Friday, April 14, 2017

Cô Gái Việt Cụt Chân Trên Đất Mỹ



Image result for moonlight photography

Ngày gia đình tôi mới đến Mỹ cuối năm 1994. Cậu em đón về nhà tại Santa Ana, ở tạm rồi đi tìm nhà thuê, chọn lựa mãi cuối cùng dọn đến căn duplex cạnh nhà Ngọc Sương, cô kém tôi gần chục tuổi, ở Mỹ đã lâu rành đường đi nước bước, nên giúp đỡ và chỉ dẫn cho tôi rất nhiều. Huỳnh chồng của Ngọc Sương, một người trầm tĩnh ít nói. Hai vợ chồng cùng tốt bụng, chúng tôi thân nhau từ đấy.

Ngày ấy gia đình tôi như những người ở quê mới lên tỉnh, thấy cái gì cũng lạ lẫm. Như Bộ đội “Già Hồ” mới ở rừng Trường Sơn chui ra Saigon, thấy quạt trần tưởng máy chém (nói đùa thôi). Tại chúng tôi chưa biết sử dụng, từ cái bếp gas bật không lên, đến máy sưởi không nóng giữa mùa đông giá rét, cũng gọi Huỳnh. Dù đêm tối hay bất cứ lúc nào anh cũng sẵn lòng chỉ dẫn. Thật thấm thía câu: “Hàng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”.

Mới gặp Ngọc Sương tôi không biết cô đi bằng đôi chân giả. Mãi đến khi cô kể về tai nạn mà cô gặp phải, tôi mới để ý. Cô chỉ bước đi hơi chậm, làm mọi việc như người bình thường, lái xe đi chợ, đi bác sĩ, đưa con đi học. Hai đứa con gái rất xinh của cô đang học ở truờng Pree School gần nhà. Cô chở tôi đi học ESL, đưa đi tìm việc làm…

Mới qua tôi rất nhát, ra đường thấy xe chạy như mắc cửi, muốn chóng mặt. Nhưng nhìn cô, tôi tự nhủ: “Mình phải học lái xe, chứ không dựa dẫm vào người khác mãi”. Vì nghe người ta nói “Ở Mỹ mà không biết lái xe, thì như người cụt chân”. Nhưng trong hoàn cảnh của cô, cụt cả hai chân chưa phải là tuyệt vọng. Ngoài những lúc phụ chồng ở tiệm Beauty Supply, ở trong nhà cô đi bằng hai đầu gối để làm việc, nào nấu nướng, giặt giũ, clean nhà cô đều làm hết. Cô thật là một người chăm chỉ và có ý chí phấn đấu.

*
Quay lại thảm cảnh xảy ra cho gia đình Ngọc Sương, đúng ba tháng trước ngày miền Nam Việt Nam bị nhuộm đỏ bởi Cộng Sản 30/4/1975. Gia đình Ngọc Sương đang sống yên lành trong một xứ đạo ở ngoại ô Sàigòn. Quận Hốc Môn, gần Trại Thành Ông Năm, nơi đặt Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo và Liên Đoàn 30 Công Binh Chiến Đấu. Cách Saigon khoảng hai mươi cây số.

Năm đó Ngọc Sương vừa mười sáu trăng tròn, tuổi đẹp và nhiều mộng mơ nhất của thời con gái. Ngọc Sương còn nhớ mọi người đang sửa soạn đón Tết con mèo, thì vào khoảng hai giờ đêm ngày 29/1/1975 cô đang ngon giấc, bỗng bật dậy, vì tiếng nổ ầm khủng khiếp. Thình lình quá Ngọc Sương chưa phân biệt được việc gì, mở mắt ra chỉ thấy bụi đất bay mù mịt, văng đầy trên mặt, mũi, miệng, muốn ngộp thở. Dụi mắt nhìn kỹ thì Trời ơi! Mái nhà và bức vách giữa nhà đã bay đâu mất, để lộ bầu trời đầy sao lấp lánh. Ngọc Sương nghe những tiếng la khóc chung quanh, mà tưởng như tiếng kêu la vọng về từ cõi nào. Cô cảm thấy lưng mình ươn ướt, đưa tay rờ thử, giơ bàn tay lên toàn là máu, cô biết mình đã bị thương vì trúng đạn pháo kích của Việt Cộng. Ít phút sau đó, hàng xóm chạy đến thật đông. Người thì vào nhà bới đống gạch đổ nát để đưa từng người bị thương ra, kẻ thì đi tìm xe cứu thương. Một cô bạn cùng xóm không thấy Ngọc Sương đâu, cô ta cất tiếng gọi lớn, và nghe được tiếng trả lời yếu ớt vọng ra từ góc nhà. Co ta liền nhào tới nắm hai tay kéo bạn ra khỏi chiếc giường gẫy. Lúc đó Ngọc Sương cảm thấy người đau đớn và ê ẩm quá, nghe cô bạn vừa khóc vừa nói:

