Wednesday, August 24, 2016

Bảo Thủ - Cấp Tiến: Bầu Bên Nào?


..Đảng DC cũng là đảng của bà tài tử Jane Fonda và anh lính John Kerry...

Cuộc bầu tổng thống phần lớn bị chi phối bởi hai cá nhân đại diện cho hai đảng. Thiên hạ tụ năm tụ bẩy khen chê về hai nhân vật này, cãi cọ nên bầu cho ai. Câu chuyện không giản dị như vậy. Lá phiếu của một cử tri suy nghĩ chín chắn thường bị chi phối bởi 5 lựa chọn:

1. giữa hai cá nhân đang tranh cử,

2. giữa hai chính đảng lớn,

3. giữa hai nhân sinh quan hay ý thức hệ tạm gọi là bảo thủ và cấp tiến,

4. giữa việc nắm quyền hay giữ lý tưởng,

5. giữa ý thức hệ và thực tế.

Cả 5 yếu tố trên đều cần được cân nhắc kỹ lưỡng, và rất khó nói cái nào có tính quyết định. Tất cả là tùy ý kiến cá nhân mỗi người.

- Có người thì coi cá nhân ứng viên là yếu tố cột trụ, vì tổng thống là bộ mặt, là người lấy quyết định cuối cùng, là quyền lực thực sự. Đây là ưu tư của đa số nên thiên hạ cho đến nay vẫn chú tâm vào bà Hillary và ông Trump.

- Có người coi đảng trên hết, giải thích việc các chính khách trước đây tranh cử chống nhau nhưng bây giờ lại ủng hộ nhau, như TNS Sanders, sỉ vả bà Hillary thậm tệ khi tranh cử chống bà, bây giờ ủng hộ bà vì cùng là đồng chí trong đảng DC.

- Có người nhìn vào quan điểm bảo thủ hay cấp tiến, như TNS Ted Cruz thuộc thành phần bảo thủ cực đoan, tranh cử thua ông Trump nhưng nhất quyết không chấp nhận ông này vì nghĩ ông này là bảo thủ giả mạo.

- Có người nghĩ then chốt là chiếm được Nhà Trắng vì không nắm quyền thì chẳng làm được gì, trong khi nhiều người khác coi nặng vấn đề tôn trọng lý tưởng, không bán ý thức hệ đổi lấy quyền hành. Phần lớn khối cử tri của ông Trump bất cần chuyện ông thắng hay thua, chỉ bỏ phiếu vì lý tưởng hay vì cảm xúc, nhiều khi "cho bõ ghét". Ngay chính ông Trump cũng có vẻ không sống chết vì cái Nhà Trắng, trong khi bà Hillary nghiến răng nghiến lợi lo chiếm cho được Nhà Trắng bằng mọi giá, mọi mánh.

- Cuối cùng là những người không cần biết ý thức hệ, đảng phái hay cá nhân gì hết, mà chỉ nhìn vào nhu cầu đời sống thực tế, như một số lớn dân lao động tại các tiểu bang kỹ nghệ bất mãn với DC vì đời sống khó khăn dưới mấy năm của TT Obama, bầu cho ông Trump.

Nhìn chung thì đây là lựa chọn giữa hai ý thức hệ bảo thủ hay cấp tiến. Chúng ta nghe hai cụm từ này thường xuyên, nhưng dường như vẫn chưa nhận thức được rõ ràng thế nào là bảo thủ, thế nào là cấp tiến. Ta hãy xét lại qua một vài khiá cạnh chính. Dĩ nhiên cột báo nhỏ nhoi này chỉ có thể đưa ra vài nét đại cương và thực tế để chúng ta hiểu thêm khác biệt thôi.

Đảng DC theo con đường cấp tiến. Thật ra, cấp tiến không có nghiã rõ ràng gì, mà phải nói là DC đặt nặng tính công bằng xã hội, chủ trương nâng đỡ những thành phần thiểu số, hay ít nhất cũng giúp cho họ có cơ hội đồng đều, không bị chèn ép. Nếu để yên thì san bằng bất công không thể nào "tự nhiên" xẩy ra vì bản tính con người là ích kỷ, mạnh ai nấy tự lo cho mình trước, lấn át người khác nếu cần. Do đó, phải có can thiệp của Nhà Nước, vừa làm trọng tài, vừa ra luật nâng đỡ và bảo vệ khối thiểu số.

