Saturday, April 15, 2017

Ai Lấn Vĩa Hè Sài Gòn...


Trong tiệm.

Chị Ngà đang quấn tóc uốn cho bà khách. Bà khách lên tiếng khơi khơi:

- A a a... trời ơi thấy tin tức bên nhà mà tội nghiệp. Cô biết hông hồi xưa tui cũng là dân buôn gánh bán bưng, suốt ngày gánh kẽo kẹt hai gióng gánh đầy đồ bán buôn suốt ngày, kinh qua rồi, trải qua rồi, tui dư biết cảnh khổ mà, họ làm như vầy thì bà con sống làm sao đây?

Chị Ngà từ tốn hỏi:

- Mà vụ gì vậy chị? Hồi xưa chị bán cái gì?

Bà khách trợn mắt, nhìn chị Ngà qua lớp kiếng:

- Xời, bộ cô suốt ngày hổng mở tivi lên coi hả? Xời ơi vậy rồi làm sao biết tin tức gì? Nhứt là tin ở bển? Hồi đó tui bán nồi bánh canh giò heo. Ngon nhứt xóm nghen.

Chị Ngà cười:

- Dạ thì chừng nào hổng có khách mới mở tivi, có khách thì um sùm quá, với lại nghe khách nói chuyện vui hơn mà chị. Trời, bánh canh giò heo là món ruột của tui nghen. Hồi nhỏ có tiền ăn tô bánh canh hiếm lắm. Thường thường ăn xôi rẻ hơn... lúc nào cũng thèm thuồng. Bây giờ ăn thừa mứa ra, mà sao hổng thấy ngon như hồi đó.

Nghe vậy coi bộ khách vừa ý, cười tủm tỉm, trả lời một dọc nhưng có lớp lang:

- Ờ ờ, ai cũng vậy mà, tại bây giờ cái gì cũng có ăn quá nhiều thành ra vậy. Cũng tại vì hồi đó mình ăn toàn thịt tươi chớ đâu có đông lạnh như bây giờ. Cái gì cũng tươi, thịt thà, rau cải bún biếc gì cũng tươi... Ờ ờ, cũng đúng, nhiều khi khách khác tánh khác ý đâu phải ai cũng thích coi tin tức như tui. Ờ, thì là vụ thấy họ nói bây giờ chính phủ đang có lịnh cấm lấn choáng lề đường kìa. Từ cửa tiệm, ai xây nấc thang lấn chiếm ra vỉa hè thì phải đập phá hết. Cấm buôn gánh bán bưng, xề ngồi, khách ăn uống chấn ngang không cho ai qua lại. Hiện tại, mấy cái tiệm hàng quán nào mà lấn lề đường, xây luôn bậc thang ăn gian thì bị đập phá bỏ hết hông nương tay kìa.

Hôm nay thấy thêm cảnh mới, mặt tiền quán cà phê StarBucks rất đẹp, cái hàng ba vòng cung bằng gạch, có để bàn lộ thiên cho khách ngồi nhâm nhi cà phê như mấy vỉa hè bên Pháp, đang bị đập hai bên bực thềm. Nằm vững vàng rềnh rang ngay góc đường bị đập hết phân nửa, thu nhỏ lại thấy cái tiệm mất hết uy phong!.

Nghĩ cũng lạ quá, khi xây dựng một tiệm đồ sộ như vậy, lẽ đương nhiên họ phải nộp giấy tờ xin phép xây cất chớ, tại sao lúc đó không cho họ biết là lấn lề đường. Cho xây lên rồi giờ đập bỏ. Hồi xưa họ xây lấn ra vậy chắc tốn bộn, bây giờ phá ra tiếc dữ à. Như vậy chắc hồi xin giấy phép đã nộp một đống tiền hối lộ rồi, giờ thưa ai???

Chị Ngà nói:

- Vậy là có thêm lý do hối lộ tham nhũng.

Bà khách cười:

- Hà hà hà, biết đâu hồi nộp họa đồ xây dựng thì khác, xây lên rồi kiểm soát cho hợp pháp xong rồi, sửa lại làm thêm mấy hồi? Còn bây giờ, làm sao hối lộ? Nhân viên chính phủ tới, họ lấy thước đo từ lề đường vô tới trong, phần nào dư ra thì họ cho hay có bao nhiêu ngày để chủ nhà tự phá, tới ngày họ tới xét mà còn thì bậc thang nào ló ra họ cho thợ đập tại chỗ, bỏ loang lỗ đó chủ nhà ráng chịu. Em tui mới đi qua bển đám ma ông già chồng kể lại thì đúng y chang. Ngay tại khách sạn nó ở, buổi sáng sớm ra thì thấy thợ đo đo, đập đập bỏ cả nửa thước làm cho chỗ bước lên bị thụt vô, hỏi thì họ nói bữa nay là ngày hẹn phải tự làm hông thôi lát nữa họ tới phá ra tùm lum rồi mình cũng phải xây lại. Ngay mặt tiền chỗ lên xuống, hổng theo luật và sửa theo ý mình thì xấu khách sạn mình sao.

Tuấn hỏi vói:

- Cô ơi, thế sao khi trước lại lấn ra lề đường làm gì để bây giờ phải đập thế?

