Sunday, April 9, 2017

 Ngọn lửa toàn thiêu

Truyện dã sử


Bọn giặc phương bắc đã ồ ạt tràn qua biên ải. Những tiền đồn nhỏ bé canh giữ biên cương tổ quốc không đủ ngăn cản đạo quân xâm lăng. Chúng như  ngọn sóng thần đổ ập xuống và cuốn phăng tất cả mọi thứ. Dân chết như rạ. Máu  nhuộm thắm núi đồi, tím đỏ sông suối. Nhà cửa bị đốt phá tan hoang. Tiếng than khóc của lê dân bay tới chín tầng mây. Không chỉ chém giết, đốt phá, chúng còn mang theo gót chân viễn chinh con dân của chúng để chiếm đất. Bọn này chiếm đoạt nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò của dân bản xứ với mục đích lập làng, lập ấp hầu xóa tan gốc tích của miền đất mà chúng xâm lăng.

Tin cấp báo đã về đên kinh đô. Không phải đến lúc này triều đình mới hay biết. Sự rục rịch của kẻ thù qua những biểu hiệu ngoại giao lấn lướt, khinh thường đã khiến cho nhà vua và quần thần e ngại. Thế nhưng, thay vì lo tìm kế sách phòng thủ và chiến đấu với kẻ thù thì vua cũng như quan chỉ một mực vơ vét tiền của của dân qua những sắc thuế ngày càng dày đặc. Bọn chúng chia bè kết phái chống lại nhau còn hơn chống kẻ thù. Bọn hoàng thân quốc thích thì lại càng lộng hành hơn nữa. Chúng cát cứ lãnh địa, thu vét tài nguyên quốc gia, phá rừng, phá núi, đào bới lung tung để tìm kho báu. Đất đai của dân đen có được do đổ mồ hôi khai sơn phá thạch bị chúng chiếm đoạt một cách trắng trợn. Khắp nơi nơi vang lên tiếng ai oán nỉ non.

Các sĩ phu nặng lòng với đất nước chỉ biết cúi đầu than khóc bằng những bài thơ ái quốc tiêu cực cùng những câu chuyện tiếu lâm tố cáo bọn vua quan xấu xa, yếu hèn.

Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
Trơ trơ như đá, phỗng như đồng.
Tháng ngày coi sóc cho ai đó?
Non nước đầy vơi có biết không?*

Trong số họ đã có vài ba người lên tiếng về tương lai đen tối của đất nước và đề nghị sửa đổi việc triều chính. Thế nhưng, đó chỉ là những tiếng kêu trong hoang địa. Thậm chí có người còn bị bắt bỏ tù bằng những tội danh hết sức phi lý do bọn tham quan ô lại quy kết. Những vị này không hề được đem ra xét xử một cách công minh. Và có vị đã chết rũ trong ngục sâu tăm tối.

Quan lại đã tề tựu đông đủ trước bệ rồng. Một bầu không khí nặng nề bao phủ trên họ. Có những tiếng thầm thì. Có những ánh mắt lo sợ. Lại có những cặp mắt ngác ngơ. Có những cái đầu cúi sâu xuống. Những giọng nói sang sảng đầy quyền uy trước mặt đám dân đen đã biến mất. Những bước đi khệnh khạng của bậc  cha mẹ dân không còn nữa. Dưới chân ngai vàng giờ đây là bầy  cừu ngoan ngoãn, là  đám  chó dễ sai  bảo.

Đã gần tới giờ ngọ rồi mà ngai vàng vẫn trống trơn. Những ánh mắt lo sợ và ngác ngơ lại càng ngơ ngác và sợ lo hơn. Chúng cứ dáo dác nhìn quanh. Chúng cứ liên tục đảo qua đảo lại. Chúng cứ lóng ngóng về phía hậu cung. Trống ngực đám gia nô không ngừng thình thịch…thình thịch…thình thịch…

Bỗng từ xa có tiếng the thé:
-  Hoàng …thượng…giá…lâm…

Cái giọng the thé đó luôn luôn là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với cuộc đời quan lại của bầy cừu này. Bất kỳ ở phẩm trật nào- từ quan nhất phẩm cho tới quan cửu phẩm – đều phải cúi mọp trước tên hầu cận bất nhân bất nghĩa  của hoàng thượng. Y vừa là giá đỡ, vừa là tai ương của họ. Nhất cử nhất động của y trước mặt đấng con trời thảy đều làm cho các vị quan run rẩy, lo lắng. Chẳng ông  quan nào ưa cái mặt câng câng xấc xược của y cả. Ấy vậy mà tất cả những tấm lưng đều phải cong xuống khi đứng trước mặt y. Chẳng ông quan nào là không biết y có một cái túi không đáy. Ấy thế mà họ vẫn cứ phải đều đều bỏ vào đó những nén vàng, nén bạc, những nắm tiền ăn cắp và ăn cướp được từ ngân khố quốc gia và từ túi của người dân khốn khổ.

Khi cái giọng the thé kia chấm dứt thì ngay lập tức bầy cừu, theo thói quen đã được tập luyện từ bao đời, quỳ mọp xuống, cung kính bái lạy, miệng không ngớt tung hô:
-  Thánh thượng vạn tuế…vạn tuế…vạn…vạn …tuế…

Đấng thiên tử, sau khi được tên hoạn quan đỡ lên ngồi trên ngai vàng, bèn há miệng ngáp. Tiếng ngáp nghe như tiếng bò rống. Âm thanh tiếng ngáp kéo dài như bất tận trong cung điện im phăng phắc. Im lặng đến nỗi nếu có con ruồi bay qua, người ta cũng có thể phân biệt được đó là con đực hay con cái.

Các quan vẫn quỳ mọp trước bệ rồng, đầu gục sát sàn gạch hoa bóng lẫy. Những cái mông chổng lên trời. Hình như có một mùi xú uế phát ra từ một cái mông nào đó. Cái mùi khó chịu ấy chẳng mấy chốc đã lan tỏa khắp cung điện. Đấng thiên tử hắt xì mấy cái liên tục. Tên hoạn quan giả vờ kính  cẩn,  nâng tay áo lên để che mũi, cặp mắt cú vọ của hắn không ngừng nhìn xuống phía dưới, đảo qua đảo lại  để tìm bắt thủ phạm.

