Tuesday, March 10, 2015

Bùi Duy Tâm và Tôi

Người viết: Nguyễn Ðồng Danh, trên Blog “bahaidao.”

Năm 1964 ông Bùi Duy Tâm từ Mỹ trở về Sài gòn, sau khi hoàn tất học vị Tiến sĩ Y khoa và Tiến sĩ Sinh hoá (Biochemistry). Ðầu tiên ông Tâm dạy tại Ðại học Y khoa Sài gòn, sau đó ông ra Huế làm Khoa trưởng Ðại học Y khoa Huế cho đến cuối năm 1972.

Ông rời Huế về Sài gòn để làm Khoa trưởng Ðại học Y khoa Minh Ðức.
Dạo đó tôi làm Hiệu trưởng một trường trung học tại Sài gòn, nên nói về nghề nghiệp, thì tôi với ông là … đồng nghiệp.

Vào năm 1972 ông Tâm mở một Trung tâm huấn luyện Bóng bàn dành cho thiếu nhi trong tòa nhà khánh tiết tại Vận Ðộng Trường Cộng Hòa Sàigòn. Tòa Ðại Sứ Tây Ðức viện trợ 10 bàn đúng tiêu chuẩn quốc tế. Các em thiếu nhi đến tập dượt không phải trả tiền muớn bàn, mà còn được cấp banh, và nước uống. Ông Tâm  xin Bộ Thanh Niên biệt phái danh thủ Mai Văn Hòa và Vũ Ðình Nhạc đến chỉ bảo, huấn luyện cho các em.

Nhà tôi ở đường Triệu Ðà. Từ nhà tôi đi bộ đến sân vận động Cộng Hoà chỉ có năm, mười phút, cho nên vào những buổi chiều, tôi thường xách vợt đến đó chơi bóng bàn ké với các em thiếu nhi.

Từ đó tôi có dịp quen biết Giáo sư Tâm, vì thỉnh thoảng sau giờ dạy tại Ðại học Y khoa Sai gòn, ông Tâm cũng thường ghé qua để theo dõi sinh hoạt Trung tâm Bóng bàn.

Xảy ra biến cố 30 Tháng 04, Giáo sư Tâm và tôi không hẹn mà gặp nhau trong trại tù cải tạo Trảng Lớn, Tây Ninh. Chúng tôi ở trong L3/T2 tức là Trung đoàn 3 Tiểu đoàn 2. Bên kia hàng rào là Tiểu đoàn 1, có luật sư kiêm ca sĩ Khuất Duy Trác, mỗi chiều thường chỉ huy đội hợp ca Tiểu đoàn hát bè các bài nhạc cách mạng.

Bên này hàng rào, chúng tôi cũng không thiếu nhân tài. Có Võ sư Ðặng Thông Phong (Chưởng môn Hapkido ở Việt nam), Gs Vũ Ðình Lục (dạy Toán Võ bị Ðà lạt), Gs Bùi Duy Tâm (Khoa trưởng Y khoa Minh Ðức), Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt nam Lê Quang Uyển, hoạ sĩ Trịnh Cung Nguyễn văn Tiến, Phan Hải cháu ruột của Phan Mạch (Chủ nhiệm văn phòng Thủ tướng Phạm văn Ðồng) và người bạn thân của tôi là giáo sư Phan Ðình Hoài (Hoài là cháu ruột của ba ông lớn: Lê Ðức Thọ: Phan Ðình Khải, Mai Chí Thọ : Phan Ðình Ðống và Ðinh Ðức Thiện : Phan Ðình Dinh).

Mấy tháng đầu trong tù, chúng tôi chỉ lo đào giếng, cắt tranh lợp nhà, xây cất hội trường và lao động trồng rau xanh. Dự tính đi học 10 ngày rồi về, mà chẳng thấy học hành gì cả.

Một buổi chiều, sau khi cơm nước xong, giáo sư Bùi Duy Tâm rủ tôi đi dạo  như thường lệ. Chúng tôi đi giữa các vườn rau xanh. Khi chỉ có hai đứa, Giáo sư Tâm khẽ nói:

– Moa sẽ về trong một hay hai tuần nữa, moa có vài lời khuyên toa: Thứ nhất, hãy tập nhịn ăn. Trưóc kia ăn ba bát cơm thì nay tập ăn hai bát hoặc ít hơn, bên ngoài người dân cả nước còn đói, huống chi bọn tù như mình.

Thứ hai, hãy tập nhịn nói, vì trong tù đầy rẫy bọn ăn-ten. Càng nói nhiều càng mang hoạ vào thân.

Thứ ba, toa hãy ráng giữ gìn sức khoẻ, giữ vững tinh thần, chờ ngày về với gia đình. Có thể toa sẽ phải học tập trong hai, ba năm hay lâu hơn nữa. Hãy giữ vệ sinh để tránh bệnh tật. Ở đây mắc bệnh thì chỉ có chết.

Tôi ngạc nhiên về những thông báo của anh, làm sao anh biết anh sẽ về, làm sao anh biết tôi sẽ học tập trong vài ba năm?