Cụ thể là trên phương diện kinh tế, cấp tiến chủ trương tái phân phối lợi tức, lấy tiền của những người có tiền qua hình thức thuế nặng và nếu chưa đủ, thì vay mượn khắp nơi, để đưa lại cho những người không có tiền, qua hình thức trợ cấp đủ loại.

Nhà nước can thiệp mạnh cũng có hệ quả khác: một rừng luật lệ trói tay thiên hạ trong mọi khiá cạnh cuộc sống, qua một hệ thống hành chánh nặng nề, tốn kém, mà không hữu hiệu.

Trong khi đó thì đảng CH theo con đường gọi là bảo thủ. Đúng ra phải nói CH là đảng tôn trọng tự do cá nhân, trong đó Nhà Nước đóng một vai trò tối thiểu, kiểu như "mạng lưới an toàn cuối cùng" để bảo đảm không ai bị thiệt thòi quá nhiều, bị đàn áp quá mức. Quan điểm CH tin tưởng ở sáng kiến cá nhân, ở luật quân bình thiên nhiên kiểu như cái gì thái quá thì sẽ bị phản ứng ngược tạo lại thế quân bình. Ai bị đàn áp sẽ nổi lên chống đối. Giá cả cao quá không ai mua, sẽ phải giảm.

Vì vai trò tối thiểu của Nhà Nước nên không có nhu cầu luật lệ rườm rà, cũng chẳng có nhu cầu tiền nhiều, thuế nặng. Khuynh hướng này dĩ nhiên cũng nhìn thấy tính ích kỷ tự nhiên của nhân loại, nhưng lại nhìn dưới khiá cạnh tích cực, nghiã là chính vì cái ích kỷ đó mà ai cũng muốn tiến thân, ai cũng muốn làm giàu, từ đó cả xã hội được nhờ. Trong cái ích kỷ chung, tất cả đều làm giàu sẽ như nước thủy triều dâng lên, nâng tất cả các con thuyền, tức là tất cả các khối dân, giàu cũng như nghèo.

Nhìn chung, khó ai chối cãi được quan điểm cấp tiến có vẻ nhân bản hơn, tốt đẹp hơn nhiều. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế lịch sử, quan điểm cấp tiến luôn luôn có cái hố sâu giữa lý thuyết và thực tế. Lý thuyết rất hay, thực tế luôn luôn là thất bại. Chính sách cấp tiến khó đi đến thành công hơn, với thành công hiểu theo nghiã chung là dân giàu, nước mạnh.

Trước tiên là quan điểm đó mang tính giả tạo, gượng ép vì đi ngược lại bản năng con người. Việc thi hành thông thường phải qua hình thức áp chế, nhẹ thì là đủ thứ luật lệ mà mọi vi phạm đều phải bị trừng phạt, nặng thì bị áp đặt bằng súng đạn và nhà tù.

Lý do thứ hai khó thành công chỉ vì hầu như tất cả đều tùy thuộc vào Nhà Nước. Ở đây, không còn là sáng kiến cá nhân của cả triệu người nữa, mà tất cả do một số rất nhỏ quan chức, có người có khả năng và thiện chí, nhưng phần lớn ít khả năng hay cũng chẳng có động cơ nào để cố gắng làm tốt, làm đúng. Họ ngồi trong phòng làm việc –comáy lạnh như ở Mỹ, hay nóng chẩy mỡ bên các xứ Phi Châu- rồi ra kế hoạch dựa trên những tin tức, dữ kiện phần lớn không chính xác, không thực tế. Rồi áp đặt kế hoạch lên cả nước. Kế hoạch dựa trên dữ kiện sai thì dĩ nhiên đi đến kết quả sai luôn.

Bằng chứng cụ thể và gần đây nhất là thất bại của Obamacare. Trên lý thuyết cũng như trên phương diện nhân bản, khó ai có thể bác bỏ mục đích tốt của Obamacare, muốn toàn dân có bảo hiểm y tế. Nhưng lại có tính áp đặt như ai không mua bảo hiểm sẽ bị phạt nặng. Lại cũng vì soạn thảo hấp tấp bởi một nhúm công chức, dựa trên dữ kiện không chính xác, các quan chức không có khả năng đoán biết trước hết mọi trường hợp, nên ra kế hoạch luộm thuộm, để rồi Obamacare gặp đủ khó khăn, từ computer chạy sai, đến gian lận đủ kiểu, lỗ lã lớn cho các hãng bảo hiểm, cuối cùng là tất cả chi phí bảo hiểm cũng như dịch vụ y tế đều tăng vọt.