Thời gian như ngừng trôi. Sau tiếng hắt xì cuối cùng, đấng thiên tử mới phán bằng môt giọng ngái ngủ:

-  Các khanh hãy  bình thân!
-  Tạ ơn hoàng thượng.

Mấy chục cái miệng đồng thanh kêu lên. Rồi tất cả lục tục đứng lên. Động tác quỳ hoặc đứng của họ trông thật vất vả.Cứ như thể có cái cối đá đặt trên đầu họ vậy. Những cái đầu vẫn tiếp tục cúi xuống trên tấm lưng khom khom và hai tay chắp vào nhau. Im lặng. Cái giọng the thé cất lên phá tan sự im lặng:

-  Vị nào có tấu biểu thì dâng lên!

Âm vang tiếng the thé kia xoáy vào tim óc các quan. Họ lại đứng ngẩn người ra. Vài ba cái đầu cục cựa. Họ len lén nhìn nhau. Từ hàng ngũ các vị đại thần, một người bước ra. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía người ấy. Có những tiếng xì xào nổi lên.

Những bước đi ung dung tự tin. Vẻ mặt hơi vác lên. Nụ cười tự mãn trên môi. Đó là quan tả thừa tướng. Năm nay ông khoảng ngoại  lục tuần. Vóc dáng phương phi. Vốn xuất thân từ một tên hoạn lợn, nhờ bản chất gian manh xảo quyệt, ông ta đã từng bước mua được những chức quan từ thôn cho tới huyện…Ông ta lại khôn khéo dùng vợ và  con gái  làm bước thăng tiến. Ông đã dâng hiến họ cho các cấp trên để đạt được mục đích tiến thân trên hoạn lộ. Những đứa con gái của ông (ông có vô số vợ và vô số con) đều lần lượt vào làm hầu thiếp cho các quan to trong triều. Do đó, vây cánh của ông rất mạnh. Vị trí của ông vô cùng vững chãi. Ông rất được hoàng thượng sủng ái vì đã dâng hiến người thiếp trẻ đẹp nhất cùng đứa con gái mới mười lăm cho người. Lão cũng thường xuyên dâng lên đấng con trời những báu vật, những loại thuốc bổ dương cực kỳ tốt khiến cho vua càng ngày càng sủng ái. Bất kỳ một yêu cầu nào của lão cũng được hoàng thượng chuẩn y dễ dàng.

Quan tả thừa tướng bắt đầu bằng tiếng “ e hèm” quen thuộc mỗi khi đứng trước bệ rồng để tấu biểu. Âm thanh đó vừa giúp quan thêm tự tin, vừa biểu thị cái ta đầy kiêu hãnh của một người đang trên đà thăng tiến và cận kề với đấng quân vương. Sau tiếng” e hèm” ấy, quan bắt đầu ê a như đứa trẻ đang học chữ:

-  Muôn tâu thánh thượng (quan ngừng lại vài giây như để cho những chữ kia thấm vào khối óc của một ông vua chỉ mải miết tối ngày vùi mặt vào những cặp đùi non của cung tần mỹ nữ chứ không  màng gì  đến dân nước)bấy lâu nay, nhờ ân điển của hoàng thượng mà muôn dân được hưởng cảnh thái bình, an lạc. Nay, thần có điều muốn tâu cùng hoàng thượng, không biết hoàng thượng có cho phép không?

- Ta cho phép.

-  Tạ ơn hoàng thượng. Tâu hoàng thượng, thần dám xin hoàng thượng khai ân cho chúng thần được hộ giá hoàng thượng đi săn để long thể được sảng khoái và tăng cường sinh lực.

Đấng quân vương mắt sáng lên, nở nụ cười tươi hơn hoa  buổi sớm. Người đưa mắt nhìn tên thái giám. Y nhìn người, nhoẻn cười và ỏn ẻn:

-  Tâu hoàng thượng, lời quan tả thừa tướng quả thật chí lý ạ.
-  Tâu hoàng thượng!

Một tiếng nói đanh thép sang sảng vang lên làm át những tiếng xì xào của đám quan lại. Một người dáng dấp thấp bé bước lên. Mặt ông phừng phừng đỏ.Những bước đi mạnh mẽ, cương quyết. Đó là quan ngự sử, một vị quan thanh liêm, chính trực. Ngài đã phục vụ mấy triều vua  rồi. Ngài rất được các tiên đế nể trọng. Tiếng nói của ngài như đinh đóng cột., như gươm chém đá. Với tính khí đó, lẽ tất nhiên ngài bị lũ gian thần ganh ghét và luôn tìm cách ám hại. Ngài đã được các bạn tâm giao cảnh báo. Thế nhưng, ngài không vì thế mà chùn bước. Ngài biết rõ chung quanh ngài bạn thì ít  mà thù thì nhiều. Ngài đã nói với các bạn tâm giao của ngài: “ Ai cũng phải chết. Có nhiều cái chết và cách chết. Chết vì trung hiếu, tiết nghĩa; chết vì tham vọng cuồng điên. Có những kẻ đang sống sờ sờ nhưng thực sự đã chết. Có những người đã chết, nhưng đối với đời, họ vẫn sống và sống mãi. Có những người chỉ chết một lần; nhưng lại có kẻ chết nhiều lần. Tôi sẽ chết. Nhất định là như thế. Và tôi chỉ chết một lần mà thôi.”

Và lúc này đây, ngài đang đối mặt với những kẻ mù lòa, câm điếc. Giặc đã vào đến ngõ rồi mà bọn chúng vẫn an nhiên tự tại, vẫn bàn việc ăn chơi như bàn quốc sự. Máu ngài sôi lên sùng sục. “ Muôn tâu thánh thượng…”.Tiếng ngài vang lên như tiếng sấm. Quan tả thừa tướng bất thần run rẩy. Đấng quân vương bất thần biến sắc. Tên hoạn quan suýt chút nữa thì ngã xuống chân bệ rồng. Trong hàng ngũ quan lại, có vài ba cái đầu gục gặc, chân bấm chặt trên nền gạch hoa cung điện. Máu họ cũng đang sôi.

Đấng quân vương lấy lại vẻ bình thản, truyền phán trong tiếng nói nhạt nhẽo, yếu ớt:

-  Quan ngự sử có điều gì muốn bẩm báo?