Bà khách cười ngất:

- Xời ơi, cậu nầy chắc qua đây lâu đâu có sống trong một xã hội vô kỹ luật ngày nào đâu mà biết, thì đại khái thấy nhà người ta sao mình vậy, hễ ai lấn ra đường được miếng nào thì mình cũng lấn ra miếng đó, một tất đất là một tất vàng mà em. Đất Sài Gòn hiện nay, cỡ mình nè, bây giờ mà có về bển cũng rớ gì nổi. Bây giờ họ giàu lắm em ơi. Mà hễ giàu thì giàu hết biết mà nghèo cũng nghèo sặt gạch luôn. Em tui kể nó thấy ngay tại góc đường Lê Thánh Tôn với Nguyễn Trung Trực, là ngay trung tâm Sài Gòn, có mấy thanh niên cỡ tuổi của chú em hay nhỏ hơn, ban ngày sửa xe, ban đêm họ ngủ luôn tại chỗ để giữ xe luôn. Tội hông.

Chị Ngà tiếp:

- Còn mấy em đánh giày bán vé số không nhà chi, cũng ngủ ngoài đường mà.

Bà khách lắc đầu:

- Em tui nói còn nữa, còn một số con nít chừng năm sáu bảy tuổi là nhiều, không xin tiền đâu, tụi nó mang cái hộp có vài cái đinh vài miếng da hộp keo dán gì đó, sửa giày tại chỗ luôn, nghĩa là mình có giày hư đưa nó, ngồi đại bên lề, nó lấy đồ nghề ra sửa liền xong mình mang vô đi tiếp. Con nít tự kiếm ăn vậy đó, trong khi con cháu mình ở đây tuổi đó đồ chơi ê hề bày đầy nhà ăn sung mặc sướng được đi học đàng hoàng tương lai sáng sủa. Nghĩ mà tội!.

Khải hỏi:

- Thế, còn tình hình chống Formosa làm cá chết, chống Trung Cộng tràn lan ùa qua nước ta mua đất mua nhà thì sao, chị?.

Bà khách lắc đầu, thở dài một cách ngao ngán:

- Em tui nói cả hai tuần ở tại Sài Gòn, có thấy gì lớn đâu. Cái hôm giữa tháng Ba, trên mạng rần rộ nói là biểu tình lớn lắm nầy nọ, thực sự thì chỉ là vài nhóm người vừa tụ tập trước nhà thờ Đức Bà thì bị hốt hết lên xe chở đi liền. Dân tình thì lo kiếm sống, họ còn mừng hổng có biểu tình thì đỡ bị kẹt xe. Nó nghe mấy người tài xế taxi nói, kiếm ăn khó lắm, họ phải mướn xe, lái liên tục hai ngày, sau khi trừ tiền mướn xe tiền xăng nhớt, phần còn lại chia với chủ xong, hên lắm là còn được bốn năm trăm ngàn đồng là mừng rồi, có khi ít khách còn bị lỗ nữa. Khó sống lắm mấy người ơi.

Thu hỏi:

- Ủa vậy sao nghe nói dân Sài Gòn bây giờ giàu hơn Việt Kiều mà. Thấy dinh thự nhà lầu xây lên tưng bừng, càng ngày càng cao, con cái cho du học qua Mỹ, Úc, Ý Canada gì tùm lum kìa.

Bà khách nói:

- Ờ, thì chỉ là cái số kiếm ra tiền một cách dễ dàng thì giàu, còn số tay làm hàm nhai nghèo khó thì đông lắm em ơi. Còn dân thì, làm sao chống Trung Cộng chỗ nào được? Họ mang tiền qua du lịch, hãng du lịch mọc lên như nấm, có việc làm cho nhiều người. Ngành du lịch phát triển thấy ớn, thử hỏi ai cũng lo cho cái bao tử, còn ai đâu lo chuyện mất nước? Nó tràn qua lấn lướt từ từ, nó chiếm đất của mình bằng cách đó đó.

Nói xong bà khách thở dài. Câu chuyện mở đầu khơi khơi và kết thúc cái rụp.

Những hình ảnh năm xưa loáng thoáng bay qua cửa sổ tâm hồn. Những buổi chiều nắng vàng, bận áo dài trắng tay ôm cặp màu đen, đi phất phơ trên vỉa hè Lê Lợi, ghé qua xề xuống mấy tấm ny lông đựng đầy sách cũ, vừa lựa vừa mở ra đọc cọp vài trang. Vừa ý vừa túi tiền học trò nghèo thì mua, biết sẽ phải nhịn ăn trưa ngày hôm sau.

Những quyển sách mỏng manh ấy chị Ngà đã cất giữ cẩn thận từ thập niên sáu mươi, thời còn học Trung Học, cho tới nay. Lâu lâu ngồi một mình, chị lấy ra lật từng trang đã vàng màu thời gian một cách cẩn trọng từ tốn nhẹ nhàng, như nâng trứng hứng hoa, sợ vỡ sợ tàn.

Nhắc tới chuyện xa xưa, trong lòng chị Ngà thấy bùi ngùi làm sao.../.

Trương Ngọc Bảo Xuân

No comments:

Post a Comment