Khuynh hướng cấp tiến dĩ nhiên có nhiều cấp. Cực đoan nhất là chủ nghiã cộng sản, áp đặt kế hoạch của Nhà Nước một cách tuyệt đối cứng ngắc bằng bạo lực. Các chế độ của Staline, Mao, Pol Pot, Hồ Chí Minh, họ Kim,... đã giết cả trăm triệu người để áp đặt các kế hoạch không tưởng, để rồi cuối cùng vẫn thất bại.

Một khuynh hướng cấp tiến tương đối ôn hoà hơn được áp dụng tại đa số các quốc gia Âu Châu. Nhưng ngay cả trong chính sách "ôn hoà" này, cũng có màu nhạt, màu đậm. Càng đậm thì lại càng gặp nhiều khó khăn. Tiêu biểu là các nước Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ái Nhĩ Lan. Tất cả đang gặp khó khăn kinh tế nặng nề, trong đó chính những người nghèo bị thiệt hại nặng nhất. Nhạt hơn như Đức hay Anh thì ít rắc rối hơn.

Con đường tự do cá nhân dĩ nhiên cũng không phải là hoàn hảo. Phải thẳng thắn nhìn nhận nếu không có áp lực của khối cấp tiến và cộng sản, mà cứ hoàn toàn tin tưởng vào luật quân bình tự nhiên, tôn trọng tự do cá nhân một cách tuyệt đối thì thế giới ngày nay có lẽ vẫn còn chìm đắm trong khung cảnh thế kỷ 19 trong đó giới tài phiệt nhà giàu vẫn bóc lột tận xương tủy khối lao động và nhà nghèo.

Định nghiã một chủ thuyết thành công là một chủ thuyết đạt được tình trạng dân giàu nước mạnh thật ra cũng đã có thành kiến rồi vì đó là quan điểm của khối tự do cá nhân hay bảo thủ. Trong quan điểm cấp tiến, thành công không phải chỉ là chuyện tiền nhiều, ăn sung mặc sướng, mà còn là công bằng xã hội. Một chế độ đưa đến giàu sang nhưng đầy rẫy bất công vẫn là một thất bại. Nói cách khác, chủ nghiã tự do cá nhân dù sao cũng phải có giới hạn và cần Nhà Nước làm cảnh sát.

Nhìn dưới một khiá cạnh khác, sự can thiệp quá nhiều biến Nhà Nước cấp tiến thành Nhà Nước "vú em". Trên phương diện xã hội, Nhà Nước vú em chỉ khiến cho thiên hạ ngày càng ỷ lại vào trợ cấp, ngày càng lười, càng nhược, mất ý chí tiến thân, mất sáng kiến. Nước Mỹ qua hơn 200 năm lịch sử từ ngày dựng nước đến giờ, phát triển không ngừng, biến thành cường quốc chính là nhờ tinh thần khai phá, tự túc tự cường chứ không phải nhờ "tiền chùa" do Nhà Nước ban phát. Chỉ nhìn sự suy thoái của các cường quốc vú em Âu Châu thì thấy rõ.

Quan điểm tự do coi trọng mỗi cá nhân, tin tưởng ở khả năng, tài trí, "tính bản thiện" của tất cả. Quan điểm cấp tiến nghĩ chỉ có quan chức lãnh đạo là tốt, là giỏi biết phải làm gì, còn thiên hạ thì có hai khối: thiểu số nhà giàu tàn ác, và đại đa số là "dân ngu khu đen" như GS Gruber đã nói.

Con đường nào đúng, sai hoàn toàn tùy thuộc mỗi người trong mỗi hoàn cảnh, nhưng có điều chắc chắn là trong cả hai quan điểm, nếu đi quá xa đều tai hại.

Khác biệt cấp tiến – bao thủ còn được thể hiện qua khiá cạnh văn hoá. Bảo thủ ở đây mang ý nghiã bảo vệ những phong tục, giá trị luân lý, tôn giáo cổ điển, trong khi cấp tiến muốn cải đổi cho hợp xu thế thời đại, phóng khoáng hơn, chấp nhận bỏ suy tư cũ. Tiêu biểu nhất là chấp nhận bỏ tôn giáo quá khắt khe, nhìn nhận đồng tính, cổ võ hội nhập và hoà đồng màu da, văn hoá, chấp nhận phá thai, chống sở hữu súng,…

Trong "cuộc chiến" giữa bảo thủ và cấp tiến, truyền thông thân phe cấp tiến đã bóp méo rất nhiều chuyện. Chẳng hạn như đã tô vẽ đảng CH như đảng của nhà giàu da trắng, kỳ thị màu da, kỳ thị nam nữ, chống môi trường sạch, và chống bảo hiểm y tế toàn dân. Sự thật không phải vậy.