-  Muôn tâu thánh thượng, đất nước đang trong tình trạng chỉ mành treo chuông. Bọn giặc phương bắc đã tràn qua biên ải. Chúng đang tiến dần về kinh đô…

-  Thật vậy sao?

-  Tâu hoàng thượng, thần không dám lộng ngôn.

-  Thế sao trẫm không nghe quan tả thừa tướng bẩm báo gì.

Quan tả thừa tướng thấy lành lạnh sau gáy. Tuy nhiên, vốn là người mưu mô xảo quyệt, ông ta vẫn cố làm ra vẻ bình thản. Ông ta quay nhìn các quan một vòng. Cái nhìn đầy đe dọa. Vì hầu như tất cả trong số họ  đều là tay chân bộ hạ của ông ta. Những người này đều  vô tài bất tướng, nhưng nhờ luốn cúi và hối lộ nên đã được tả thừa tướng từng bước cất nhắc. Ông ta cất nhắc họ lên để tạo  vây cánh. Có thể nói rằng hết hơn hai phần ba các quan đang đứng trước bệ rồng là những thủ túc thân tín của tả thừa tướng. Chính vì thế mà ông ta cứ mỗi ngày một lộng hành. Những ngày gần đây, ông ta đã nhận được các báo cáo về tình trạng khẩn trương nơi biên ải, nhưng ông ta cố tình ém nhẹm đi và đe dọa các quan có trách nhiệm không được phép hó hé. Kẻ nào bất tuân sẽ bị trừng phạt thích đáng. Vì sợ cái nham hiểm độc ác của tả thừa tướng, nên họ đã ngậm miệng như hến. Giờ đây, nghe quan ngự sử tâu, ông ta chột dạ, bụng nghĩ  thầm: “ Nếu không khéo biến báo thì nguy to”. Ông ta dập đầu xuống để tạ tội:

-  Muôn tâu thánh thượng, tội thần đáng chết. Quả là có vài báo cáo về tình hình biên giới gửi về, nhưng khi mở ra đọc, thần thấy chỉ là bọn cướp nho nhỏ làm càn, làm bậy, không đáng để hoàng thượng phải để mắt đến, nên thần đã không bẩm lên hoàng thượng.

Rồi quay sang quan ngự sử, ông ta xuống nước:

-  Sao ngài lại cứ bé xé ra to thế? Cái đám giặc cỏ kia có đáng gì đâu chứ. Quân ta là quân tinh nhuệ mà, chỉ một loáng thôi là bọn chúng sẽ bị quân ta nghiền nát như tương. Ngài không nên để hoàng thượng phải bận tâm, e tổn hại đến long thể..

-  Sao, quan tả thừa tướng gọi những đạo quân của địch đang hùng hổ chém giết dân ta khắp nơi và đang rùng rùng tiến đến kinh đô là đám giặc cỏ ư? Ngài có biết như thế là phạm tội khi quân không?

-  Tôi hay ngài phạm tội khi quân? Ngài đang thổi phồng sự việc để làm cho hoàng thượng lo lắng mới là khi quân đó.

-   Thôi! Thôi! Thôi! Hai khanh đừng làm phiền trẫm nữa.

Nói xong, hoàng thượng ngoác mồm. Một tiếng ngáp lớn bùng ra. Tên thái giám hiểu ý, vội vàng the thé:

-  Bãi…triều…

Khi hoàng thượng vừa mới nhấc mông lên và các quan chưa kịp phục xuống để lặp lại cái điệp khúc muôn thuở: “ Tạ ơn hoàng thượng”  thì có tiếng la to từ phía ngoài cùng với tiếng chân chạy thình thịch. Một tên lính hớt ha hớt hả chạy vào, cúi gục đầu xuống lắp bắp tâu:

-  Muôn…tâu…thánh…thượng…(y ngừng lại để thở rồi lại lắp   bắp)…quân…địch …đã…vào…tới …cửa…bắc..

Nhà vua hốt hoảng:

-  Nhà ngươi nói gì?
-  Muôn tâu thánh thượng, địch vào tới cửa bắc rồi.
-  Trời! Làm sao bây giờ? Các khanh có  kế sách gì không?

Mặt quan tả thừa tướng tái xanh. Vẻ kênh kiệu đã biến mất. Lão run run tâu:

-  Tâu hoàng thượng, thần xin dâng lên hoàng thượng ý mọn này.
-  Nói mau lên! – Hoàng thượng nóng ruột
-  Tâu hoàng thượng…hay là ta đầu hàng…

Quan ngự sử thét vang:
-  Đồ khiếp nhược! Không đầu hàng, tâu hoàng thượng. Nhất định không đầu hàng!

Tả  thừa tướng vẫn một mực van xin:
-  Tâu hoàng thượng, vì sự an nguy của hoàng thượng cùng hoàng thất, thần kính xin bệ hạ chuẩn nhận lời thỉnh cầu của hạ thần.  Sức ta không thể nào địch lại đối phương, nếu cứ ngoan cố chống trả thì chỉ gây thiệt hại vô ích mà thôi. Địch đã đến gần quá rồi, không thể chống cự được nữa.

-  Không đầu hàng! Không đầu hàng! Tâu hoàng thượng, nếu hoàng thượng đầu hàng thì xin chặt đầu thần trước đã.

-  Tâu hoàng thượng, nếu ngoan cố chống cự thì chúng ta sẽ bị chết thảm thương, sẽ bị mất hết.

Sẽ mất hết. Nhà vua rùng mình sợ hãi. Cái ngai vàng này vua đã phải tốn hao biết bao của cải cùng mưu đồ xảo quyệt nhằm lật đổ người anh kế vị hợp pháp mới có được. Thế mà chẳng còn bao lâu nữa nó sẽ lại nằm trong tay kẻ khác. Từ khi ngồi trên ngai vàng này, nhà vua đã được tận hưởng biết bao nhiêu lạc thú mà một người bình thường không thể nào có được. Chỉ một tiếng ho của vua thôi cũng đủ làm mất mạng một con người. Rồi những đứa con gái tơ mơn mởn- con của bọn quan lại trong triều và con của những lương dân bị bọn quan lại địa phương bắt đem vào hiến dâng cho nhà vua hưởng lạc để kiếm tìm những chức quan to hơn, béo bở hơn, những cuộc vui thâu đêm suốt sáng bên bầy tiên nữ trần gian…Trời ơi! Tất cả sẽ biến mất khỏi vòng tay ta chỉ trong ít phút nữa thôi ư? Không, không thể được. Ta phải giữ chúng lại bằng mọi giá. Ta phải sống để hưởng thụ chứ.