- Lạy Chúa tôi! Ngọc Sưong bị nát hết một chân, còn một chân đứt lìa chỉ còn dính chút da tòng teng.

Cô bạn cúi xuống bế Ngọc Sương lên và khám phá thêm cô bị một vết đạn sượt ngang lưng nữa. Ngọc Sương được đặt xuống nền nhà, mình mẩy cô lúc đó máu me ướt đầm đìa, ai cũng nói: “chắc cô khó sống”, nên không đưa lên xe cấp cứu, mà chỉ lo cho những người bị thương nhẹ hơn. Khi cha xứ đến thăm và sức dầu Thánh cho những người sắp chết! Mặc dù anh Ba của cô cũng bị thương, anh cố nói: “Xin cha cứu em con, vì còn nước còn tát”. Nghe vậy cha liền cho người đi xin thêm xe cứu thương. Lính trong trại Thành Ông Năm, đã mau mắn cho một chiếc xe dodge chung quanh có vây những cây gỗ để chở đồ. Người ta đặt Ngọc Sương nằm trên chiếc giường sắt khiêng lên xe chở đi. Lúc lên xe như một phép lạ Ngọc Sương tỉnh lại, cô còn nhớ rõ đêm đó trăng sáng lắm, cô buột miệng kêu lên;

- Trời! Trăng đêm nay sáng quá!

Mấy người đưa Ngọc Sương đi nhà thương nghe vậy, ai cũng sởn tóc gáy bảo nhau:

- Người sắp chết thường hay nói gở vậy!

Cô còn nghe họ bàn nhau, đưa Ngọc Sương vào Bệnh Viện Vì Dân ngay Ngã tư Bảy Hiền cho gần. Nhưng xe đến cổng Bệnh Viện thì bị từ chối vì không đúng tuyến. Nhân viên Bệnh Viện khuyên nên chở cô đến Nhà Thương Bình Dân thì đúng hơn. Bác tài xế nhanh trí nói: “Chúng tôi đã đến Nhà Thương Bình Dân rồi, nhưng không được nhận, các ông làm ơn cứu giùm cô bé này bị thương nặng lắm, máu chảy nhiều quá!”. Nghe vậy họ cho nhập viện.

Ngọc Sương thiếp đi khi được đưa vào phòng mổ. Nhờ kịp thời, nên Ngọc Sương đã được cứu sống.

Hai tháng trời, nằm trong Bệnh Viện Vì Dân mà gia đình giấu không cho Ngọc Sương biết về cái chết của mẹ và em gái, cho đến một hôm có người bạn học đến thăm đã vô tình nói cho cô biết. Hôm ấy xe cứu thương chở em Út và người hàng xóm kế bên vào Nhà Thương Giếng Nước Hốc Môn cấp cứu, nhưng không chữa được, chuyển lên Bệnh Viện Saigon, đợi lâu quá, nên em đã chết vì mất nhiều máu. Ngọc Sương khóc sưng mắt, tủi cho thân phận đã mồ côi cha, bây giờ lại mất mẹ, và thương quá người em gái nhỏ.

