Saturday, August 6, 2016

Câu Chuyện Chè Chuối

 Ỷ Lan

Trích trong tác phẩm "Quê Nhà"


Phải công nhận, nói chuyện ăn, không ai kể hấp dẫn bằng người Nam, vì họ thừa mứa đủ thứ!! Rau, trái cây, tôm, cá, cua, rắn, rùa (muốn gắn có gắn, muốn gùa có gùa!)... Kể sao cho hết? Bữa đó, "phái đoàn" người Nam đông nhất, họ chiếm đóng thị trường bằng những câu chuyện đầy chi tiết về cá lóc, cá trê, cá giếc, cá rô, cá bông lau, cá lờn bơn, và nhất là cá chốt. "Hậu giang nước chảy lờ đờ Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu"... làm cho mấy anh bạn miền Trung, chỉ biết có cá gỗ, phải chịu thua luôn!!

Đề tài nói chuyện khởi từ mặn chuyển sang ngọt. Ỷ Lan thấy ai cũng mơ mộng nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ ấu, khi Mỹ nhắc tới ...chè! Đủ loại chè. Chè bắp, chè bột khoai, chè khoai môn, chè đậu xanh, chè đậu ngự, chè bột lọc bọc tôm thịt, chè chuối... Đúng rồi, chè chuối! Ỷ Lan nhớ đã từng ăn một ly chè chuối (ra nước ngoài hết còn ăn chén?) tại khu Bolsa hồi qua Cali năm ngoái. Còn nhớ hoài mùi thơm phức - vừa chuối, nước dừa, vừa.. đủ thứ!

Ôi, làm sao mình nấu được một nồi chè chuối để ăn nữa khuya trong những lúc làm báo? Có ai biết nấu không hè? Mọi người cùng im lặng một lát, nhìn nhau.. rồi cùng cười ồ. Ai cũng nhớ chè chuối, mang máng đoán ra có những thứ gì trong, nhưng chưa ai nấu bao giờ!!! Làm sao đây? Cách giải quyết hay nhất là áp dụng chính sách "tập thể". Mỹ, người đầu tiên xung phong nghiên kíu:

- Em không biết nấu, nhưng em biết chỗ mua chuối thật ngon, thật rẻ. Phải mua chuối chín muồi, có mật bể ra nấu chè mới ngon. Em nhớ má dặn vậy. Để mai đi giao sách báo vùng 13 em chạy mua luôn.

Nghe câu này, ai cũng cười! Biết tánh Mỹ rõ quá mà! Mỹ tuổi trâu, nhưng Ỷ Lan thấy như tuổi ngựa, vì anh cứ thích chạy hoài, chạy mãi, ngồi không yên. Đi đâu cũng được, miễn sao phải đi!

- Được rồi. Nhớ mua thêm hộp dừa nghe. Chè chuối phải có nước dừa mới thơm. Chị Minh, người Saì Gòn nhắc thêm.

- Và bột bán nữa. Phải thật đặc mới giống bên nhà...

Người can đảm và dám ra tay là anh Thi Vũ.

- Mỹ mua đồ về, anh sẽ nấu cho...

Trong toà soạn, ai cũng biết là điều gì vào tay của anh Thi Vũ đều thành thơ cả!!

Tối hôm đó, anh em ra về, mọi người bùi ngùi nhớ nhà sau mấy giờ ngồi nhắc đến kỷ niệm xưa, trong lòng phảng phất một hương vị thơm tho của tuổi thơ ấu êm đềm...

***

Chiều hôm sau, Mỹ xách chuối về. 3 ký lô chuối chín mềm, vỏ ngã mầu đen mun lấm chấm nốt ruồi. Chị Phương Anh la lên:

- Trời ơi! Chuối này phải nấu liền, chớ không sẽ hư!

Ỷ Lan mừng quá, tưởng sau đó chè sẽ bắc lên bếp. Ai ngờ anh Thi Vũ từ chối. Anh nói:

- Không được. Mình vừa nhớ là chè chuối phải có lá dứa mới thơm. Thiếu lá dứa, nấu không được! Khi nào Mỹ rỗi mua dùm lá dứa cho. Dưới khu Paris 13 có bán.

Khổ quá!! Niềm hy vọng của mình tan thành khói. Mới đây, món chè chuối nghe gần như bàn tay, nay không cánh biến về phương trời xa xăm!! Để đỡ nhớ, Ỷ Lan ăn một trái chuối, cắn thêm viên đường tưởng tượng ra ...chè!!

Trái chuối đó là trái đầu tiên, nhưng không phải là trái cuối cùng mà Ỷ Lan được ăn trong những ngày tới. Ai cũng bận công việc làm báo, không ai rỗi xuống khu 13 mua lá dứa. Chuyện chè chuối dẹp qua một bên.