-  Tâu hoàng thượng! Chúng ta phải bảo vệ cơ đồ của các tiên đế để lại. Không một kẻ nào được phép làm mất đi, dù chỉ là một tấc đất của tổ tiên. Nếu đầu hàng giặc thì ta phải sống kiếp nô lệ nhục nhã. Tâu hoàng thượng! Xin hoàng thượng đừng nghe lời những kẻ xu nịnh hèn nhát…

Quan ngự sử vẫn đanh thép van nài. Quan tả thừa tướng lại mồm mép dẻo kẹo:
-  Tâu hoàng thượng…

Lão chưa kịp nói hết câu thì  từ phía cổng cung điện, những tiếng thét long trời lở đất cùng tiếng binh khí  va chạm nhau vang lên dồn dập. Rồi có tiếng những những bước chân chạy rầm rập. Một tên lính canh mình mẩy máu me bê bết chạy bằng những bước chân không vững, miệng không ngớt la: “ C…ấ…p…b…á…o…c…ấ..p…”. Rồi       gục xuống

Nhà vua run rẩy, đôi mắt lạc thần nhìn tên thái giám, miệng lắp bắp lắp bắp:
-  T…r…ó…í…t…a…t…r…ó…i…t…a..

Tên này luống cuống tìm không ra dây để trói vua. Cuối cùng y đành giật cái đai long bào rồi trói tay vua lại. Rồi vua quan, tay trói ra sau, chầm chậm tiến ra phía cửa. Đúng lúc đó,bọn giặc sồng sộc chạy vào. Tên tướng giặc chễm chệ trên mình ngựa, thét vang: “ Giết! Giết!Giết hết. Không bỏ sót đứa nào cả”. Vua và bầy tôi run rẩy quỳ xuống dưới chân y. Phía sau, trong cung điện, tiếng quan ngự sử vang lên: “ Ôi! Tiên đế!”.Rồi một tiếng “ bốp” vang lên. Ngài đã đập đầu vào tường. Máu và óc ngài văng tung tóe. Theo gương ngài, ba bốn ông quan cấp nhỏ cũng đập đầu vào tường và nằm chết trong vũng máu óc bầy nhầy…

                                                                    @
Một năm sau…Bọn xâm lăng đã kiện toàn guồng máy cai trị trên toàn quốc.  Đó là một bộ máy vô cùng tinh vi và tàn bạo. Nó nghiền nát mọi ý chí của con người. Cả nước trở  thành một nhà tù vĩ đại.

Tên hôn quân cùng với bọn hoàng thân quốc thích và  bè lũ gian thần cam chịu làm bầy tôi cho chúng nên vẫn phè phỡn tháng ngày thụ hưởng sa hoa, tay vuốt vuốt xoa xoa những bãi đờm khinh bỉ mà bọn cai trị  ngoại bang nhổ vào mặt chúng.

Lũ giặc xâm lăng phương bắc là bọn man di. Chúng đi tới đâu là cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ, tàn sát lương dân vô tội không gớm tay. Chúng còn phá nát các di sản văn hóa như đền chùa, miếu mạo. Có nơi chúng biến những chốn thiêng này thành chỗ ăn chơi sa đọa.  Chúng muốn thực hiện âm mưu thâm độc là đồng hóa dân ta để biến nước ta thành một huyện nhỏ của chúng.

Lòng căm phẫn của muôn dân không bút mực nào tả xiết. Nhưng họ chỉ là thân rắn không đầu. Đã có một vài cuộc nổi dậy. Thế nhưng, thân châu chấu nhỏ bé đâu địch lại cỗ xe to tướng. Những cuộc khởi nghĩa ấy đã bị kẻ  thù tiêu  diệt một cách thật tàn nhẫn. Chúng treo đầu các anh hùng ngoài đường xá, chợ búa để thị uy. Người sống sót thì bị truy lùng, săn đuổi.  Tuy thất bại, nhưng những vị anh hùng vô danh đó lại trở nên bất tử trong  lòng mỗi người dân. Những giọt máu thiêng liêng của họ đã gieo mầm bất khuất trong dân gian. Những cái chết oai hùng ấy đã phần nào triệt tiêu loài vi trùng sợ hãi trong lòng dân chúng. Người ta  truyền tai nhau những câu chuyện đầy tính huyền thoại này.  Mắt họ sáng lên một niềm tin, một hy vọng.

Trong đêm sâu của ngục thất mênh mông
Rừng tù nhân khắc khoải đợi chờ
Họ hát cho nhau nghe bài ca hy vọng
Tiếng hát trầm rắn ngọt ngào
Những trái tim rỉ máu
Những giọt máu tươi thấm đỏ tim đèn
Và ánh sáng sáng thêm trong đêm
Người ta nghe lao xao
Bước chân của bình minh
Tiếng hát vang to trong đêm tối
Tiếng hát giật tung những xích xiềng
Tiếng hát thiêng liêng
Bay vút lên tầng trời cao
Những ánh mắt sáng hơn sao
Lấp lánh trong màn đêm rùng rợn.

                                                                   @
Tại một  làng quê cách kinh thành chừng mấy ngàn dặm. Một đêm hè.

Trời nóng như thiêu như đốt.  Các vị bô lão trong làng nói rằng tự thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ  đây là lần đầu tiên các cụ  phải chịu đựng cái nóng như thế này. Trời khô hạn. Đất nứt nẻ. Cá chết đầy khe lạch, ao chuôm. Sông suối cứ ngày một khô đi. Cái nóng đã cướp đi một số sinh mạng của những người già cả ốm yếu.  Kinh nghiệm cho hay rất có thể sẽ có một trận đại dịch.

Dân chúng tụ họp trước ngôi nhà thờ tổ trong y phục đại tang. Nhìn cảnh tượng này  người ngoài không khỏi rùng mình. Bên trong là các vị bô lão trưởng các chi họ. Các cụ đang đứng nghiêm trang trước bàn thờ tổ hương khói nghi nghút. Nét mặt các cụ đầy vẻ đăm chiêu. Bên ngoài là con cháu các chi họ. Đây là một họ lớn nhất trong làng. Chỉ kể xuất đinh thôi thì cũng đã có đến  hơn nghìn người rồi.