Nhà Ngọc Sương xây theo kiểu miền quê, chia làm ba gian, phía trước là phòng khách, bên trong bức ngăn là buồng ngủ, gian thứ ba là phòng ăn và cuối cùng là nhà bếp. Buồng ngủ kê bốn góc bốn cái giường, được ngăn chia bằng những tấm ván ép, hoặc màn gió đơn sơ. Giường của mẹ Ngọc Sương nằm phía bên phải sát bức tường trúng đạn. Đêm đó cô nghe tiếng mẹ la Trời ơi Trời ơi rồi im luôn… Ngay sau tiếng la, mẹ tắt thở! Đứa em gái Út bị thương nằm cạnh mẹ. Anh Ba của Ngọc Sương nằm chung với người anh bà con ở chiếc giường kê góc trái. Người anh họ chết tức khắc trong giấc ngủ vì sức công phá của trái đạn. Còn anh Ba của cô là lính tác chiến vừa bị thương bể xương bánh chè chân trái, trong trận Đánh tại Phước Long, phải đi nạng gỗ, anh đang nghỉ phép dưỡng bệnh chờ ngày ra Hội Đồng Giám Định Y Khoa. Đêm đó lại thêm lần nữa bị mảnh đạn pháo kích trúng, giập ngay chân bị thương. Sau đó Bác Sĩ phải cắt bỏ bên trên đầu gối.

Trong nhà thương một chiều buồn, Ngọc Sương chán nản nhìn lên bầu trời qua cửa sổ, những đám mây u ám chuyển sắc đen như báo hiệu một cơn mưa sắp đến. Ngọc Sương nhớ nhà, nhớ tới cha người chết trong một tai nạn lật xe tại đèo Hải Vân, vào cuối năm 1963, để lại cho mẹ một đàn con dại. Tội nghiệp mẹ mất, chưa đến năm mươi tuổi. Khi còn sống mẹ hay kể về quê hương của mẹ ở tuốt miền Trung xa xôi, làng Ký Bưu thuộc tỉnh Quảng Trị, gần Thánh Địa Đức mẹ La Vang, trong làng có ngôi nhà thờ Các Thánh Tử Đạo rất lớn, bị xập hai lần vì bom đạn, mẹ nhắc lại trong tiếc nuối. Làng Ký Bưu ở cạnh Cổ Thành Quảng Trị, cũng là nơi còn ghi chiến tích oanh liệt đã từng một thời đi vào Quân sử Việt Nam Cộng Hoà.

Cha mẹ Ngọc Sương có tất cả năm người con. Trước cô là chị Hai và anh Ba, kế cô là em trai và út là em gái. Năm 1964 mẹ bỏ ngôi làng, nơi giao tranh diễn ra hàng ngày để dẫn chị em cô đi lánh nạn Cộng Sản. Đi “ loanh quanh cho đời mỏi mệt” hết Đồng Tâm, đến Long Khánh, nhưng làm rẫy không quen, cực khổ quá. Cuối cùng mẹ con bồng bế nhau về nhà bà bác ở xứ đạo Châu Nam, Hốc Môn, mẹ Ngọc Sương theo bác đi buôn bán, lên Chợ Lớn ở Đại Lộ Hùng Vương cất hàng chạp khô về bán lẻ ở chợ nhỏ, tảo tần vất vả cũng không đủ ăn đủ mặc. Sau nhờ có người quen đưa mẹ vào làm lao công quét dọn trong sở Mỹ ở Củ Chi. Mẹ chăm chỉ làm lụng và dành dụm chắt chiu mua được căn nhà nhỏ gần nhà thờ, đó là ước mơ đơn sơ của mẹ. Từ đó cuộc sống của mấy mẹ con ổn định hơn. Chị em cô được học trong ngôi trường của xứ đạo, được thầy cô dạy những câu kinh “mến Chúa yêu người”, những bài công dân giáo dục “Tiên học lễ hậu học văn”.

Nhưng đầu năm 1975 đạn pháo kích 122 ly của Bắc Cộng lại rơi lầm chỗ, đã cướp đi người mẹ thương yêu và người em gái út của Ngọc Sương, khi phá tan căn nhà nhỏ bé mà mẹ đã tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt, đầu tắt mặt tối suốt một đời.