Nhưng chị Phương Anh thấy chuối chín quá, sợ hư uổng, bắt mọi người phải ăn cho hết. Những ngày dài mở ra, sáng cà phê chuối, trưa bánh mì chuối, tối ăn cơm chuối, trừ anh Bắc người Quảng, cuốn chuối với bánh tráng ăn ngon lành! Ăn chuối đến muốn đi chui luôn!!

Rồi một hôm, Mỹ chạy về, nụ cười tươi vui, cầm trong tay nắm lá dài như lá phong lan, xanh mướt và rất thơm.

- Đây anh! Em mua lá dưá được rồi! Tối nay ăn chè nhé!

Ỷ Lan nhìn về phiá chiếc rỗ mây mới hôm nào đựng 3 kí lô chuối nơi góc bếp, thấy còn .. một trái chuối lẻ loi đen điu chờ đợi!!

- Trời đất! Có lá dứa, có bột bán, nước cốt dừa, bây giờ lại thiếu ...chuối!

Tội nghiệp Mỹ! Mặt anh ta bỗng nhiên buồn rầu. Chạy hết sức vẫn chưa xong!!

- Rồi, để em đi...

Chị Phương Anh cản lại:

- Kệ, em! Chẳng sao. Khi nào rỗi hãy hay. Bây giờ rán lo xong số Quê Mẹ đã. Báo là món ăn tinh thần của mình!

Ỷ Lan nghĩ thầm, chắc ngoài món ăn tinh thần đêm nay, anh em sẽ cần một chút món khác để lấy sức thức khuya. Riêng Ỷ Lan chỉ nghề có món chè bắp (bắp hộp thôi các bạn ơi. Ỷ Lan không khéo tay như các chị bên nhà, cầm nguyên trái bắp tươi mà lảy từng hột hay bào nhuyễn ra đâu). Ỷ Lan dùng bột bán và nước dừa Mỹ mua hôm trước, nấu nồi chè bắp "vĩ đại" cho cả toà soạn. Đêm khuya mệt mỏi, buồn ngủ và đoi đói, một chén chè này đủ thơm ngọt và tăng thêm sức lực để "trí thức" tới sáng. Nhưng làm sao bằng chè chuối được?

Chắc Ỷ Lan không cần kể tiếp, các bạn đã hiểu rồi!! Ở tình trạng lúc nào cũng thiếu một "bộ phận" nên chè chuối chẳng bao giờ thành hình!! Đầu tiên thiếu lá dứa, rồi tới hết chuối. Sau lại thiếu bột bán và nước cốt dừa. Khi có đủ, lá dứa lại héo úa!! Còn bịch đậu phụng chờ giã rắc lên chè cho béo cũng bị các cháu của chị Phương Anh "mượn" chơi nhâm nhi hết!

Đối với Ỷ Lan, thành ngữ "chè chuối" trở thành như "Tết Congo" -- chuyện không bao giờ xảy ra cả.

- Úi cha! Đó là chuyện chè chuối mà. Bụng Ỷ Lan hết còn tin tưởng rồi.

***

Nhưng ai ngờ, một hôm Ỷ Lan đi phố về, bỗng nhiên thấy đặt trịnh trọng trên chiếc khay Nhật bản một bát chè chuối thơm tho đầy những khúc chuối vàng mọng đập đẹp, những hột bột bán lấp lánh như hạt ngọc. Nghe mùi, Ỷ Lan biết rằng hôm nay đã hội đủ các món, tất cả đều "đoàn kết" trong nồi, làm món chè thơm ngát quê hương cho mọi người thưởng thức.

Tối đó, Ỷ Lan biết rằng những bạn ngồi im lặng húp chè ấy, ngoài hương vị tuyệt vời, ai cũng đang trầm ngâm về phiá xa xăm, nơi mảnh đất cong cong bên kia địa cầu. Họ đang sống lại tuổi thơ êm ả.

Mường tượng theo anh em, Ỷ Lan lang thang bước xuống những đường mòn, lối hẻm nơi đồng quê xứ Việt, giữa hai rặng dừa cao vút, với bóng mát trải dài che rợp lối đi. Ỷ Lan hình dung ra đủ loại cây chuối: chuối tiêu, chuối ngự, chuối cau quảng, chuối ba lùn, chuối hột, chuối ba hương... Cả vườn chuối, rừng chuối, muôn nghìn nãi chờ một bàn tay vô hình hái xuống, pha chế, nấu một nồi chè chuối vĩ đại... mời sáu mươi triệu người ăn.


------
Tác giả Ỷ Lan là một thanh nữ người Anh, tên thật là Penelope Faulkner, nói và viết tiếng Việt rất thông thạo. Chị là phó chủ tịch ngoại vụ của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế. Bài viết sau đây được trích từ tác phẩm "Quê Nhà" của Ỷ Lan, gồm 19 truyện ký, do Quê Mẹ ấn hành 4 lần vào 1988 & 1989. 

No comments:

Post a Comment