Giáo sư Tâm cho tôi biết trước ngày mất miền Nam, anh có làm một dự án xin nước Pháp tài trợ và trang bị một phòng thí nghiệm y khoa, một thư viện cho Ðại học Minh Ðức và Pháp đã chấp thuận. Bây giờ “Cách mạng” cần anh về để làm thủ tục nhận lãnh các quà tặng này. Giáo sư Tâm cũng cho biết trong gia đình anh có một người thân làm lớn trong chính quyền mới, người này nói cho anh biết chính sách và thời gian cải tạo “ngụy quân ngụy quyền” và cũng chính người thân này đã “đứng tên” giùm nhà cửa, xe ô tô của anh trước khi anh đi trình diện học tập.

Quả thật, đúng hai tuần sau, Giáo sư Tâm xách hành trang cá nhân lên trình diện Tiểu đoàn. Anh chỉ kịp dúi cho tôi một bao thuốc Tây gồm thuốc cảm, thuốc ho và kiết lỵ là những thứ thuốc tối cần cho người tù cải tạo.
Ba năm sau, tôi được tạm tha trở về thành phố mang tên Bác. Tôi gặp lại Giáo sư Tâm đi dạy Ðại học Nha Y Dược. Anh mặc áo sơ mi trắng, bỏ bên ngoài chiếc quần tây màu cứt ngựa. Anh cỡi xe đạp đến trường, vai mang xắc-cốt, trông không khác gì một anh Cán Ngố miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Mấy năm sau, khi đã định cư ở Úc, tôi nghe nhiều tin giật gân về Giáo sư Tâm. Anh đã định cư ở Hoa kỳ. Anh leo lên núi Mont Blanc cao hơn 4800 mét, anh là người Việt nam đầu tiên lên Bắc cực (có giấy chứng nhận của Cơ quan Quản lý Bắc cực). Anh ra vào Việt nam nhiều lần để môi giới bán giúp Việt nam kho đạn Long Bình. Rồi Giáo sư Tâm đi biển Ðồ Sơn chơi với nữ văn sĩ Dương Thu Hương và bà Hương đã thu băng những lời “hàn huyên” của ông Tâm. Chính nhờ những cuồn băng này mà bà Dương Thu Hương không bị  Việt nam “thủ tiêu”.

Ðến đây tôi xin mời độc giả xem trích đoạn bài văn do chính bà Dương Thu Hương viết:

“Trời đã giúp tôi thành công. Trong chuyến đi chơi Sông Ðà với các ông Bùi Duy Tâm và Bùi Duy Tuấn, tôi đã mất 3 cuốn băng ghi toàn những chuyện ba hoa, hươu vượn. Nhưng vào đoạn chót của cuốn băng thứ 4 ông Tâm đã thú nhận: “Anh đã cho Dương Thông rất nhiều tiền.” (Dương Thông là Trung tướng Công an).

Sau chuyến đi đó chừng vài ngày, họ bắt tôi. Trong thời gian ấy tôi đã kịp sao băng ghi âm ra vài bản, gửi ra 3 nước: Pháp, Tiệp và Mỹ.

Do sự can thiệp của chính phủ Pháp, đặc biệt là bà Daniel Mitterand và phong trào nhân quyền thế giới, ngày 20/11 họ buộc phải thả tôi ra, sau gần 8 tháng giam giữ không xét xử. Lúc đó ông Bùi Thiện Ngộ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ông Ngộ cử Thiếu tá Sơn tới gặp tôi :

– Theo đúng pháp luật thì chị có quyền kiện Nhà nước. Nhưng Bộ trưởng muốn tìm một khả năng mềm dẻo hơn có lợi cho cả 2 bên.

Tôi cười. Tôi hiểu cái sự kiện tụng ở xứ sở này ra sao. Tôi yêu cầu cuộc thanh toán với Dương Thông. Bộ Nội vụ chấp thuận.

Vào mùa Xuân năm 1992, đại diện của Bộ Nội vụ là ông Bùi Quốc Huy (tức Năm Huy) – Tổng Cục trưởng Tổng Cục An ninh, tiếp tôi có sự tham gia của Ðại tá Nguyễn Công Nhuận, người ký lệnh bắt và phụ trách nhóm người tra hỏi tôi trong nhà giam. Trong cuộc gặp này, tôi nói :

– Tôi biết tôi đang chơi trò trứng chọi đá. Bởi thế, lúc nào tôi cũng chuẩn bị cho cái chết của tôi. Tuy nhiên, tôi lại không ưa chết một mình. Nên tôi cũng trù liệu để sau cái chết của tôi, ít nhất cũng phải có dăm bảy đứa khác phải chết theo để tiếp tục chiến đấu dưới âm phủ, nếu không dưới đó rất buồn. Tôi có vũ khí của tôi. Trong tay tôi có 2 cuộn băng ghi âm. 

Cuộn thứ nhất liên quan tới một trong những kẻ tạo dựng ra Nhà nước này, sư tổ của những người như ông. Nó tố cáo nhân cách một trong các bậc lương đống của triều đình chỉ là loài đểu giả, tâm tính hiểm ác, vô luân. 