Lấy ví dụ TT Cộng Hòa Nixon: ông là người đã khai sinh ra Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (Environment Protection Agency – EPA), luat Title IX bảo đảm bình quyền không phân biệt nam nữ trong ngành giáo dục [TT Obama đang dựa trên luật này để áp đặt việc dân chuyển giới được sử dụng phòng vệ sinh theo ý mình], cũng là tổng thống đưa ra dự luật bảo hiểm y tế toàn dân đầu tiên nhưng bị quốc hội do DC kiểm soát thời đó bác bỏ.

Trên đây là những diễn giải có tính lý thuyết tổng quát. Riêng đối với dân tỵ nạn chúng ta, vấn đề đặt ra có hơi khác với dân Mỹ.

Đa số dân tỵ nạn ta ủng hộ DC. Lý do hiển nhiên là vì tin rằng DC là đảng của người nghèo lo bảo vệ trợ cấp, trong khi CH là đảng của dân nhà giàu da trắng. Thêm lý do nữa là CH với TT Nixon và NT Kissinger đã bán đứng Miền Nam cho TC. Cả hai lý lẽ đều sai.

Lập luận DC là đảng của nhà nghèo là chủ đề tuyên truyền của DC, được truyền thông dòng chính nhai đi nhai lại, mãi rồi thiên hạ tưởng là sự thật.

Kẻ viết này nhớ lại một trao đổi với một bà tỵ nạn lớn tuổi hồi PTT Al Gore tranh cử với TĐ George Bush của CH năm 2000. Đại khái câu chuyện như sau:

- Thưa bác, thế bác tính bầu cho ai?

- Cụ bà: ấy chết, nhất định là phải bầu cho ông Gore chứ. Bầu cho Bush, nó cắt hết tiền già tiền thuốc của tôi thì lấy gì sống?

Câu chuyện ngắn gọn này giải thích tại sao đa số dân tỵ nạn bỏ phiếu cho DC. Ai cũng sợ CH nắm quyền là sẽ mất trợ cấp, tiền già, Medicare, Medicaid, tiền thất nghiệp,... Sự thật khác xa khi ta nhìn vào lịch sử cận đại Mỹ:

Từ sau Thế Chiến II đến nay, đã có 6 tổng thống CH cai trị tổng cộng 36 năm, và 5 tổng thống DC nắm quyền 28 năm. Chưa có một tổng thống CH nào cắt một xu trợ cấp nào của ai.

Ta thử nhìn vào chương trình Medicare, bảo hiểm y tế cho những người cao niên trên 65 tuổi. Chương trình này thật sự được khai sinh bởi TT Eisenhower của CH năm 1951, bắt đầu cho các cựu quân nhân. TT Johnson của DC bành trướng ra cho khối dân sự vào năm 1965. Đến thời TT Reagan của CH thì Medicare mở rộng ra thêm để bồi hoàn chi phí y tế của các tổ chức HMO [Health Maintenance Organization]. TT Bush con của CH khai sinh ra thêm Medicare Part D, Nhà Nước trợ cấp phần lớn tiền thuốc luôn, tốn cả trăm tỷ.

Lập luận CH cắt trợ cấp hay không lo cho người nghèo, người già chỉ là một huyền thoại đã ăn sâu vào tâm lý quần chúng, rất khó giải phá, mặc dù sai hoàn toàn.

Về câu chuyện "mất" Miền Nam VN, đổ lỗi lên đầu TT Nixon và NT Kissinger là việc đảng DC đã cố gắng diễn giải với sự phụ họa của truyền thông phe ta từ nửa thế kỷ nay. Sự thật là phe cấp tiến, từ đảng DC đến truyền thông và trí thức khoa bảng, đã trói tay khoá chân TT Nixon, ép ông vào ngõ cụt, bắt buộc phải rút ra khỏi VN thôi. Quý độc giả muốn tham khảo kỹ vấn đề, có thể đọc bài nghiên cứu của GS Sử Học Julian Zelizer của đại học Princeton:

http://prospect.org/article/how-congress-helped-end-vietnam-war

Đại khái, tất cả là từ quốc hội do DC kiểm soát dưới thời TT Nixon:

- Trong 4 năm nhiệm kỳ đầu của TT Nixon, quốc hội biểu quyết 80 lần (trung bình cứ ba tuần một lần) đòi hỏi TT Nixon chấm dứt cuộc chiến và rút quân về.