Ngày xuất viện Ngọc Sương ngồi trêc chiếc xe lăn mới mẻ lạ lùng, nhìn xuống hai chân bị cắt bỏ từ bên dưới đầu gối, mà nhớ lời Bác Sĩ nói: “May mắn cho cháu chỉ bị mất đôi chân, còn toàn bộ phần trên thân thể vẫn còn nguyên vẹn”.

Nghe Bác sĩ nhấn mạnh chữ “may mắn” mà tim Ngọc Sương đau thắt, cô mím chặt đôi môi để không bật thành tiếng khóc. Một cô gái mới lớn đầy sức sống, tương lai rộng mở, giờ thành tàn phế. Đôi lúc Ngọc Sương nghĩ đến cái chết, nhưng rồi số mệnh đưa đẩy Ngọc Sương tới nước Mỹ.

*
Ngọc Sương quên nhắc đến chị Hai, và cậu em kế phải không? Vâng cái đêm kimh hoàng đó hai người không có ở nhà, vì cậu em lên nhà bà dì trên Sàigòn ăn tết, còn chị Hai của cô thì theo chồng qua Mỹ. Số là năm 1969, chị Hai phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ mẹ nuôi các em, chị xin được chân thư ký đánh máy trong sở Mỹ ở căn cứ Long Thành. Năm 1970 chị quen và yêu anh Gary Mastin là chuyên viên kỹ thuật qua Việt Nam làm việc.

Sau đám cưới được một năm thì anh hết nhiệm kỳ phải trở về Mỹ, và làm giấy tờ bảo lãnh cho vợ, thế nên chị Hai đi đoàn tụ vào khoảng cuối năm 1972. Mẹ không muốn chị đi xa, nên chỉ có mấy anh em ra phi trường Tân Sơn Nhất đưa tiễn chị.

Mấy tháng sau nhận được thơ gửi về, nhà anh chị Hai ở thành phố Morrow tiểu bang Georgia. Mẹ đọc thư mà cứ khóc vì nhớ chị. Đến cuối năm 1973 lại nhận được thơ chị báo tin sanh cháu trai đầu lòng, anh chị rất hạnh phúc. Chị kể gia đình anh còn đầy đủ cha mẹ, và rất đông anh em, mọi người đều đối xử tốt với chị. Nhưng ở tiểu bang này mùa đông lạnh và buồn, không gặp được một người đồng hương, cũng không có chợ nào bán đồ ăn Việt Nam, nên chị nhớ nhà lắm. Thỉnh thoảng chị gửi tiền về giúp mẹ và các em.

Thế rồi đầu năm 1975, chị nhận được hung tin gia đình gặp nạn, mẹ và em út chết, hai đứa em bị thương tật. Chị đã khóc thật nhiều, rồi bị khủng hoảng tinh thần một thời gian, suốt ngày chị cứ nói lảm nhảm: “Trời ơi! Mẹ tôi đâu? Các em tôi đâu hết rồi? Tôi phải cứu các em tôi qua đây”.

Thật tội nghiệp chị đã đi làm hai job, rồi bị bệnh sút lưng, nhưng chị đã cố gắng để cùng anh bảo lãnh cho ba đứa em còn lại. Ngày 15 tháng 9 năm 1983, ba anh em Ngọc Sương đã được đoàn tụ với anh chị. Đó là lý do ngày nay Ngọc Sương có mặt tại Hoa Kỳ này.

Hơn một tháng sau, khi đã hoàn tất thủ tục của người mới định cư. Ngọc Sương được một Hội Từ Thiện bảo trợ, để làm giấy tờ đến Trung Tâm Chỉnh Hình, gắn đôi chân giả mới êm ái, giúp cô vững tin hơn. Cô ghi tên học lớp ESL, rồi học lái xe. Ở thành phố Morrow với anh chị Hai được mười tháng, với những điều kiện không dễ thích ứng. Ngọc Sương quyết định theo cô bạn sang tiểu bang California nắng ấm, cô bắt đầu lại cuộc sống mới nơi này.

