt Trời Đen. Cháu nghĩ sẽ có thay đổi không?
– Chắc chắn phải thay đổi.
– Bao giờ?
– Cháu cảm thấy ngày ấy không còn xa nữa.
– Chắc chắn phải thay đổi.
– Bao giờ?
– Cháu cảm thấy ngày ấy không còn xa nữa.
Ký Thiệt
---------
No comments:
Post a Comment