Ngôi nhà thờ tổ  được xây dựng từ lâu lắm rồi. Mái ngói rêu phong bao trùm  trên một quần thể kiến trúc cổ kính và đậm nét  nghệ thuật Á đông. Nó uy nghi và tràn ngập sức sống. Nó là điểm tựa của mọi người trong dòng tộc, là sự  nối kết giữa hiện tại- quá khứ-tương lai.  Vị trưởng tộc hiện nay thuộc đời thứ mười hai, mười ba gì đó.  Cụ là một người khôn ngoan, tài  trí và quả cảm. Chính nhờ cụ mà ngôi nhà thờ tổ mới tồn tại được cho đến hôm nay.

Trong làng có một cái đình. Nó cũng đã hiện diện từ thuở mới khai sinh làng quê.  Đình làng là sự hiện diện của nền dân chủ xã thôn của nước ta. Nơi đây, người ta hội họp để bàn bạc những vấn đề nhân sinh xã hội như hội hè đình đám, tu bổ đường xá, xây dựng cầu quán cho khách bộ hành có chốn nghỉ ngơi những khi trời nắng nóng hoặc những ngày trời mưa gió sụt sùi. Cây si cổ thụ với chùm rễ xum xuê rợp bóng mát che phủ đình làng là hình ảnh của thái bình, an lạc. Vậy mà nó đã bị triệt hạ một cách tàn nhẫn dưới bàn tay quân xâm lược. Bọn chúng muốn xóa tan dấu vết dân chủ đã có từ ngàn năm của dân tộc để dễ bề cai trị.

Ngoài ra, làng còn có một ngôi chùa cổ kính  được xây dựng từ rất lâu rồi. Ngôi chùa thể hiện tín ngưỡng dân gian mang tính phổ quát. Nó là điểm tựa tâm linh vô cùng cần thiết cho con người. Người ta đến đây không chỉ là để cầu phúc mà còn là để tìm một chút bình an cho tâm hồn vốn luôn bị cuộc sống thế tục làm cho  ô nhiễm. Nếu mất nó, xã hội sẽ trở nên rối ren, tăm tối. Oái oăm thay!  Ngôi chùa bây giờ không còn nữa. Nó cũng bị chung số phận như cái đình làng!

Tất cả những cuộc cưỡng triệt này đều không tránh khỏi đổ máu. Với tất cả tấm lòng bảo vệ  di sản của cha ông, dân chúng các làng quê đã quyết lấy thân mình để ngăn chặn bàn tay hung bạo của kẻ thù. Tuy nhiên, kẻ mạnh bao giờ cũng chiến thắng.

Bây giờ làng chỉ còn lại duy nhất ngôi nhà thờ tổ của dòng họ đã khai sinh làng quê này. Ngôi nhà thờ tổ là cái gai trước mắt bọn man di. Cái gai này nhất định phải bị nhổ bỏ. Mặc dù vị tộc trưởng rất khôn ngoan và tài trí, nhưng cụ cũng không thể cứu được linh hồn của dòng tộc. Ngày hôm qua cụ mới nhận được một công văn hỏa tốc của triều đình do tên lính lệ từ huyện đường  đem tới.  Với lời lẽ đanh thép, tờ công văn yêu cầu phải giao nộp ngôi nhà thờ tổ cho chính quyền sở tại nội nhật ngày mai.

Cầm tờ công văn đóng  dấu triện “ THƯỢNG KHẨN” trong tay, cụ buồn vô hạn. Cụ biết rằng cụ không thể làm trái lênh của bọn  chúng được nữa. Cụ liền triệu tập gấp một buổi họp hội đồng gia tộc để lấy ý kiến xem nên hành sử ra sao. Buổi họp diễn ra trong bầu không khí rất nặng nề. Mọi người đều thất kinh và căm phẫn. Nếu giao nộp nơi tôn nghiêm này cho bọn man di thì chẳng bao lâu chúng sẽ làm ô uế bằng nhiều hình thức ghê tởm. Như vậy, linh hồn các bậc tiền nhân sẽ  bị xúc phạm một cách vô cùng nặng nề. Các ngài sẽ  không được yên nghỉ dưới suối vàng, và  các cụ cùng các thế hệ con cháu sẽ mang tội lớn đối với các ngài. Còn nếu không giao nộp thì chắc chắn cái làng này sẽ bị san thành bình địa. Tình thế cực kỳ nan giải. Cuộc họp bắt đầu từ giờ mão và kéo dài tới tận giờ dậu  mới tìm ra được giải pháp để đối phó với bọn chúng. Tan họp, các trưởng chi họ tức tốc ra về và họp chi họ của mình để thông báo. Theo đó thì vào giờ tuất, tất cả mọi người trong dòng tộc, bất kể nam phụ, lão ấu đều phải có mặt tại nhà  thờ tổ. Tất  cả phải mặc đại tang. Mỗi chi họ phải mang theo một bó củi thật lớn.

Khi tất cả các thành viên của dòng tộc đã có mặt đầy đủ, cụ tộc trưởng cùng các trưởng chi họ thành kính dâng hương trước bài vị tổ tiên. Bầu không khí trang nghiêm bao trùm toàn thể khu nhà thờ tổ. Mọi con mắt đều hướng về bàn thờ hương khói nghi ngút. Họ cảm nhận được bước chân của các bậc tiền nhân đang nhẹ nhàng di chuyển trong sự im ắng tuyệt đối này. Các ngài về đây để chứng giám cho lòng biết ơn sâu xa và lòng thành kính của con cháu các thế hệ. 

Cụ tộc trưởng, giọng run run vì xúc động:

-  Kính thưa các bậc liệt tổ liệt tông,

Tối nay, chúng con, tất cả các thế hệ trong dòng tộc, tề tựu lại đây để tạ tội cùng tổ tiên vì chúng con  không thể giữ lại được ngôi nhà thờ tổ này. Bọn man di bắt buộc chúng con phải giao nộp cho chúng để chúng dùng nơi tôn nghiêm này vào những chuyện ô uế, đồi bại. Vì thế, chúng con xin tổ tiên vui lòng cho phép chúng con được an táng tổ tiên một lần nữa. Chúng con xin đoan nguyền sẽ tái lập một nhà thờ tổ khác khi thời thế cho phép. Còn hiện nay, mỗi người chúng con sẽ xây dựng trong tâm hồn một ngôi nhà thờ tổ kiên cố, cho dù kẻ thù có dùng bạo lực cũng không thể phá hủy được.