Cuộn thứ 2, chắc ông cũng đoán được, ghi lại cuộc nói chuyện của ông Bùi Duy Tâm với tôi, trong đó ông Tâm khẳng định là đã cho ông Dương Thông rất nhiều tiền. Ðấy hẳn là món thù lao cho việc ông Dương Thông đã 2 lần cứu ông Tâm ra khỏi trại giam, thêm nữa, đón rước ông Tâm đi tới tất cả những lầu cao thềm rộng từ dinh cơ bà Nguyễn Thị Ðịnh tới Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, từ nhà riêng các vị chóp bu Nhà nước xuống tới đám quan chức kề cận, để bàn định những đại sự như bán kho vũ khí Long Bình, bán dầu thô và những nguyên liệu khác… Như vậy tôi có trong tay bằng chứng về người tiền nhiệm của ông, gương mặt tiêu biểu cho quyền lực của chế độ này.

Hai băng ghi âm đó đã được chuyển tới 3 nước: Pháp, Tiệp, Mỹ. Nếu các ông đủ lực xin cứ việc truy tìm. Nhưng tôi không tin điều ấy. Các ông không có tiền. Nhân viên sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đơn thuần là bọn buôn lậu, quay cuồng trong cơn lốc cóp nhặt đô la. Ở nước ngoài, các ông bất lực. Còn ở đây, các ông có thể tổ chức tai nạn xe máy để kẹp chết tôi, có thể đầu độc tôi, có thể làm bất cứ một điều gì khác nữa nhưng vào thời điểm tôi chết, chắc chắn phải có kẻ đồng hành. Không tức thời, nhưng sớm hay muộn cũng sẽ có. Và thêm nữa, những người thân của tôi ngoài biên giới sẽ lần lượt công bố các cuốn băng kia.

Cả 2 người đàn ông lặng thinh rồi một người mở chai nước, một người mời tôi ăn nho . Họ hỏi tôi về sức khoẻ, con cái, nhà cửa … làm như là một cuộc tán gẫu giữa mấy người hàng xóm. Tuy nhiên, tôi chẳng phải là một đứa bé nên tôi hiểu cái thái độ người thường gọi là “đánh trống lảng” ấy . Bất cứ kẻ đạo đức giả nào cũng sợ sự thật. Tất thảy mọi quốc gia, mọi thể chế đều có bọn đạo đức giả. Nhưng chắc chắn, không ở đâu con người buộc phải trở thành đạo đức giả như ở đây, một xứ sở mang xiềng xích của 2 thể chế: Phong kiến và CS.

Trước khi về, tôi nói thêm :

– Xin nhắc lại rằng, tôi đứng trước guồng máy của các ông chỉ là trứng chọi đá. Nhưng vì đã dấn thân vào cuộc chơi này, tôi bắt buộc phải học lấy vài món nghề của các ông. Vậy, các ông theo rõi tôi, tôi cũng theo rõi lại các ông. Tôi biết ông (Năm Huy) thường uống rượu ở đâu, chơi gái ở đâu. Trong hội Quý Mùi (những người sinh năm 1943) ông vẫn tụ họp với những ai và đem theo loại rượu nào. Thành thực mà nói, trên phương diện này, đôi khi trứng còn mạnh hơn đá. Các ông rất nhiều tiền, các ông thèm khát sống, thèm uống rượu Tây, thèm chơi gái, thèm xây nhà lầu … Tôi là kẻ phá sản, tôi không uống rượu, không chơi điếm, tôi có thứ sức mạnh mà sư tổ của các ông thường vẫn gọi “sức mạnh của giai cấp vô sản”. Riêng về luận điểm này, tôi thấy Mác đúng. Bởi vì, nói một cách sòng phẳng, với tất cả những thèm muốn ấy các ông sợ chết hơn tôi.".  Ngưng trích.

Ðọc đoạn văn trên của bà Dương thu Hương, tôi quả thật rất nể Giáo sư Tâm. Từ một người tù cải tạo, anh giao du với Bộ Trưởng Công an VC. Anh dùng đô-la Mỹ để mua chuộc và lèo lái cái đám lãnh tụ Bắc Bộ phủ vào quỹ đạo của anh.

Cũng may nhờ cơ duyên gặp gỡ anh, mà bà Dương thu Hương đã có được những cuộn băng ghi âm quý giá. Những cuộn băng này đã giúp bà Hương tránh được cái chết (vì tai nạn giao thông như bà Nông thị Xuân, vợ bác Hồ) và được định cư tại Pháp quốc.

Ngày xưa trong tù, Giáo sư Tâm khuyên tôi ba điều: “Nhịn ăn, nhịn nói và giữ gìn sức khoẻ.” 

Ngày nay, tôi chỉ dám nhắc nhở ông Tâm một điều:

Tên anh là Duy Tâm, xin anh hãy cẩn trọng khi giao du với những con người Duy Vật”.

Nguyễn Ðồng Danh 
_

No comments:

Post a Comment