- Năm 1969, ra luật cấm tất cả mọi hoạt động quân sự trên xứ Lào, bảo đảm an toàn cho VC tải quân trên đường mòn Hồ Chí Minh, cũng trói tay Mỹ không giúp VNCH được trong chiến dịch Lam Sơn 719 năm 1971.

- Năm 1970, cấm tất cả mọi hoạt động quân sự trên đất Căm-Pu–Chia, bao đảm VC có chiến khu an toàn bên kia biên giới.

- Năm 1972, cấm tất cả mọi tài trợ cho các cuộc hành quân của quân đội Mỹ tại Đông Nam Á.

- Tháng Tám 1973, cấm tất cả mọi hình thức viện trợ quân sự cho Miền Nam VN.

- Năm 1973, thông qua luật War Power Acts, bắt buộc tổng thống muốn sử dụng quân lực phải có sự chấp thuận của lưỡng viện quốc hội. Vì luật này, sau khi Hiệp Định Paris được ký và quân Mỹ đã rút về, CSBV tấn công năm 1975, cho dù TT Ford có muốn nhẩy vào cũng không được vì quốc hội do DC kiểm soát sẽ không phê chuẩn.

- Năm 1975, quốc hội hai lần bác bỏ thỉnh cầu của TT Ford xin giải ngân khẩn cấp cho Nam VN trước là 700 triệu, sau là 300 triệu.

Trước những tu chính án liên tục cắt tiền, cắt súng đạn, cắt quyền như vậy của quốc hội do DC kiểm soát, TT Nixon và NT Kissinger bắt buộc phải đi TC và Liên Xô để tìm cách cứu vãn được chừng nào hay chừng nấy. Phe DC và truyền thông nhất quyết chối bỏ trách nhiệm trong việc mất Nam VN, viết lại lịch sử, đổ thừa cho Nixon-Kissinger bán đứng NVN, và không thiếu gì dân tỵ nạn không nghiên cứu kỹ vấn đề, hay vì tính phe đảng, lập lại lập luận của DC.

Ta cũng nên nhớ năm 1972, ứng viên TT của DC, George McGovern, hô hào chấm dứt chiến tranh VN, rút hết quân về trong vòng ba tháng, chỉ cần một điều kiện duy nhất: VC trả lại tù binh Mỹ, còn chuyện gì xẩy ra cho Nam VN là chuyện của... Nam VN ông không cần biết. Nếu ông McGovern thắng cử, thì VC đã lấy gọn miền Nam từ đầu năm 1973, không cần Hiệp Định Paris, không cần phải đi Bắc Kinh, cũng không cần 12 sư đoàn, thay vì chúng ta đã cầm cự được tới tháng 4, 1975. Và cũng chẳng có ai qua Mỹ tỵ nạn được hết vì ông McGovern [cũng như TNS Joe Biden và TĐ Jerry Brown] công khai chống lại việc nhận dân tỵ nạn Việt. Tháng Tư năm 1975, quốc hội DC bác bỏ thỉnh cầu của TT Ford xin 177 triệu để tài trợ việc di tản 100.000 người Việt qua Mỹ [sau đó được thông qua khít nút sau khi TT Ford nhất định đòi biểu quyết lại]. Đảng DC cũng là đảng của bà tài tử Jane Fonda và anh lính John Kerry với câu nói để đời "lính Mỹ và đồng minh chỉ giỏi ăn cắp gà và hãm đàn bà". Hầu hết truyền thông cấp tiến viết bài miệt thị lính VNCH và xã hội đĩ điếm, tham nhũng VNCH cũng đều là ký giả theo phe DC.

Trong xứ tự do này, dân tỵ nạn ta muốn bầu cho ai cũng được, nhưng nếu bầu cho DC, thì không thể nghĩ vì DC cho trợ cấp mà CH lo cắt, cũng khỏi cần gãi đầu gãi tai thắc mắc sao "mấy lão già VNCH lại thích cái đảng CH". Không phải là "thích CH", mà là "không thích DC" thì đúng hơn. (21-08-16)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

No comments:

Post a Comment