Giờ phút này đây, trong nỗi lòng đau xót cùng cực, chúng con kính xin tổ tiên vui lòng xá tội cho chúng con và cho phép chúng con cử hành nghi thức an táng tổ tiên. Xin tổ tiên vui lòng chấp nhận của lễ toàn thiêu của chúng con và độ trì cho chúng con.

Khi cụ vừa dứt lời thì tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng cồng nổi lên. Âm thanh của chúng khuấy động màn đêm. Rồi cụ tộc trưởng châm lửa. Ngọn lửa bùng lên. Con cháu sụp xuống trong nước mắt đầm đìa. Tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng cồng vẫn liên tục vang lên. Hòa cùng tiếng hát – đúng hơn là tiếng van xin tha thiết- của con cháu trong dòng tộc: “ Lửa thiêng ơi! Hãy đến! Bừng sáng lên trong đêm âm u, soi đời tăm tối bao nhiêu âu lo. Lửa thiêng ơi! Hãy đến! Bùng sáng lên!  Mang cho đời ngàn ánh vinh quang. Vui hân hoan”.**

Tiếng hát quyện trong âm thanh của các nhạc khí bập bùng bập bùng theo ngọn lửa càng lúc càng bốc cao, bốc cao… Cứ mỗi cái cột gỗ lim đổ xuống là một lần  ngọn lửa lại bốc cao ngùn ngụt làm  rực sáng một góc trời. Củi của các chi họ mang đến mỗi lúc một nhiều hơn. Ngọn lửa bập bùng trong tiếng cột và củi nổ lách tách cùng  tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng cồng  làm cho muôn lòng sùng sục máu nóng. Âm thanh của các nhạc cụ vang lên mạnh mẽ như hồi còi xung trận. “Lửa  thiêng ơi! Hãy đến! Bừng sáng lên trong đêm âm u soi đời tăm tối bao nhiêu âu lo. Lửa thiêng ơi! Hãy đến! Bùng cháy lên! Mang cho đời ngàn ánh vinh quang. Vui hân hoan.” Tiếng hát-lời cầu xin vang lên không ngừng nghỉ. Gái trai.Già trẻ. Lớn bé. Tất cả mọi trái tim cùng hòa một nhịp.  Những ánh mắt thành kính. Những bàn tay chắp lại nghiêm trang. Màu trắng của y phục đại tang bên ánh lửa bập bùng tạo nên một hình ảnh vừa thê thảm lại vừa hào hùng.

Khi ngôi nhà thờ tổ hoàn toàn thành than thì nghi thức tái an táng tổ tiên chấm dứt. Bây giờ, trên mảnh đất  khoảng hai mẫu chỉ còn là một đống than hồng lớn. Ai nấy đều ngậm ngùi tiếc nhớ hình ảnh thiêng liêng của nhà thờ tổ.

Cụ tộc trưởng ra hiệu cho mọi người quỳ xuống làm lễ bái biệt. Rồi ai về nhà nấy. Họ cúi đầu bước đi trong im lặng. Lúc ấy khoảng giờ tý.

Cụ tộc trưởng ra về sau cùng.  Khi cụ vừa về đến nhà thì đột nhiên mưa ào ào đổ xuống. Không sấm chớp. Không gió giật. Chỉ có nước mưa từ trời cao đổ xuống cuồn cuộn như thác ngàn. Mưa như thế này thì trôi cửa trôi nhà mất thôi. Cụ lo âu khi nghĩ đến thảm cảnh đó. Hay là tổ tiên ta bất bình về việc ta đã làm? Cụ khắc khoải. Cụ áy náy. Cụ thầm van vái tổ tiên xin trừng phạt một mình cụ thôi, đừng để ảnh hưởng đến bà con trong thôn.

Đến giờ dần thì mưa tạnh. Tiếng gà trong thôn eo óc gáy.

Cụ đến trước bàn thờ tổ tiên thắp nhang. Mùi nhang thơm bay tản mạn trong căn phòng. Cặp mắt cụ đăm chiêu.  Cụ nghĩ đến những ngày sắp tới. Bọn man di  chắc chắn sẽ không để yên cho cụ và dân làng. Máu sẽ đổ.  Không, cụ quyết không để cho một ai phải gánh trách nhiệm này. Chỉ một mình cụ thôi. Cụ già rồi. Cụ sẽ được đi gặp ông bà tổ tiên. Đó là phúc lớn của cụ.  Nhất định cụ sẽ không để cho bất kỳ ai phải đổ máu, cho dù họ cương quyết bảo vệ cụ.