Một năm sau, như các học sinh nghèo tại Mỹ, Ngọc Sương cũng được chương trình trợ cấp (grants) đầy đủ của Chính Phủ. Cô ghi tên xin học Anh Văn tại trường Golden West College. Đến lấy hẹn để test, xếp lớp, Ngọc Sương gặp vài người bạn cùng tiếng nói (lúc đó người Việt Nam còn ít) cô rất mừng, họ đã chỉ dẫn và khuyên cô nên học tóc, nail hoặc skin care dễ kiếm việc, và hợp với vốn liếng tiếng Anh khiêm nhường của cô. Ở một đất nước xa lạ từ tiếng nói đến chữ viết, rất khó khăn khi cô phải học bắt đầu, từ các lớp Listening, speaking, reading… Nhưng nhờ ý chí và quyết tâm, cô cũng theo kịp bạn bè.

Sống sót trong một đất nước chiến tranh đầy bom rơi, đạn lạc. và đã chứng kiến biết bao cảnh tang thương, sinh ly tử biệt. Khi đến được đất nước tự do, Ngọc Sương không ngồi trên xe lăn, ỷ vào tàn tật để xin tiền bệnh. Sau những ngày chịu khó học hỏi, lấy được mảnh bằng, để đi làm việc. Cô tự nghĩ, đến được Mỹ rồi “Nhập gia tùy tục” đi làm ít hay nhiều, phải đóng thuế mới làm tròn bổn phận một công dân. Vì còn trẻ, cô đâu có thể ngồi một chỗ mà trông vào mấy trăm tiền SSI không đủ chi tiêu hàng tháng, mà phải lệ thuộc vào nhiều luật lệ khắt khe.

Thế rồi, do người bạn giới thiệu, cô gặp Huỳnh một người đàn ông đứng tuổi, gia đình đã một lần gẫy đổ, vết thương lòng của anh cũng đau đớn không thua nỗi đau trên thân xác cô, nên dễ cảm thông nhau. Huỳnh kể với Ngọc Sương, Sau cuộc ly dị anh đã để lại nhà cửa, tài sản mà anh vất vả gầy dựng, kể cả hai đứa con lại cho vợ anh (nàng đã một thời là hoa hậu áo dài) ra đi trong nỗi buồn và cô đơn cùng cực. Như bao người đàn ông sống trên đất Mỹ gặp cảnh gia đình chia ly.

Sau một thời gian tiếp xúc và tìm hiểu, hai người đã gắn bó tha thiết hơn. Tuy bị khuyết tật nhưng Ngọc Sương trẻ hơn chồng mười lăm tuổi. Và cô vẫn còn giữ được những đức tính thuần túy “Tam Tòng Tứ Đức” của người phụ nữ Việt Nam, chưa bị Mỹ hóa. Ngọc Sương biết tự trọng, không ỷ lại. Một người con gái có cá tính, đã làm anh cảm mến. Mặc dầu những bước đầu khập khiễng trên đôi chân gỗ nơi xứ lạ quê người. Cô đã nhiều lần ngã, dù chỉ là cái vấp nhẹ, nhưng anh là người đã đỡ cô dậy và dắt cô đi tiếp trên đường đời.

Mỗi Năm tháng, trôi qua trong cuộc đời, Ngọc Sương khám phá ra nét độc đáo đầy nhân bản và tình người trong văn hoá Mỹ. Một đất nước bao dung, đem đến cho mọi người quyền bình đẳng, luôn tạo cơ hội cho mọi người học tập, tiến thân và được tiếp xúc với nền giáo dục hiện đại. Nhất là tấm lòng nhân ái của người bản xứ, luôn ưu ái và ưu tiên những người handicap trong mọi hoàn cảnh.

Cô nghiệm ra một điều “cuộc sống không hẳn là lúc nào cũng suông sẻ, mà thực tế luôn có những khó khăn, trở ngại theo cùng. Đôi khi có những việc xảy đến rất đau đớn và quá sức chịu đựng của con người. Có người gục ngã. Có người bỏ cuộc. Nhưng cũng có người vượt qua được. Chỉ khi đã vượt qua rồi, người ta mới nhận ra rằng, nếu không có những biến cố đó, thì họ đã không thể trưởng thành hơn và biết được sức mạnh của chính mình”.

Năng Khiếu

No comments:

Post a Comment