Monday, February 16, 2015

Vòng tròn đời sống

Monday, February 09, 2015 5:40:44 PM

 BS. Hồ Ngọc Minh

 Lâu nay, tôi viết nhiều bài chủ đề về sức khỏe: làm sao sống mạnh, sống khỏe, sống lâu. Kỳ này,tuần lễ cuối năm của năm Âm Lịch, xin cho tôi một cơ hội để nói về một đề tài khác hẳn. Đó là cái chết.

Mọi vật, trong vũ trụ nầy, nếu có sanh thì có tử. Đừng ngạc nhiên, cái chết không phải là một hiện trạng trái ngược với sự sống, mà thật sự nó đi đôi với sự sống, chỉ vì chúng ta vô tình hay cố ý, lãng quên nó mà thôi. Cái chết không tự nhiên xuất hiện một cách đột ngột, một kết cuộc có khi như bất thình lình, mà bắt đầu chết từng phần, từng tế bào, từng ngày theo đời sống. Khi còn trong trường thuốc, tôi chạnh nghĩ, làm nghề y sĩ, có khi nghĩ mình đang phục vụ, để kéo dài sự sống, nhưng trên thực tế, mình chỉ kéo dài, trì hoãn cái chết mà thôi.

Bạn đọc có thể ngưng ngay đây và đừng đọc tiếp nếu nghĩ tôi đang nói chuyện tào lao, bốc phét, chém gió, hay theo thành ngữ của Mỹ, “full of hot air”, hay “full of… it”.

Mà thật, tôi sẽ trình bày những triết lý cùn của tôi, cứ xem là chuyện phiếm cuối năm bạn nhé.

Những lúc gần đây, tôi thường đi tiễn biệt nhiều người quen đã ra đi như “mùa thu không trở lại”. Những giây phút như thế, cho tôi những giây phút lắng đọng tâm tư, có thật là như mùa thu ra đi không trở lại hay không? Nhìn quanh, Thu đến và Thu đi. Xuân, Hạ, Thu, Đông cứ vậy mà tuần hoàn, và một lần nữa, Xuân sắp về. Từ trong những tế bào của cơ thể cho đến vũ trụ mênh mông bên ngoài, tất cả đều chuyển động theo một quỹ đạo vòng tròn, một đường cong khép kín. Những hạt điện tử xoay quanh hạt nhân không ngưng nghĩ; mạch máu luân lưu rồi cũng trở về tim để rồi lại ra đi cho một chu kỳ mới; và những hành tinh vẫn xoay đều quanh những mặt trời hằng tỉ năm qua. Một mặt trời có thể bị hủy diệt, nhưng một mặt trời khác được tái sinh đâu đó. Vậy thì có lẽ nào, cuộc sống con người lại chấm hết ở tận cùng? Đi và về, mà về đâu? Có thật sự là cát bụi sẽ về với cát bụi hay không?

Tôi muốn đưa ra một giả thuyết là, cuộc sống vẫn đi trên một quỹ đạo hình tròn, chỉ vì đường tròn quá lớn, vì không thấy hết cuối đường, nên chúng ta tưởng là đi trên đường thẳng, và cho rằng mọi đường thẳng đều đồng quy vào một chỗ, tận cùng.

Năm ngoái trong bài “Lựa Tuổi Cho Con”, tôi có nêu thí dụ về những khoảng không thời gian hiện hữu song song, dựa trên lý thuyết của Einstein. Năm nay, bạn nào có dịp xem phim Interstellar do Christopher Nolan đạo diễn, sẽ nghe nói về khái niệm không gian 5 chiều, mà nhiều nhà khoa học đồng ý là có thể hiện hữu và không xa thực tế lắm đâu.

Chúng ta đang sống trong một không gian ba chiều, cọng thêm một chiều thời gian nữa là bốn. Theo lý luận của các khoa học gia theo trường phái của Einstein thì chiều thời gian không phải là đường thẳng mà là những đường cong, tùy thuộc theo sức hút của các thiên thể, có thể trôi nhanh hay chậm. Một con kiến bò trên chữ U, nó không biết là từ đỉnh nầy của chữ U sang đỉnh kia của chữ U rất gần. Cũng như chúng ta nghĩ thời gian đi theo một đường thẳng, nhưng, có thể cảm nhận đó không đúng. Thí dụ, cột mốc thời gian năm 1975 cách đây 40 năm, nhưng có thể nó nằm rất gần, như đỉnh chữ U nầy nhìn qua bên kia thôi. 

Cũng theo lý thuyết của Einstein thì có nhiều khoảng không thời gian nằm chồng lên nhau như những bọt bong bóng trong chậu giặt đồ. Chúng ta sống trong một khoảng không thời gian như sống trong một bong bóng và không biết rằng bong bóng bên cạnh rất gần. Một người con đang sống ở Mỹ, cử tưởng mẹ mình sống ở Việt Nam là xa xôi lắm, nhưng có thể, chỉ ở một bong bóng bên cạnh. Vì thế có những chuyện như, con té, mẹ biết đau, cho dù cách nhau cả ngàn dặm. 

Một thí dụ khác, bạn có một người bạn cũ thời tiểu học ở Việt Nam, lâu năm không gặp. Đùng một cái đi dạo ngoài phố, bạn gặp lại người nầy. Bạn cho là quả đất tròn. Rất có thể, không những quả đất tròn mà khoảng không thời gian cũng tròn luôn! Vì thế, nếu bạn có thể vượt qua được chiều không gian thứ 5, như miêu tả trong phim Interstellar, thì bạn có thể nhìn thấy tất cả các sự kiện, không đi theo thứ tự “đường thẳng” của thời gian, mà các sự kiện được chất chồng lên nhau như những thùng hàng ở trong một kho hàng vậy. Đại khái như ta đứng ngoài, nhìn con kiến đang bò trên chữ U vậy.

Tại sao tôi tốn công, nói chuyện khoa học viễn tưởng lòng vòng như vậy?
Ngày xưa trước khi khám phá ra Mỹ Châu, người ta tưởng “mặt đất phẳng”, cho nên khi một người phiêu lưu ra khỏi Âu Châu, được xem như “qua bên kia thế giới”. Hiện tại, vì quả đất hình tròn và phương tiện di chuyển, phương tiện truyền thông nhanh hơn trước rất nhiều, nên khoảng cách giữa “thế giới nầy” với “thế giới kia” lần lần bị xóa bỏ.

Sự sống diệu kỳ chỉ là tập hợp của các nguyên tử. Có lý thuyết cho rằng, tri thức hay linh hồn chẳng qua chỉ là những làn sóng điện được phát ra từ những tế bào thần kinh như sóng radio hay TV chẳng hạn. Sóng điện tồn tại cho dù con người mất đi, chúng ta không cảm nhận được nó chỉ vì không” bắt trúng đài” mà thôi. Hơn nữa, nếu nước có thể hiện hữu ở ba dạng thể, lỏng, đặc, và hơi, mà, con người chúng ta chỉ là một bích nước lớn. Sự chuyển hóa từ một thể trạng nầy qua một thể trạng khác có thể làm cho ta kinh hãi vì nó vẫn còn là một bí mật.

Tóm lại, một người đi “qua bên kia thế giới”, rất có thể họ chỉ băng qua một bong bóng không thời gian bên cạnh mà thôi.

Nhưng dù sao đi nữa, Đức Lạt Ma đã dạy, có ba ngày: hôm qua, hôm nay, và ngày mai. Chỉ có ngày hôm nay là ngày chúng ta thực sự sống. Vì thế hãy sống vui với hiện tại, bạn nhé.


No comments:

Post a Comment