Đang miên man suy nghĩ, bỗng  cụ ngửi thấy một mùi hương kỳ lạ. Nó thơm phưng phức. Mùi này không phải mùi hoa trong vườn nhà cụ. Vườn nhà cụ trồng nhiều thứ hoa lắm. Cụ thuộc lòng mùi thơm của từng loại hoa trong vườn. Nhưng mùi thơm này thì khác, rất đặc biệt. Mùi thơm vô cùng thanh khiết. Cụ đứng ngẩn người ra một lúc và tự hỏi mùi này từ đâu đến. Như có một sức lôi kéo vô hình, cụ đi theo hướng có mùi thơm lạ kỳ này. Đi, đi, đi mãi. Cuối cùng, cụ dừng bước trước ngôi nhà thờ tổ. Mắt cụ mở thật to nhìn cảnh tượng trước mặt.  Đống than to nằm trên nền nhà thờ tổ không còn nữa. Thay vào đó là một  cây to lớn đến cả  chục thanh niên vòng tay ôm cũng không xuể. Nhìn cây, người ta có cảm tưởng như nó  có tuổi thọ cả nghìn năm. Từ gốc lên đến ngọn, cành lá xum xuê, xanh biếc.  Cành lá của cây vươn dài ra như những cánh tay. Cây cao ước tính trên mười trượng là ít.  Với chiều cao này, cây tỏa bóng mát cho cả làng và luôn cả vùng lân cận. Đặc biệt, trên ngọn cây có một chùm hoa.  Chùm hoa rủ xuống trông thật đẹp mắt. Chỉ có một chùm thôi mà mùi thơm của nó tỏa ra thơm ngát một vùng rộng lớn. Những cánh hoa có hai màu trắng và hồng phơn phớt. Hai màu hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh vô cùng tuyệt hảo. Lòng cụ rộn ràng. Nỗi lo sợ  bị tổ tiên quở phạt đã tan biến. Niềm vui tràn vào hồn cụ như cơn lốc. Thoắt nhiên cụ rùng mình. Cụ cảm nhận được sự hiện diện của các bậc tiền nhân ngay đâu đây. Cụ sụp suống gốc cây vái lạy. Cụ ngước mắt trông lên ngọn cây cao vút. Chùm hoa như mỉm cười với cụ. Nước mắt cụ lã chã tuôn rơi. Cụ khóc vì hạnh phúc đến với  dòng tộc thật bất ngờ và quá lớn lao. Giữa lúc cụ đang đắm mình trong hạnh phúc thì nghe có nhiều bước chân cùng nhiều tiếng nói. Cụ mở mắt ra thì thấy các cụ trưởng các chi họ cùng con cháu đã kéo đến từ khi nào. Tất cả đều mắt đỏ hoe. Tất cả đều quỳ xuống dưới gốc cây, miệng lẩm nhẩm cầu xin. Cũng như cụ,  họ bị cuốn hút bởi mùi thơm của loài hoa quý và tìm đến nơi đây. Và họ ngỡ ngàng xen lẫn sợ hãi trước hiện tượng kỳ bí  đang hiển hiện trước mắt.

Mặt trời  đã ló dạng ở phía đông đem những tia nắng vàng rộm rải trên vạn vật. Trận mưa lớn đêm qua mang đến sức sống cho muôn loài. Tất cả đã được hồi sinh sau những ngày nắng hạn cực kỳ khốn đốn. Chim chóc tưng bừng nhảy nhót chào mừng ngày mới. Chúng cất tiếng hót líu lo. Một đại dương màu xanh của cây lá trải khắp vùng quê. Tôm cá tung tăng dưới làn nước mát sông hồ, khe lạch, ao chuôm. Người người hân hoan. Nhà nhà mừng rỡ. Điềm lành đã đến với dân đen rồi sao? Những ánh mắt lại hướng về một đấng vô hình để cậy trông van vái.

Chẳng bao lâu hiện tượng kỳ bí  của làng quê cụ tộc trưởng lan ra khắp nơi. Khách thập phương tuôn đến chiêm ngưỡng cây lạ và cầu phúc ngày một nhiều. Ngày nào cũng thế, từ sáng tinh mơ cho mãi tới khi ánh tà huy đã lịm tắt nơi chân trời, cứ nườm nượp người đến kẻ lui.  Dưới gốc cây, lúc nào cũng nghi ngút khói hương và tấp nập người khấn vái. Người ta kể cho nhau nghe về trận mưa lớn diệu kỳ với lòng thành kính tri ân. Những người dân cư ngụ quanh vùng còn nói về ánh sáng của ngọn lửa toàn thiêu trên bầu trời đêm mấy ngày trước đó. Tuy ở rất xa làng quê của cụ tộc trưởng, nhưng họ vẫn cảm nhận được sức nóng hừng hực của ngọn lửa. Lúc ấy tim họ rạo rực khi nghe vẳng đến tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng cồng cùng tiếng hát của dân làng: “ Lửa thiêng ơi! Hãy đến! Bừng sáng lên trong đêm âm u. Soi đời tăm tối bao nhiêu âu lo. Lửa thiêng ơi! Hãy đến! Bùng sáng lên! Mang cho đời ngàn ánh vinh quang. Vui hân hoan”. Những người này đã thuộc và hát lại bài hát đó bằng cả con tìm nồng cháy. Họ còn thêm rằng chính mắt họ đã trông thấy những mũi tên, những ngọn giáo, những thanh gươm tua tủa bay ra từ vùng  ánh sáng  đó. Chúng bay lượn trên bầu trời như những con đại bàng và lấp lánh như những vì sao.

                                                                        @
Thế là điều cụ tộc trưởng lo lắng đã xảy ra. Quan binh triều đình đã kéo đến vây kín cổng làng.

Cụ tộc trưởng ôn tồn bảo đám trai làng đang lăm lăm trên tay  cuốc, xẻng, dao, mã tấu, đòn gánh, đòn xóc, búa …nghĩa là tất cả những gì có thể tự vệ được. Họ bừng bừng khí thế.

-  Các cháu bình tĩnh đợi lệnh ông.
-  Không thể để cho chúng nó xúc phạm đến nơi thiêng liêng này. Mình phải cứng rắn thì bọn chúng mới sợ. Ông để chúng cháu cho bọn chúng một trận cho chúng tởn.
-  Phải đấy, ông ạ. Cả chúng cháu nữa.

Đám đàn bà con gái cũng không thua kém. Họ cứ nhao nhao lên đòi cho bọn chúng một trận. Họ cũng lăm lăm trên tay gạch, đá, liềm, hái…Lại còn lũ trẻ con nữa chứ. Chúng không chịu ở nhà. Chúng kéo hết ra đây để trợ chiến cho cha mẹ, anh chị … Chúng la hét rầm trời: “ Đánh chết hết bọn chúng đi!  Đánh chết bọn chúng đi! Giết hết bọn xâm lăng và bè lũ bán nước đi!”

Nhìn cảnh tượng này, lòng cụ tộc trưởng  không khỏi xúc động. Tất cả mọi người trong dòng tộc đều nhất tâm bên nhau, quyết chiến đấu để bảo vệ sự sống còn của dòng tộc. Thấy  các cháu bé miệng còn hôi sữa mà cũng biết đồng hành cùng các thế hệ cha ông trong những giờ phút sinh tử, cụ muốn trào nước mắt. Tuy vậy, cụ vẫn phải kìm nén xúc động để cho đại cuộc được thành công mà không phải tổn hại xương máu của bà con- hay ít ra là sự tổn hại ấy càng giảm thiểu chừng nào càng hay chừng ấy.  Mảnh đất này đã thấm bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu xương của bao thế hệ rồi! Hôm nay nó sẽ  lại được tưới thêm máu xương nữa để gia tăng màu mỡ cho những thế hệ kế tiếp.

Bên ngoài, quân binh  triều đình rầm rập kéo đến. Hàng hàng lớp lớp. Cờ   quạt, chiêng trống. Gươm, giáo, cung tên. Ngựa hí vang trời. Voi gầm lở đất. Khách thập phương đến chiêm bái và cầu phúc bị đuổi đánh tơi bời. Có người bị bắt trói vì kháng cự. Những người này bị khiêng bỏ bên đường, nằm rên rỉ do vết thương hành hạ. Bọn chúng đóng binh cách ngôi từ đường khoảng hơn năm mươi trượng. Quan tả thừa tướng cưỡi con xích thố, mặt mày đỏ gay. Bên cạnh đó là tên tướng giặc phương bắc chễm chệ  trong cái ghế bành đặt trên lưng voi, hai bên có lính hầu che lọng, trông như một ông vua. Tên này đứng trước tả thừa tướng một cái đầu ngựa. Y ngoái lại phía tả thừa tướng và ngoắc tay. Tả thừa tướng vội vã điều ngựa đến bên, cúi đầu, vẻ rất cung kính. Tên tướng giặc thì thầm vào tai tả thường tướng câu gì đó. Nghe xong, viên  quan đại thần của triều đình lui về vị trí cũ, đưa hai bàn tay múp míp nắn nắn cái mũ cánh chuồn và vuốt vuốt vạt áo, rồi thúc ngựa tiến lên chừng năm ngũ, ngoác mồm hỏi:

-  Trưởng thôn đâu?

Tiếng quan khàn khàn vì hưởng thụ quá độ tửu sắc. Mọi người đưa mắt nhìn cụ trưởng tộc. Cụ trang trọng trong khăn đống, áo dài. Râu tóc bạc phơ. Trông cụ chẳng khác gì ông tiên trong truyện cổ tích. Cụ điềm nhiên như không. Sắc mặt hồng hào,  vóc dáng phương phi. Cụ tiến lên vài bước, cúi đầu thi lễ và dõng dạc:

-  Bẩm quan, thảo dân đây là trưởng thôn ạ.

Tiếng cụ sang sảng như lệnh vỡ. Những kẻ tâm hồn vẩn đục ắt hẳn sẽ run rẩy trước giọng nói đó. Tiếng cụ làm nức lòng con cháu và khiến cho viên quan đại thần cuả triều đình phải dao động, hắn thoáng rùng mình. Xưa nay, tai hắn chỉ quen nghe những âm thanh ấp úng, đứt đoạn, lí nhí chứ chưa hề nghe cái thứ tiếng có âm vang mạnh mẽ như thế này. Tên tướng giặc cũng phải giật mình, suýt chút nữa thì bắn ra khỏi cái bành voi. Những người bị bắt trói nằm gần đó cảm thấy ấm lòng khi nhìn cụ oai phong lẫm liệt trước bạo quyền.

Tả thừa tướng, sau khi lấy lại bình tĩnh, lên tiếng bằng cách bắt đầu bằng tiếng “e hèm” cố hữu rồi  đưa mắt quan sát vẻ mặt đối phương để đo lường mức độ tinh thần. Nhưng hắn cảm thấy thất vọng. Đối phương đứng đó dáng  vẻ vững chãi như bàn thạch. Hắn đành phải cố gắng quát tháo (nhưng tiếng quát của hắn vẫn chỉ như một làn gió nhẹ thổi qua tai người nghe):

-       Thứ cỏ vườn hèn mọn kia, mi cả gan chống lại triều đình hả?
-       Bẩm quan, đâu còn triều đình nữa mà bảo rằng  thảo dân chống?
-       À, thằng này láo! Mày dám lăng mạ vua hả?
-       Bẩm quan, nước đâu còn vua nữa.
-       Bay đâu? Cho nó một trận để nó biết thế nào thân cỏ vườn.

Một tiếng “ dạ” vang rần và bầy sói hùng hổ chạy lên. Phía sau cụ trưởng thôn cũng có những bước chân rầm rập chạy tới cùng với những tiếng thét phẫn nộ long trời lở đất: “Giết! Giết! Giết! Giết chết lũ bán nước! G…i…ế…t…”

Khi bầy hổ chỉ còn cách cụ thôn trưởng độ nửa cây nhang thì từ trong cây cổ thụ bùng ra một trận cuồng phong. Cát bụi tung lên mù mịt. Bầy hổ ngã lăn nhào  và bị gió thổi lăn lông lốc trên mặt đường.  Viên quan đại thần của triều đình và tên tướng giặc phương bắc bị đầy lùi về phía sau cả đến vài chục trượng. Gió càng lúc càng mạnh. Bọn  quan binh mặt cắt không còn giọt máu, ù té chạy, miệng kêu khóc thảm thiết. Thấy vậy, hai tên đầu sỏ cũng  quay đầu chạy theo. Vừa lúc đó, mây đen kéo đầy nghịt bầu trời, sấm chớp ầm ầm. Rồi một tia chớp xé nát không trung cùng với tiếng sét kinh khiếp nổ vang. Tên tướng giặc phương bắc và tả thừa tướng bị xé làm đôi, rơi xuống đất, liền  bị  voi và  ngựa  của chúng đạp nát nằm chình ình  như bãi phân trâu.

Bỗng nhiên, trời trở lại trong sáng; gió cũng ngừng thổi.

Cụ trưởng tộc hối hả ra lệnh cho bà con cởi trói cho khách thập phương và chữa trị vết thương cho họ. Sau đó, cụ cùng tất cả mọi người quỳ xuống dưới gốc cổ thụ, dâng hương cảm tạ tổ tiên đã độ trì trong cơn nguy biến vừa qua.

Đêm hôm đó, cụ trưởng tộc được tổ tiên báo mộng dạy xây nhà thờ tổ dưới tán cây cổ thụ….

Uyên Sồ


Ghi chú: * Thơ Nguyễn Khuyến: Vịnh ông phỗng đá** Bài hát sinh hoạt Hướng đạo: Gọi lửa thiêng

No comments:

Post a Comment